Trường đại học Duy Tân vinh dự có 2 nhà khoa học người Việt Nam gồm PGS.TS Bùi Quốc Tính thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ và TS Hoàng Nhật Đức thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, bên cạnh TS Anand Nayyar người Ấn Độ cũng thuộc lĩnh vực khoa học máy tính.
Các nhà khoa học của Trường đại học Duy Tân nằm trong bảng xếp hạng này không chỉ xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, mà sự nỗ lực và tâm huyết của họ cũng đang góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, kết nối hợp tác khoa học quốc tế tại Đại học Duy Tân.
PGS.TS Bùi Quốc Tính: giám đốc Viện DTRice, lĩnh vực cơ khí tính toán
Theo Research.com, PGS.TS Bùi Quốc Tính được xếp vị trí thứ 3 Việt Nam và 410 thế giới ở lĩnh vực kỹ thuật cơ khí & hàng không vũ trụ. Anh từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác nhau trong nghiên cứu, đặc biệt là năm 2018, PGS.TS Bùi Quốc Tính được biết đến là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng "The 2018 JACM Young Investigator Award" của Hiệp hội Cơ học tính toán Nhật Bản, vinh danh nhà khoa học tuổi không quá 40 có nhiều đóng góp và thành tích nghiên cứu xuất sắc.
PGS.TS Bùi Quốc Tính tốt nghiệp tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna, Cộng hòa Áo năm 2009. Anh làm nghiên cứu sau tiến sĩ nhiều năm tại Pháp, Đức và Nhật. Hiện tại, PGS.TS Bùi Quốc Tính là giám đốc Viện Nghiên cứu tính toán kỹ thuật Duy Tân (DTRice), Đại học Duy Tân.
Anh từng là phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật bản; giáo sư thỉnh giảng của Đại học Công nghệ Đại Liên (Dalian University of Technology), Trung Quốc; phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Khoa học & Công nghệ Đài Loan (Taiwan National University of Science and Technology).
Các hướng nghiên cứu chính của PGS.TS Bùi Quốc Tính tập trung vào phát triển các mô hình cơ học phá hủy của vật liệu và kết cấu, phát triển các thuật toán cho bài toán kỹ thuật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cơ học vật rắn, tối ưu hóa kết cấu, và vật liệu composites.
PGS.TS Bùi Quốc Tính là tác giả và đồng tác giả của hơn 250 công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí ISI quốc tế, với hơn 10.000 lượt trích dẫn (theo GoogleScholar), và nhiều năm liên tiếp nằm trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới (theo tạp chí PLoS, Mỹ).
Anh cũng là thành viên ban biên tập của nhiều tạp chí khoa học lớn về chuyên ngành cơ học tính toán và kỹ thuật như: Applied Mathematical Modelling (Elsevier), Computers & Structures (Elsevier), Thin-Walled Structures (Elsevier), Engineering Analysis with Boundary Elements (Elsevier), Journal of Vibration and Engineering Technologies (Springer), SN Applied Sciences (Springer), Scientific Reports (Nature), Science and Engineering of Composite Materials (Deguyter), và Vietnam Journal of Mechanics.
TS Anand Nayyar: giám đốc IoT Lab tại Đại học Duy Tân
TS Anand Nayyar được xếp hạng 2 tại Việt Nam và thứ 9.867 thế giới cho lĩnh vực khoa học máy tính, theo Research.com. TS Anand Nayyar có 18 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu với 285 bài báo được công bố tại các hội nghị quốc tế và trên các tạp chí SCI/SCIE hay Scopus có hệ số ảnh hưởng cao.
TS Anand Nayyar có hơn 8.600 trích dẫn với H-Index: 49 và I-Index: 170 và được xếp hạng "Top 2% các nhà khoa học có bài báo được trích dẫn nhiều nhất" trong 3 năm liên tiếp.
Hiện tại, TS Anand Nayyar đang đảm trách vị trí phó chủ tịch kiêm giám đốc Phòng thí nghiệm Hệ thống Thông minh & IoT tại khoa khoa học máy tính, Trường Khoa học máy tính (SCS), Đại học Duy Tân.
Trong quá trình làm việc tại Đại học Duy Tân, TS Anand Nayyar đã giành được một số giải thưởng như: Top 50 Nhà khoa học hàng đầu châu Á, Giải thưởng Perficio, Giải thưởng Nghiên cứu sinh trẻ InRes…
TS Anand Nayyar cũng đã giành được Giải thưởng các Nhà nghiên cứu xuất sắc trong 4 năm qua của Đại học Duy Tân vì những đóng góp trong các ấn phẩm nghiên cứu liên tục qua từng năm.
TS Anand Nayyar cho biết: "Ngày nay, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, IoT, Deep Learning đang thống trị thế giới và làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên hoàn thiện và hiện đại hơn.
Robots, Chatbots, Drones, IoT và Công nghiệp 4.0 đang biến mọi thứ trở nên khá tự động. Để có được điều đó, đều nhờ vào quá trình phát triển của lĩnh vực khoa học máy tính. Tôi nhận thấy Việt Nam là một đất nước giàu tiềm năng và có nhiều nhân tố xuất sắc để phát triển hơn nữa ngành khoa học máy tính.
Bởi ngành học này đã, đang và sẽ tiếp tục tác động tới mọi lĩnh vực của cuộc sống trong tương lai. Đại học Duy Tân đã đóng góp rất nhiều các công trình nghiên cứu về lĩnh vực khoa học máy tính và trong công tác đào tạo cũng đã tạo ra nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu lành nghề cũng vậy.
Các chương trình giảng dạy của Trường Khoa học máy tính (SCS) luôn được cập nhật mới nhất để trang bị đầy đủ hành trang cho sinh viên trước khi bước vào 'cuộc chiến công nghệ' ngoài đời. Tôi luôn có thể hình dung được về một tương lai tỏa sáng của ngành khoa học máy tính tại Việt Nam".
TS Hoàng Nhật Đức: nhà nghiên cứu trẻ, lĩnh vực khoa học dữ liệu và cơ học xây dựng
Website Research.com ghi nhận TS Hoàng Nhật Đức của Đại học Duy Tân có vị trí xếp hạng thứ 3 Việt Nam và 9.960 thế giới trong lĩnh vực khoa học máy tính. Trước đó, trong bảng xếp hạng do Nhà xuất bản Elsevier công bố, TS Hoàng Nhật Đức nằm trong Top 35 người Việt thuộc danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" năm 2022, được đánh giá trên nhiều chỉ số, trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu cao hàng đầu. Anh cũng luôn nằm trong Top 100.000 nhà khoa học xuất sắc thế giới từ năm 2021 đến nay.
TS Hoàng Nhật Đức là một nhà khoa học trẻ đang làm việc tại Viện Nghiên cứu & Phát triển công nghệ cao (IRD), Đại học Duy Tân. Anh đã có 112 công trình được xuất bản trên các tạp chí như: Measurement, Automation in Construction…
Các hướng nghiên cứu của anh tập trung vào:
- Ứng dụng Khoa học dữ liệu trong ngành xây dựng,
- Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và Học máy,
- Ứng dụng các kỹ thuật xử lý ảnh, thị giác máy tính, các thuật toán tối ưu hóa trong ngành xây dựng…
Ngành khoa học dữ liệu trên thực tế đang được ứng dụng mạnh mẽ vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, giúp tăng hiệu quả và năng suất lao động. Các nghiên cứu của TS Hoàng Nhật Đức cũng hỗ trợ tối đa cho công tác:
- Đánh giá nguy cơ lũ quét tại Lào Cai,
- Đánh giá nguy cơ sạt lở đất tại Lạng Sơn,
- Dự báo hiện tượng xói mòn đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, …
"Khoa học máy tính là một nhân tố quan trọng để bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành khoa học máy tính giúp chúng ta có thể xây dựng các sản phẩm phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính, xử lý ảnh, máy học… giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bởi vậy, ngay khi về Đại học Duy Tân làm việc, tôi luôn nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy để truyền đạt nhiều kiến thức hơn nữa đến các em sinh viên. Môi trường làm việc năng động, cởi mở với sự hỗ trợ hết sức từ nhà trường đã giúp công việc của tôi luôn thuận lợi và đạt đúng tiến độ đã đặt ra.
Điều này là rất cần thiết cho các nhà khoa học trẻ không chỉ trong lĩnh vực khoa học máy tính mà ở các lĩnh vực nghiên cứu khác có liên quan", TS Hoàng Nhật Đức chia sẻ.
Các nhà khoa học khác của Việt Nam có thành tích nghiên cứu xuất sắc theo Research.com:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận