07/02/2020 16:50 GMT+7

Các nhà khoa học Trung Quốc có đáng bị 'ném đá' không thương tiếc?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Có người bị gọi là 'mẹ quỷ', bị vu là tác giả của virus corona chủng mới. Người khác lại bị dân tình chỉ trích là 'tiến sĩ giấy' vì cho rằng ông chẳng làm nên trò trống gì để ngăn dịch. Quá bức xúc, họ đã phải lên tiếng.

Các nhà khoa học Trung Quốc có đáng bị ném đá không thương tiếc? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ chăm sóc bệnh nhân ở Vũ Hán - Ảnh: REUTERS

Trong các khảo sát về nghề nghiệp ở Trung Quốc, các nhà khoa học được xem là những người đáng kính nhất. Nhưng trong thời dịch bệnh, điều này ít nhiều đã thay đổi: người ta quay sang chỉ trích các nhà khoa học, vu họ là tác giả của virus corona chủng mới hoặc chê họ là 'tiến sĩ giấy' vì không ngăn được dịch.

Người bị gọi là "mẹ quỷ" là Thạch Chính Lệ, nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc chuyên nghiên cứu về các chủng virus corona. Bà Thạch hiện thuộc một nhóm các nhà khoa học tham gia nỗ lực săn lùng virus corona chủng mới (2019-nCoV) quy mô toàn cầu.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), bà Thạch là người đầu tiên xác định 2019-nCoV là "hậu duệ" trực tiếp của một chủng virus có trong phân của một loài dơi ăn trái cây ở tỉnh Vân Nam. Bản đồ gen của hai loại này giống nhau đến 96%.

Phát hiện của bà Thạch được xem là tiền đề cho các nghiên cứu về nguồn gốc và cách điều trị 2019-nCoV đang được tiến hành.

Để có được điều này, trong gần 10 năm ròng rã, bà Thạch cùng nhóm của mình đã trèo đèo lội suối, vào nhiều hang sâu ở 28 tỉnh của Trung Quốc. Họ mặc những bộ đồ bảo hộ, đi sâu vào trong hang để thu thập phân của nhiều loài dơi.

Mẫu vật được chuyển về Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia đặt tại Vũ Hán đã giúp bà Thạch xây dựng được một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất về các loại virus liên quan đến dơi.

Các nhà khoa học Trung Quốc có đáng bị ném đá không thương tiếc? - Ảnh 2.

Nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc về các chủng loại virus corona, bà Thạch Chính Lệ - Ảnh chụp màn hình

Sau đợt bùng phát và lan rộng của 2019-nCoV, cái tên Thạch Chính Lệ được tìm kiếm trên mạng Trung Quốc nhiều gấp 2.000 lần bình thường nhưng phần lớn đều tiêu cực. Họ vu cho bà là tác giả của 2019-nCoV và đã để nó thoát ra ngoài phòng thí nghiệm, lây sang người dân.

Khi sự chỉ trích lên đỉnh điểm, bà Thạch buộc phải lên tiếng hôm 2-2 và cam đoan bằng mạng sống của mình rằng không có thứ gì như 2019-nCoV được tạo ra trong phòng thí nghiệm của bà.

Tương tự, tiến sĩ Gao Fu - giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Trung Quốc - cũng nhận đủ gạch đá từ dư luận Trung Quốc vì đánh giá thấp tình hình ban đầu.

Trong một cuộc họp báo hôm 22-1, ông Gao nói không có dấu hiệu cho thấy virus lây từ người sang người và các nhà khoa học đã tìm thấy virus trên một số động vật hoang dã tại chợ Vũ Hán. Điều này khiến chính quyền Vũ Hán chủ quan, chỉ đóng cửa khu chợ và không áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn như cấm tụ tập đông người.

Các nhà khoa học Trung Quốc có đáng bị ném đá không thương tiếc? - Ảnh 3.

Tiến sĩ Gao bị truyền thông vây kín để hỏi về tình hình dịch 2019-nCoV - Ảnh chụp màn hình

Khi số ca nhiễm trở nên nhiều hơn và được xác nhận virus có thể lây từ người sang người, tiến sĩ Gao bị chỉ trích không thương tiếc trên mạng xã hội.

Họ gọi ông là "tiến sĩ giấy", chỉ biết xuất bản các bài viết nghiên cứu, còn ngoài ra chẳng làm được gì. Bị công kích, Gao lên tờ Tài Tân nói rằng ông đã chiến đấu với virus ở tuyến đầu kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thậm chí không có thời gian để ngủ.

Theo SCMP, Gao là một nhà virus học nổi tiếng thế giới, tốt nghiệp Đại học Oxford và đã từng góp công trong cuộc chiến chống virus Ebola ở châu Phi.

Viện dược liệu Thượng Hải thì trở thành nạn nhân của truyền thông sau khi loan tin loại thuốc có tên Song Hoàng Liên có thể quét sạch 2019-nCoV trong tế bào người sau một thử nghiệm trong ống nghiệm.

Các nhà khoa học tham gia thử nghiệm cho biết đây chỉ mới là kết quả sơ bộ và cần được chứng minh bằng các thí nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc đã vội tung hô phát hiện này, gọi đây là "sự đột phá" trong cuộc chiến chống nCoV.

Điều này khiến dân tình ùn ùn kéo tới xếp hàng tại các hiệu thuốc cổ truyền mua Song Hoàng Liên. Tuy nhiên, sau khi giới bác sĩ Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của loại thuốc này và đặt nghi vấn về việc nó đã thử nghiệm lâm sàng hay chưa, Viện dược liệu Thượng Hải trở thành mục tiêu công kích của dư luận.

"Tinh thần của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giống như bạn đang ở tiền tuyến và trúng đạn pháo từ quân ta bắn từ phía sau vậy", một nhà khoa học tham gia thí nghiệm Song Hoàng Liên tâm sự.

Ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, các phòng thí nghiệm đang giải mã gen của 2019-nCoV, phân tích cấu trúc phân tử và cố tìm nguyên nhân vì sao nó lại lây lan nhanh hơn virus gây dịch SARS năm 2003.

Rơi nước mắt với những hi sinh thầm lặng của y bác sĩ tại Vũ Hán Rơi nước mắt với những hi sinh thầm lặng của y bác sĩ tại Vũ Hán

TTO - Người thì phải rời xa vòng tay vợ và con nhỏ, người phải cắt phăng mái tóc yêu thích, nhiều người bị thương ở tay và mặt… không thể kể xiết những hi sinh thầm lặng của y bác sĩ tuyến đầu tại Vũ Hán.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên