11/05/2019 13:10 GMT+7

'Các nước phải đoàn kết để đối phó thương chiến Mỹ - Trung'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Cả các nước châu Âu và châu Á đều bày tỏ lo ngại thương chiến Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và hi vọng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm đạt được thỏa thuận thương mại.

Các nước phải đoàn kết để đối phó thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Một cử chỉ của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc khi ông kết thúc vòng đàm phán mới nhất với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ở Washington ngày 10-5 (giờ Mỹ) - Ảnh: REUTERS

Sau vòng đàm phán thứ 11 tại Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết Trung Quốc và Mỹ nhất trí sẽ tổ chức thêm các cuộc đàm phán. "Các cuộc đàm phán đã không đổ vỡ", ông Lưu nói và bày tỏ lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận.

Trong khi đó, mức thuế đánh vào 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã chính thức có hiệu lực. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí ra lệnh khởi động quá trình tăng thuế với số hàng hóa trị giá hơn 300 tỉ USD còn lại của Trung Quốc.

Theo Đài CBS News, các căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington, nếu không được giải quyết sớm thông qua việc ký kết một thỏa thuận, có thể sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia vốn không mong muốn bị ảnh hưởng tiêu cực cũng sẽ bị "vạ lây".

Sau đây là phản ứng của một số nước trước các diễn biến trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung:

Pháp: Mối đe dọa đối với sự phát triển của thế giới

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire ngày 10-5 chia sẻ với kênh CNews : "Không có mối đe dọa nào đối với sự phát triển của thế giới lớn hơn một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bởi vì điều đó có nghĩa thuế quan thương mại sẽ tăng lên, hàng hóa lưu thông trên thế giới ít đi và chúng ta (người Pháp) sẽ không thể lưu thông hàng hóa của chính nước Pháp dễ dàng quanh thế giới.

Một cuộc chiến thương mại sẽ hủy hoại việc làm ở Pháp và châu Âu. Và đứng ở khía cạnh này, châu Âu phải đoàn kết lại để đối phó thương chiến".

Anh: Ảnh hưởng rất nghiêm trọng

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nói với Đài Sky News rằng ông hiện lạc quan, nhưng một cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tiêu cực "rất nghiêm trọng" lên cả nền kinh tế của Anh và toàn cầu.

"Chúng tôi lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận. Điều đó rất quan trọng đối với Anh vì nền kinh tế của chúng tôi là một nền kinh tế vô cùng rộng mở, do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra ở nơi khác" - vị chính trị gia 63 tuổi cho biết.

Các nước phải đoàn kết để đối phó thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Sau khi tăng thuế lên mức 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, ông Trump tiếp tục đe dọa áp 25% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc còn lại trị giá hơn 300 tỉ USD - Ảnh: GETTY

Nhật Bản: Hãy đối thoại!

Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kotaro Nogami chia sẻ với báo giới rằng Tokyo hi vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ giải quyết các xung đột thương mại thông qua đối thoại. Ông giải thích rằng sự gia tăng các hạn chế đối với hoạt động thương mại sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào.

Nền kinh tế Nhật Bản cũng bị tác động do hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ sụt giảm.

Theo ông Kotaro Nogami, bất kỳ biện pháp thương mại nào cũng cần phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nhật Bản hi vọng "cả Mỹ và Trung Quốc sẽ làm việc trên tinh thần xây dựng để giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại".

Hàn Quốc: Lo ngại hiệu ứng lan tỏa

"Nếu nền kinh tế Trung Quốc xấu đi thêm, nó sẽ có hiệu ứng lan tỏa ngay lập tức lên xuất khẩu của Hàn Quốc" - ông Joo Won, phó giám đốc tại Viện nghiên cứu Huyndai, cảnh báo.

Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc lo ngại việc xuất khẩu chất bán dẫn và các sản phẩm trung gian của nước này sang Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc ngày càng lún sâu vào thương chiến.

Trong tháng 4, xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Seoul, đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 12,4 tỉ USD, và đây là tháng thứ 6 liên tiếp chứng kiến tình trạng sụt giảm.

Trung Quốc lấy gì trả đũa Mỹ trong thương chiến?

TTO - Mức thuế mới tăng từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc được áp dụng từ 0h01 ngày 10-5 (giờ Washington), 11h01 trưa 10-5, theo giờ Việt Nam. Bloomberg đưa ra ba vũ khí trả đũa Trung Quốc có thể sử dụng.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên