Nhóm nghiên cứu tới Nam Cực - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo BBC, cơ quan chuyên nghiên cứu Nam Cực thuộc Chính Phủ New Zealand (ANZ) thông báo giảm số dự án trong năm nay tại châu lục này từ 36 xuống còn 23.
Hiện tại, ANZ chỉ giữ lại những nghiên cứu theo dõi dài hạn, các hoạt động quản lý quan trọng và các dự án bảo trì thiết yếu không thể hoãn lại. ANZ cũng cho biết giai đoạn nghiên cứu tiếp theo sẽ diễn ra từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2021.
"Trong khi dịch COVID-19 quét qua toàn thế giới, duy nhất một nơi trên Trái đất không bị ảnh hưởng, chính là Nam Cực. Và chúng tôi muốn giữ an toàn cho châu lục này", ANZ nêu trong thông báo.
Sarah Williamson - giám đốc của ANZ - cho biết những chính sách hạn chế đi lại và giãn cách xã hội ở New Zealand và một số quốc gia lân cận là yếu tố chính giúp trạm Scott Base (trạm nghiên cứu của New Zealand tại Nam Cực) và những cơ sở khác tại đây vẫn chưa bị virus tấn công.
Trạm Scott Base của New Zealand - Ảnh: WIKIMEDIA
Hiện tại, Nam Cực là "ngôi nhà chung" của khoảng 80 đơn vị nghiên cứu độc lập của hơn 30 quốc gia. Trong số đó, khoảng 45 cơ sở vận hành cả năm, những nơi còn lại thường chỉ hoạt động vào mùa hè để tránh cái lạnh nơi đây.
PGS Rob McKay cho biết Nam Cực như một hệ sinh thái cô lập với phần còn lại của thế giới. Do đó, nếu không may xảy ra tình trạng khẩn cấp về y khoa như số lượng ca nhiễm tăng đột biến, sẽ rất khó giải quyết khi không đủ cơ sở vật chất tại chỗ.
Ước tính khoảng 1.500 nhà khoa học nghiên cứu ở Nam Cực vào mùa đông và khoảng 4.000 người nghiên cứu vào mùa hè. Ông McKay so sánh, nếu khủng hoảng y tế không may xảy ra tại đây, các nhà khoa học Nam Cực chẳng khác gì như ở trên một chiếc tàu đang chìm dần.
Trước đó Úc cũng cho biết sẽ hạn chế các hoạt động tại Nam Cực trong năm 2020-2021, bao gồm cả những dự án quản lý và các nghiên cứu quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận