06/08/2020 19:04 GMT+7

Các nước cùng đối mặt thách thức nới lỏng để hồi sinh kinh tế hay làn sóng tái nhiễm

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Thách thức lớn nhất với các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực ASEAN+3 nửa cuối năm sẽ là cân bằng giữa nới lỏng phong tỏa để hồi sinh kinh tế và đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới COVID-19. Đây là chìa khóa cho ổn định tài chính khu vực.

Các nước cùng đối mặt thách thức nới lỏng để hồi sinh kinh tế hay làn sóng tái nhiễm - Ảnh 1.

Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn lạc quan so với các nước trong khu vực, điều này giúp VN nhanh chóng lấy đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo - Ảnh: N.BÌNH

Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế đến từ Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đưa ra tại cuộc họp trực tuyến cập nhật triển vọng kinh tế khu vực ASEAN + 3 gồm các nước ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày 6-8. 

Theo đó, đà phục hồi của các nước ASEAN+3 được dự báo sẽ theo hình chữ U và dẫn dắt bởi sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. 

Ông Hoe Ee Khor - kinh tế trưởng của AMRO - dự báo 9 trong 14 nền kinh tế thuộc ASEAN+3 sẽ tăng trưởng âm năm nay. Những nước được kỳ vọng tăng trưởng dương là Trung Quốc, Brunei, Lào, Myanmar và Việt Nam. 

Các lệnh cấm quốc tế du lịch đã hủy hoại lĩnh vực du lịch quan trọng của khu vực, từ ngành hàng không, đi lại đến lĩnh vực khách sạn, nhà hàng đều bị sụt giảm doanh số thê thảm. Những quốc gia dựa nhiều vào ngành du lịch như Thái Lan, Singapore... đang chịu nhiều thiệt hại về kinh tế trong đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước lựa chọn giải pháp "travel bubble", tức thiết lập nhóm quốc gia đi lại an toàn. Nhưng ngành khách sạn cần nhiều thời gian hơn để hồi phục do các nước vẫn đang đóng cửa, thắt chặt biên giới.

Nếu nhìn vào ngành công nghiệp du lịch, mặc dù hiện nay du lịch quốc tế đang bị đóng băng nhưng nhiều quốc gia đang đẩy mạnh du lịch nội địa. Hiện ở nhiều quốc gia trong khu vực, thị phần của du lịch nội địa lại cao hơn rất nhiều so với du lịch quốc tế nên đây cũng là mảng cần được đẩy mạnh phục hồi trước, đến khi thế giới tìm được vắc xin.

"Chúng tôi nhận thấy những quốc gia bị sụt giảm tăng trưởng nặng nề đều phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch. Nhưng một khi thế giới có vắc-xin, dịch được kiểm soát thì đây sẽ là những quốc gia lấy đà phục hồi nhanh nhất" - bà Li Lian Ong, trưởng nhóm chuyên gia giám sát tài chính tại AMRO, nhận định. 

Bức tranh chung của kinh tế khu vực cũng như toàn cầu không hề sáng sủa trong năm nay. Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng, tàn phá nền kinh tế toàn cầu kể từ tháng 2-2020. Chính phủ các nước thuộc khu vực ASEAN + 3 đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn lây truyền virus và giữ cho nền kinh tế phát triển.

Teo AMRO, GDP ASEAN+3 năm nay và năm sau được dự báo chỉ còn 0,1% và 6%, giảm mạnh so với 4,2% và 5% trong báo cáo tháng 3. 

Dự báo này dựa trên giả thiết đại dịch được kiềm chế cả trong khu vực lẫn toàn cầu. Vì vậy, theo bà Li Lian Ong, thách thức lớn nhất với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nửa cuối năm sẽ là cân bằng giữa nới lỏng phong tỏa để hồi sinh kinh tế và đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,1% trong năm 2020

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng đạt mức 7% trong năm 2021 sau khi sụt giảm còn 3,1% trong năm 2020 vì tác động của dịch COVID-19, mức này vẫn cao nhất khu vực.

Theo ông Hoe Ee Khor, dự báo được đưa ra trong thời điểm Việt Nam chưa có ổ dịch Đà Nẵng bùng phát cuối tháng 7. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá Việt Nam khá lạc quan trong việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên