Các tàu đánh bắt cá quy mô công nghiệp, hiện đại của Trung Quốc bỏ xa các tàu đánh bắt cá truyền thống - Ảnh: GUARDIAN
Trung Quốc áp đảo
Theo báo Guardian của Anh, đánh bắt cá ở quy mô công nghiệp bắt đầu diễn ra tại Nam Thái Bình Dương từ sau Thế chiến thứ hai do Mỹ, Nhật làm chủ lực.
Từ 2 thập kỷ gần đây, Trung Quốc thay vào vị trí này với các đội tàu đánh cá xa bờ và tàu lưới vây.
Tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc có thể thả lưới dài tới 100km, mỗi chiếc có tới 3.000 lưỡi câu, sử dụng thiết bị điện tử để rà cá và dùng tàu tốc độ cao để giăng lưới.
Tàu sẽ phải tránh bắt cá mập, cá cờ, cá kiếm, rùa biển… nhưng nhiều tàu không quan tâm.
Sau khi khai thác quá mức ở ngư trường của mình, các đội tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt một lượng lớn cá ngừ từ ngư trường màu mỡ nhất thế giới là vùng biển Thái Bình Dương.
Kể từ năm 2012, số lượng tàu đánh cá ở Thái Bình Dương của Trung Quốc đã tăng hơn 500%.
Khảo sát các tàu hoạt động ở Thái Bình Dương vào năm 2016 cho thấy các tàu gắn cờ Trung Quốc có số lượng nhiều hơn tàu của bất kỳ quốc gia nào khác và nhiều hơn tổng số tàu của tất cả các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương.
Theo Ủy ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Trung Quốc có hơn 600 tàu trong số 1.300 tàu quốc tế được cấp giấy phép ở vùng biển Thái Bình Dương.
Các tàu này nhắm đến cá ngừ Albacore, một loài thuộc họ cá thu ngừ và cá ngừ vây vàng. Cá mập bị bắt để lấy vây còn phần thân thì quăng xuống biển.
Đầu năm nay, Trung Quốc cho biết đã cấm các đội tàu đánh bắt mực ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong 3 tháng để phục hồi sản lượng. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tự ca ngợi hành động này là ví dụ cho thấy Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm.
Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc liên quan rất nhiều đến hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Một tàu đánh cá của Trung Quốc ngoài khơi Thái Bình Dương - Ảnh: REUTERS
Tắt định vị để khai thác trái phép
Nghiên cứu của Viện Brookings có trụ sở tại Washington công bố tháng 1-2021 cho biết: "Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Trung Quốc là mối đe dọa thực sự nghiêm trọng".
Năm ngoái, Ecuador cáo buộc ít nhất 150 tàu cá Trung Quốc đã tắt hệ thống định vị để lén hoạt động gần quần đảo Galapagos. Cục Nghề cá Trung Quốc sau đó cam kết sẽ đưa tên tàu và thuyền trưởng tham gia đánh bắt cá trái phép vào danh sách đen.
Bắc Kinh cũng đã cấm một số tàu của họ ở Thái Bình Dương, nhưng các nhà quan sát cho rằng hiệu quả của việc này không lớn vì các tàu Trung Quốc tiếp tục tắt định vị ở Thái Bình Dương.
Hải sản sau khi đánh bắt được bán trực tiếp giữa các tàu ngoài biển. Báo cáo năm 2019 của Viện Tài nguyên thế giới ước tính lượng hải sản bị đánh bắt bất hợp pháp hằng năm trên thế giới lên tới 7,2 triệu tấn, với trị giá từ 4,3 tỉ đến 8,3 tỉ USD.
Cá ngừ đông lạnh trong một tàu cá Trung Quốc - Ảnh: EPA
Lượng cá bị thiệt hại do đánh bắt lậu từ lâu đã gây kiệt quệ cho nền kinh tế của các quốc gia nhỏ không có các tài nguyên xuất khẩu khác và gây tổn hại đến môi trường toàn cầu.
Các quốc gia Thái Bình Dương không có khả năng đối phó với nạn khai thác lậu. Do đó buộc các nhà nhập khẩu phải yêu cầu chứng nhận về tính hợp pháp của hải sản đánh bắt.
Khu vực Thái Bình Dương xuất khẩu 530.000 tấn hải sản trong năm 2019, giá trị ròng 1,2 tỉ USD. Những nước xuất khẩu hải sản lớn lần lượt là Papua New Guinea, Fiji, Liên bang Micronesia, Vanuatu và Solomon.
Năm 1982, tám quốc gia đã ký kết Hiệp định Nauru, cho phép các nước nhỏ thương lượng tập thể về việc cho phép tàu cá nước ngoài tiếp cận vùng biển của họ. Quyết định này tạo ra doanh thu thêm 500 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, vùng biển Thái Bình Dương, nguồn cung hơn một nửa lượng cá ngừ cho thế giới, cũng trở nên dễ tổn thương hơn với nạn đánh bắt cá lậu, cứ 5 con cá đánh bắt tự nhiên thì lại có 1 con do đánh bắt lậu, theo báo The Guardian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận