06/11/2006 06:07 GMT+7

Các nhà làm phim tránh né đề tài tiêu cực xã hội?

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Vì sao VN chưa có những bộ phim chạm vào tiêu cực xã hội như Đông chí hay Quan chức nhà nước của Trung Quốc đang công chiếu và thu hút công chúng, có phải các nhà làm phim kỵ húy đề tài này?...

Jn868eWu.jpgPhóng to
Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng - Ảnh: Việt Dũng

Sau Quyền lực tuyệt đối, Công tố viên, Những người đàn bà trong đời quan tham, Sự lựa chọn sinh tử..., truyền hình VN đang tiếp tục phát sóng cùng lúc trên hai kênh chính VTV1 và VTV3 hai bộ phim Trung Quốc gây sức hút mạnh mẽ với công chúng: Đông chíQuan chức nhà nước.

Tại sao phim truyền hình VN chưa có những bộ phim tương tự về những vấn đề của xã hội mình? Vì không làm được hay không dám làm? Tuổi Trẻ đã gặp giám đốc Hãng Phim truyền hình VN - đơn vị sản xuất phim truyền hình lớn nhất nước - đạo diễn Nguyễn Khải Hưng để có được những lý giải ban đầu.

* Thưa ông, trước hết xin ông cho biết: ông và các đồng nghiệp có xem những bộ phim dài tập của Trung Quốc đã và đang gây xôn xao dư luận hay không?

- Có, chúng tôi có xem. Tuy không đủ thời gian để xem hết, nhưng là dân trong nghề nên chỉ cần xem một vài tập là biết nội dung và cách phát triển tuyến nhân vật. Điều chúng tôi quan tâm là đề tài và phong cách thể hiện. Chúng tôi biết loại phim này rất hấp dẫn.

* Thưa ông, mỗi khi những bộ phim như thế được phát sóng, ông và các đồng nghiệp của mình có thấy cái gì đó như là sự thôi thúc của nghĩa vụ công dân hay tự ái nghề nghiệp hay không?

- Mỗi nước có một hoàn cảnh xã hội, lịch sử và văn hóa khác nhau. Nhận thức của xã hội trước mỗi sự kiện gây tác động cũng khác xa nhau. Nói chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp thì không có, nhưng đúng là có một sự so sánh ngầm và chúng tôi cũng biết chúng tôi bị (được) người xem so sánh, yêu cầu cao hơn. Hay nói thẳng ra là có một bộ phận không nhỏ người xem đòi chúng tôi phải “làm căng hơn nữa, đánh thẳng vào bọn tham nhũng” - như đã có những khán giả trực tiếp gọi điện về cho chúng tôi.

Cái gì cũng phải có lộ trình của nó. Làm phim truyền hình vừa là nghệ thuật, cũng vừa là báo chí, lắm lúc cũng như đi trên dây, đầu tiên phải tìm cách thăng bằng đã rồi mới có thể đi được, đến đích thứ nhất, rồi sẽ là đích thứ hai và những đích tiếp theo.

* Vậy thưa ông, tại sao các phim của truyền hình VN vẫn không thể đạt tới cái tầm mà khán giả mong muốn, tại sao vẫn để người xem có cảm giác chưa “đã”, “đánh” chưa trúng và chưa đau, các vấn đề trong phim mới chỉ nêu ra mà chưa lý giải, phân tích được, chứ chưa nói đến giải quyết? Trong khi phim của người ta thì quyết liệt như thế?

- Vậy lại phải xác định với nhau thế nào là “đã”, thế nào là “đánh trúng”, “đánh đau” đến đâu thì vừa? Như tôi đã nói, tuy có sự tương đồng về thể chế chính trị và sự gần gũi về văn hóa, nhưng xã hội VN vẫn khác xa xã hội Trung Quốc.

Phim ảnh cũng chỉ là tấm gương phản chiếu xã hội, mà những mâu thuẫn trong xã hội chúng ta thì cũng như bản tính của con người VN, rất hiếm khi bị đẩy lên đến đỉnh điểm, gay gắt. Và có nhân vật nào cấp cao hơn đã bị đưa vào tù mà chúng tôi không “dám” tạo thành các nhân vật trong các bộ phim của mình? Không có. Tòa án xử đến đâu, chúng tôi đều có phim đến đó.

op6a02W8.jpgPhóng to
Đạo diễn Khải Hưng:“Chúng tôi được so sánh và yêu cầu cao hơn”
* Nhưng thưa ông, vấn đề không chỉ đưa nhân vật đến “cỡ” nào mà điều quan trọng hơn là cách xây dựng nhân vật, tình huống, môi trường dẫn đến cái xấu, cái ác, là các chi tiết, hình ảnh gây ấn tượng khiến người ta phải ghê sợ cái ác và kẻ thủ ác. Tất cả những điều đó hình như đều còn mờ nhạt, thậm chí bị né tránh trong phim truyền hình VN?

