Người dân tiêm ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8-7 - Ảnh: REUTERS
Hàn Quốc ngày 10-7 thông báo số ca mắc COVID-19 cao nhất theo ngày từ trước đến nay với 1.378 ca trong ngày 9-7, phá kỷ lục của ngày trước đó là 1.316 ca và là ngày tăng thứ 3 liên tiếp, theo Hãng tin Yonhap.
Trong số đó, tỉ lệ tử vong vào khoảng 1,22% và 148 ca bệnh nặng, thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi tháng 12-2020.
Tuy nhiên, xu hướng lây lan khiến người ta lo ngại số ca bệnh mới có thể tăng gấp đôi vào cuối tháng. Chính phủ Hàn Quốc đã siết chặt các biện pháp chống dịch, bao gồm khuyến cáo người dân ở nhà và hạn chế tụ tập trên 2 người sau 18h.
Khoảng 30% trong số 52 triệu dân Hàn Quốc đã tiêm ngừa ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19, trong đó 11% đã tiêm đầy đủ. Nước này dự kiến tiêm 1 liều cho 70% dân số trước tháng 9-2021 để đạt miễn dịch cộng đồng.
Thái Lan ngày 9-7 tuyên bố siết chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch ở thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác, bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa cửa hàng, giới nghiêm và hạn chế tụ tập. Việc siết chặt bắt đầu từ cuối tuần này hoặc đầu tuần sau và sẽ kéo dài trong 14 ngày.
Chính quyền Thái Lan buộc phải mạnh tay sau khi ghi nhận số ca bệnh theo ngày cao kỷ lục 9.276 ca với 72 ca tử vong. Đến ngày 10-7, con số tiếp tục tăng lên 9.326 ca bệnh mới và 91 ca tử vong.
Thái Lan cũng vừa nhận thêm lô vắc xin AstraZeneca từ Nhật Bản, theo Hãng tin Reuters.
Bà Apisamai Srirangsan, người phát ngôn lực lượng chống dịch của Thái Lan, cho biết vắc xin của AstraZeneca và Pfizer sẽ được tiêm cho người cao tuổi, có vấn đề về sức khỏe, người nước ngoài trên 60 tuổi, nhân viên ngoại giao và vận động viên thi đấu ở nước ngoài.
Theo bà Apisamai, các nhân viên y tế, phần lớn đã được tiêm ngừa vắc xin của Sinovac, sẽ được tiêm bổ sung liều vắc xin công nghệ mRNA của Pfizer.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 9-7 - Ảnh: REUTERS
Báo Khmer Times ngày 10-7 đưa tin 4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 mà Campuchia đặt mua, bao gồm 3 triệu liều Sinovac và 1 triệu liều Sinopharm, sẽ về đến nước này trong cùng ngày.
Bà Or Vandine, chủ tịch Ủy ban tiêm ngừa COVID-19 quốc gia của Campuchia, cho biết nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, Campuchia sẽ hoàn tất tiêm ngừa cho 10 triệu dân chậm nhất vào tháng 11-2021.
Theo bà Vandine, Ủy ban tiêm ngừa COVID-19 quốc gia đang thảo luận việc tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi cũng như tiêm thêm liều bổ sung/nhắc lại. Tuy nhiên, việc này sẽ tùy vào kết quả các nghiên cứu khoa học.
Trước đó, Campuchia cũng phải siết chặt các biện pháp chống dịch trong bối cảnh số ca bệnh tăng thêm mỗi ngày vẫn xấp xỉ 1.000 ca trong những ngày qua.
Tại thủ đô Phnom Penh, các dịch vụ và hoạt động "nguy cơ cao", như giải trí, quán bar, karaoke, casino, rạp phim, phòng gym… sẽ phải đóng cửa trong 14 ngày. Các trường học, trung tâm đào tạo cũng tạm đóng cửa.
Trong khi đó, Indonesia cho biết đã tiếp nhận tổng cộng 119.735.200 liều vắc xin ngừa COVID-19 thông qua hợp tác song phương cũng như đa phương.
Cụ thể, số vắc xin trên bao gồm 108,5 triệu liều của Sinovac, 1,5 triệu liều của Sinopharm, 8.236.800 liều của AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX, 998.400 liều AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ, và 500.000 liều vắc xin của Sinopharm do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chuyển giao.
Indonesia đã tiêm 49,6 triệu liều vắc xin, đứng thứ tư ở châu Á về tiêm chủng. Nước này tiếp tục nhận thêm nhiều triệu liều vắc xin từ nguồn tài trợ, đặt mua trong tháng 7-2021.
Tình hình dịch bệnh cũng nóng tại Malaysia với 9.189 ca bệnh mới trong ngày 9-7, phá kỷ lục trước đó là 9.020 ca của ngày 29-5. Philippines cùng ngày ghi nhận thêm 5.881 ca bệnh và 70 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận