13/07/2021 12:30 GMT+7

Các nước bảo vệ phán quyết Biển Đông

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tròn 5 năm kể từ khi tòa quốc tế bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ cùng các đồng minh tiếp tục khẳng định ủng hộ phán quyết này.

Các nước bảo vệ phán quyết Biển Đông - Ảnh 1.

Người dân Philippines biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Malaki ngày 12-7 nhân kỷ niệm 5 năm phán quyết Biển Đông - Ảnh: Reuters

Dù không có bước ngoặt nào sau phán quyết ngày 12-7-2016 và bị Trung Quốc bác bỏ, nhưng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng phán quyết đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ Manila mà còn với các nước khác trong khu vực để bảo vệ quyền lợi của mình tại Biển Đông.

Mỹ và đồng minh lên tiếng

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12-7 (giờ Việt Nam) đã phát đi thông điệp về lập trường của chính quyền Mỹ Joe Biden: ủng hộ chính sách Biển Đông từ thời người tiền nhiệm Donald Trump, trong đó bác bỏ các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc tại khu vực.

Trong tuyên bố ngày 13-7-2020, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo cho rằng Bắc Kinh đã "không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào" đối với yêu sách của mình. Tuyên bố của Mỹ đề cập phán quyết của Tòa trọng tài vào năm 2016 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm cả "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ để đòi chủ quyền và cái gọi là chủ quyền lịch sử là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Ngoại trưởng Blinken khẳng định "không có nơi nào mà trật tự hàng hải dựa trên luật pháp lại bị đe dọa như ở Biển Đông". Ông cáo buộc Trung Quốc "cưỡng ép, đe dọa các nước ven biển ở Đông Nam Á, đe dọa tự do đi lại trên tuyến đường toàn cầu quan trọng này". Ông cũng tái khẳng định Washington sẽ bảo vệ Philippines ở Biển Đông nếu bị Trung Quốc tấn công, theo cam kết của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines từ năm 1951.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng tiếp lời ông Blinken, nói rằng việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết là "phá hoại luật pháp - giá trị nền tảng của cộng đồng quốc tế". Tokyo bày tỏ lo ngại và khẳng định phản đối mạnh mẽ bất cứ sự cưỡng ép nào nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Tương tự, Bộ Ngoại giao Canada ra tuyên bố kêu gọi tuân thủ phán quyết 2016, gọi đây là nền tảng để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông. Tuyên bố của Ottawa đề cập các hành động gây bất ổn và leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định Canada ủng hộ quyền tự do đi lại, thương mại và chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Chúng tôi đã làm mọi điều có thể, trong bối cảnh thiếu một cơ chế thực thi luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12-7 nói về phán quyết Biển Đông.

Công cụ pháp lý quan trọng

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr ngày 12-7 tuyên bố "Philippines tự hào đã đóng góp cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp", nhắc đến phán quyết năm 2016.

Kể từ khi thắng kiện, chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần vấp phải sự chỉ trích trong nước vì mềm mỏng, nhượng bộ Trung Quốc và bỏ lỡ cơ hội củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Thực tế rất nhiều tàu Trung Quốc hiện diện ở vùng biển gần Philippines, bất chấp Manila đã 128 lần phản đối các hoạt động của Bắc Kinh từ năm 2016.

"Nếu Philippines không đệ đơn yêu cầu phân xử theo UNCLOS, Trung Quốc có thể dùng sự án binh bất động của Philippines để lập luận rằng Philippines đã chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các thực thể và tài nguyên biển ở Biển Đông" - giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales ở Canberra, nhận định với báo Asian Nikkei Review.

Trong tuyên bố ngày 12-7, ông Locsin khẳng định phán quyết là nguồn tham khảo có giá trị cho các quốc gia có tranh chấp hàng hải tương tự như Manila. Giới ngoại giao, thông qua các tài liệu gần đây, cũng đều thống nhất rằng đây là công cụ quan trọng nhất để giải quyết tất cả các vấn đề hàng hải.

Chuyên gia Suzette Suarez của Đại học Khoa học ứng dụng Bremen mô tả phán quyết là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp và phân định ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông.

Mỹ và các đồng minh thời gian qua đã thực thi phán quyết thông qua các chiến dịch tự do đi lại tại Biển Đông. Tuy nhiên nhà nghiên cứu Singapore Collin Koh cho rằng các nước Đông Nam Á cần phải đầu tư vào năng lực hàng hải và kiên định trong các hoạt động thực thi luật pháp. "Động thái gần đây của Lực lượng tuần duyên Philippines khi thách thức và trục xuất các tàu cá nước ngoài khỏi vùng EEZ của mình là một ví dụ đáng chú ý" - ông Koh nhận định.

Việt Nam nói gì?

Bình luận về dịp kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 12-7 nhấn mạnh Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước).

"Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu.

Theo bà Hằng, nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước.

DIỆU AN

Việt Nam lên tiếng nhân 5 năm phán quyết bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông Việt Nam lên tiếng nhân 5 năm phán quyết bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

TTO - Việt Nam tái khẳng định lập trường ở Biển Đông hôm 12-7, nhân tròn 5 năm tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Biển Đông