- Vâng, chúng tôi thừa nhận có điều đó. Và đó là quan điểm của chúng tôi. Tôi cho rằng cứ đào sâu mãi vào cái xấu, cái ác thì xã hội sẽ được lợi gì? Người ta xem phim không phải để tối đến không còn muốn ra đường hay sáng mai không còn muốn thức dậy nữa. Chúng tôi hoàn toàn có thể cho vào phim những pha chém giết của các băng nhóm tội phạm, hay những xen dàn cảnh mưu ma chước quỉ của các quan chức tha hóa. Nhưng chúng tôi không chọn cách đó trong các bộ phim của mình.

Khán giả xem phim trước hết là để thư giãn, sau đó để ngẫm nghĩ và sau hết để tin vào một điều gì đó. Cho nên trong những phim về các đề tài nhạy cảm (thường chiếm khoảng 50 tập phim trong số 250 tập phim sản xuất mỗi năm), chúng tôi cố gắng lý giải các tiêu cực xã hội: tội phạm, chạy quyền chạy chức, tham nhũng, giết người... từ góc độ con người nhất, mềm mại và dễ chấp nhận nhất.

* Thưa ông, có khi nào ông nghĩ rằng đó là một quan điểm hơi... coi thường khán giả không?

- Chúng tôi biết mình đang làm phim cho ai xem. Những khán giả như các nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia tội phạm... chỉ chiếm không đến 5% số người xem phim của truyền hình VN. Phần đông khán giả nông thôn sẵn sàng tin 100% những gì đang diễn ra trong phim là sự thật. Và tôi muốn họ nhìn cuộc sống không phải chỉ một màu đen kịt.

Tôi có đủ chuyên môn về truyền hình để hiểu chọn cách làm phim gây “sốc” như các phim truyền hình Trung Quốc thì sẽ có đông khán giả hơn, nhưng tôi cũng thuộc về số những người cho rằng với mặt bằng chung của người xem VN, chọn cách gây sốc chưa chắc đã mang lại hiệu quả tốt nhất, giống như với một cơ thể ốm yếu mà bị tiêm kháng sinh quá liều vậy.

* Thưa ông, thế còn chức năng dự báo của nghệ thuật thì sao? Người nghệ sĩ, với sự nhạy cảm từ trái tim mình, cộng với tài năng, cộng với tư cách công dân, có khả năng, có quyền và có nghĩa vụ phải cảnh báo về những nguy cơ mà xã hội sẽ gặp phải, chứ không phải chỉ đi sau báo chí và cơ quan pháp luật?

- Chúng tôi đã làm và vẫn đang làm điều đó, chỉ có điều theo cách mà chúng tôi cho là hợp lý nhất. Từ năm 1998 chúng tôi đã làm phim Chuyện làng Nhô, thời điểm đó liệu có ai dám làm phim về tình trạng cường hào ác bá ở nông thôn cùng với sưu cao thuế nặng? Chúng tôi cũng đã trình chiếu phim Cổ cồn trắng khi tòa vừa xử xong vụ Năm Cam, để làm được điều đó có nghĩa là chúng tôi phải bắt tay vào làm phim từ khi vụ án chưa ngã ngũ.

Chúng tôi cũng vừa chiếu xong phần 1 của bộ phim Chạy án mà bất kỳ khán giả nào cũng nhận ra đó là con người và tình tiết của vụ quota ở Bộ Thương mại. Sức ép không nhiều nhưng cũng có: điện thoại, email dọa nạt, bóng gió thôi, cũng có khi chửi thẳng nhưng không xưng tên. Điều cơ bản là dư luận xã hội đồng thuận, nhiều người động viên chúng tôi: “tăng “đô” lên nữa đi”, “mạnh mẽ hơn nữa”. Chúng tôi sẽ “tăng liều” trong Chạy án phần 2 và sẽ tăng dần theo nhiệt kế xã hội.

* Như ông nói, vậy là các nhà làm phim VN không hề bị một áp lực nào hay một sự ngăn cản nào từ cấp trên hoặc các cơ quan kiểm duyệt. Chỉ đơn giản là các nghệ sĩ tự biết “định lượng”, tự cân nhắc liều lượng và ranh giới trước khi cho ra đời các tác phẩm của mình?

- Tôi chưa bao giờ bác bỏ một kịch bản của các đạo diễn đưa lên chỉ vì nó đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm. Hãng phim của tôi cũng chưa bao giờ bị VTV từ chối phát sóng vì một bộ phim “có vấn đề”. Cũng có thể các nghệ sĩ đã tự biết mình nên làm đến mức nào, nên dừng ở đâu. Cũng có thể họ đồng quan điểm với tôi: đừng làm cuộc sống buồn đau, đen tối thêm. Chúng tôi chẳng ai bị cấm đoán gì. Cho nên, nếu khán giả không hài lòng vì phim truyền hình VN về chống tiêu cực tham nhũng chưa hay bằng Quan chức nhà nước thì cũng có thể đã tìm được kẻ “chịu trách nhiệm”: người làm phim VN hiện chưa có tầm nghĩ được, làm được những bộ phim như thế!

* Xin cảm ơn ông.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên