30/01/2024 13:34 GMT+7

Các nhà đầu tư bị Sen Tài Thu lừa góp vốn có cơ hội đòi lại tiền không?

Luật sư cho rằng các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ tài sản mà Công ty Sen Tài Thu đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư 'đang ở đâu' để tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế để thu hồi tài sản cho nạn nhân.

Bị can Phạm Thị Hòa tại cơ quan công an - Ảnh chụp màn hình

Bị can Phạm Thị Hòa tại cơ quan công an - Ảnh chụp màn hình

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Sen Tài Thu, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Hòa (cựu chủ tịch hội đồng quản trị), Nguyễn Thị Thùy Linh (cựu phó tổng giám đốc, con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương (cựu tổng giám đốc).

Luật sư: "Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi rửa tiền trong vụ Sen Tài Thu không"

Ngày 30-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết việc cơ quan điều tra khởi tố các bị can trong vụ án này là "thông tin đã được dự đoán từ trước". Bởi doanh nghiệp này đã mất khả năng thanh toán từ lâu, trước đó có rất nhiều đơn thư tố cáo doanh nghiệp này.

Theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên việc huy động vốn phải công khai, minh bạch, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vốn. Đặc biệt không được phép đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn.

Trường hợp đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn nhưng lại sử dụng vốn vào mục đích bất hợp pháp, sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại khoản tiền góp vốn… thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo luật sư, có thể tới đây cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối với một số người có liên quan trong vụ án trên do có hành vi giúp sức thực hiện hành vi lừa đảo.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, tính chất của hành vi "có tổ chức" đối với các bị can.

"Tất cả các cán bộ quản lý của doanh nghiệp này mà biết rõ những thông tin không có thật nhưng vẫn thống nhất, cùng nhau đưa ra để các nhà đầu tư tin tưởng nộp tiền vào thì đều có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Đối với những cán bộ nhân viên dưới quyền, không biết là thông tin gian dối đã vô tình giúp sức, không được hưởng lợi thì không bị xử lý hình sự", ông Cường phân tích.

Luật sư cho hay trong vụ việc này, số tiền các bị can chiếm đoạt đặc biệt lớn. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này đang tồn tại ở dạng vật chất nào, được chuyển hóa thành các tài sản nào để xác định có hành vi rửa tiền hay không, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không.

Đồng thời, công an cũng sẽ tiến hành niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản của doanh nghiệp này, những tài sản có liên quan đến tội phạm để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.

Công an làm việc với một bị can trong vụ án - Ảnh chụp màn hình

Công an làm việc với một bị can trong vụ án - Ảnh chụp màn hình


Các nhà đầu tư bị Sen Tài Thu lừa có cơ hội đòi lại tiền không?

Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng khi giải quyết vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu tài sản, các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư (bị hại) "đang ở đâu" để tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế để thu hồi tài sản cho nạn nhân.

Cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, kê biên đối với các bất động sản, ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.

"Những nhà đầu tư đã góp tiền vào doanh nghiệp này theo hình thức góp vốn, cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy mình đã bị lừa đảo thì có thể liên hệ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội để được đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại.

Đồng thời được quyền đưa ra các tài liệu đồ vật chứng cứ yêu cầu để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết", luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư cho hay trường hợp kết thúc hoạt động tố tụng mà những người bị hại vẫn chưa nhận được tiền thì trong phiên xét xử vụ án hình sự sau này, bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt.

Sau này bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì người bị hại có quyền căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.

"Cần tăng cường quản lý hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp"

Theo luật sư, đây không phải là vụ án đầu tiên về hành vi huy động vốn để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Trước đây đã có nhiều vụ án liên quan đến bất động sản, lừa trồng sâm Ngọc Linh, các hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp...

"Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp thời gian qua chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng uy tín, vị thế trên thị trường, dùng chiêu thức đánh bóng tên tuổi, quảng cáo gian dối để huy động vốn trái phép", ông Cường nói.

Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án lừa đảo hàng ngàn người với hàng ngàn tỉ đồng như thế thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần có giải pháp về tăng cường công tác quản lý hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Công khai minh bạch về các thông tin, đặc biệt là thông tin về doanh nghiệp.

Cần phải xây dựng đạo đức doanh nhân và tăng cường các cơ chế giám sát để phân loại chọn lọc những doanh nhân chân chính, kịp thời loại bỏ những đối tượng làm ăn chụp giật, lừa đảo.

Đối với hoạt động tài chính như đầu tư tài chính, huy động vốn, góp vốn thì cần tăng cường các cơ chế giám sát. Các nhà đầu tư cần thận trọng khi bỏ vốn đầu tư vào các dự án, các doanh nghiệp để tránh tiền mất tật mang.

"Đặc biệt là cần phải siết chặt quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoặc kinh doanh theo mô hình đa cấp trong hoạt động huy động vốn", luật sư nêu quan điểm.

Phòng cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội thông báo ai là bị hại của vụ án, gửi đơn đến Phòng cảnh sát kinh tế (số 54 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để trình báo và cung cấp tài liệu hoặc liên hệ với cán bộ Đinh Anh Văn - Đội 7, Phòng cảnh sát kinh tế - qua số điện thoại: 0367.268.888.

Hoặc cán bộ Đặng Thị Hồng Hạnh - điều tra viên Đội 7, Phòng cảnh sát kinh tế - qua số điện thoại: 0912.281.612.

Sen Tài Thu nâng khống vốn điều lệ 31 tỉ lên 160 tỉ đồng, lừa hơn 400 nhà đầu tưSen Tài Thu nâng khống vốn điều lệ 31 tỉ lên 160 tỉ đồng, lừa hơn 400 nhà đầu tư

Công an xác định từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Công ty Sen Tài Thu bằng 1.000 hợp đồng, chuyển hơn 1.000 tỉ đồng cho Sen Tài Thu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên