Êkip VTV7 tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: ĐPCC
Nhà làm phim độc lập Linh Ngư, hiện đang ở An,h đặt mục tiêu kêu gọi 150 người làm phim không chuyên từ 11 quốc gia cùng làm một phim tài liệu tổng hợp về đại dịch.
Cô cho biết lý do thực hiện dự án này: "Thời gian này khiến mình nhận ra những thứ bình thường và đơn giản hàng ngày như được đến trường, được đi dạo, được gặp gỡ trò chuyện cùng bạn bè, được mua giấy vệ sinh thoải mái là không hề hiển nhiên mà có.
Mình tự hỏi vậy mình sẽ làm gì với cuộc sống của mình sau khi đại dịch kết thúc?
Mình muốn bằng cách nào đó có thể nhắc nhở bản thân mình và thế hệ sau này hãy trân trọng và bảo vệ những điều dù đơn giản và bình dị mà cuộc sống trao tặng. Và tự nhiên, mình lại muốn làm một phim tài liệu".
Bản kêu gọi làm phim tài liệu hợp tác của Linh Ngư - Ảnh chụp màn hình.
Những nhà làm phim nghiệp dư tham gia dự án sẽ tự ghi lại cuộc sống hàng ngày của họ trong giai đoạn này và gửi về một đầu mối để dựng thành bộ phim. Đây là dự án phi lợi nhuận, phim được làm ra sẽ chiếu miễn phí rộng rãi cho khán giả.
Êkip VTV7 tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đoàn có quay phim vợ mới sinh con vẫn tình nguyện vào Bạch Mai làm phim - Ảnh: ĐPCC
Là hãng phim nhà nước, muốn làm phim phải có kế hoạch, "xếp gạch" trước cả năm, mãi gần đây Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương mới được chấp thuận cho sản xuất bộ phim Cuộc chiến không giới hạn (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, biên kịch Vũ Thị Diệp).
Lãnh đạo của hãng cho biết để được sản xuất bộ phim này, hãng phải "hi sinh" bớt một phim trong kế hoạch năm 2020, dời sang năm 2021.
Trước mắt thì êkip Cuộc chiến không giới hạn mới trong giai đoạn bàn bạc kịch bản. Đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn cho biết: "Chúng tôi sẽ sớm lên đường ghi hình với nhiều nhóm, để phòng trường hợp một nhóm bị cách ly thì nhóm khác có thể thay thế".
Trong khi đó, nhiều ngày nay, êkip của các đài truyền hình đã "nằm vùng" trong các ổ dịch. Hiện tại Bạch Mai có người của VTV3, VTV7, VTC, Vietnamnews nằm vùng đưa tin.
Nhà sản xuất Phan Ý Linh (VTV7) đang cùng ba thành viên nữa "nằm vùng" trong Bệnh viên Bạch Mai để làm phim tài liệu cho biết mỗi ngày lại có thêm diễn biến mới, khiến êkip xác định ghi nhận tối đa thông tin, sau đó mới quyết định sẽ dựng phim như thế nào.
"Bình thường làm phim tài liệu chúng tôi phải tự tìm đề tài, câu chuyện. Nhưng ở Bạch Mai mỗi ngày chúng tôi lại gặp một câu chuyện hay, đến nỗi chưa thể quyết định sẽ làm phim dài bao nhiêu phút.
Êkip VTV7 tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: ĐPCC
Hôm rồi chúng tôi ghi hình một ca cấp cứu phụ sản từ trưa đến ba giờ sáng hôm sau. Trường hợp này bệnh viện tỉnh cũng như các bệnh viện khác không giải quyết được nên người nhà quyết định phải vào Bạch Mai.
Có bệnh nhân cấp cứu bị ngưng tim giữa đường. Giữa lằn ranh sống chết, gia đình họ đã gạt nỗi e ngại Bạch Mai để đưa người nhà vào đây, vì chỉ vào đây mới có thiết bị y tế tốt hỗ trợ.
Có một người đàn ông 70 tuổi bị tim nặng vào Bạch Mai cấp cứu rơi vào hôn mê. Người vợ đi cùng (60 tuổi) chấp nhận bị cách ly, 14 ngày sau mới được gặp chồng.
Hay có trường hợp trẻ sinh non nặng có 900 gram ngay khi ra đời, mẹ đã phải đi cách ly, nên cô y tá làm "chuột túi" ấp bé giúp mẹ.
Có rất nhiều câu chuyện cảm động ở bệnh viện. Nói chung tinh thần vượt khó ở Bạch Mai rất cao, bác sĩ làm không chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà còn bằng tình yêu với bệnh nhân", nhà sản xuất Phan Ý Linh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận