Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nguy cơ sản xuất công nghiệp giảm sút
Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, nguy cơ lạm phát cao, tăng trưởng thấp ở nhiều nền kinh tế, cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị ngày càng khó lường, thì ở trong nước thị trường xuất khẩu suy giảm, thị trường và doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp gia tăng tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tăng trưởng kinh tế quý 1 đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, tạo sức ép cho tăng trưởng cả năm là 6,5%.
Tính chung 2 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm, riêng công nghiệp chế biến chế tạo giảm 6,9%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đây là điều chưa từng có trong cùng kỳ 2 tháng các năm từ 2001 đến nay.
Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực thực phẩm… đều giảm hoặc tăng rất thấp, cá biệt có ngành thiết bị điện giảm trên 50%.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1-2023 đạt 47,4 điểm, là tháng thứ 3 liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm - là ngưỡng sản xuất ổn định. Dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động mua hàng đều giảm.
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 15-2 chỉ tăng 0,29% so với cuối năm trước, giảm 11,2%, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đều giảm, mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 5,6% nhưng không bù đắp được sự suy giảm của các thị trường lớn như Mỹ giảm 20,4%, Hàn Quốc giảm 5,7%, ASEAN giảm 7,9%, EU giảm 2,6%…
Cần giải pháp kịp thời, thêm chính sách hỗ trợ
Thị trường doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trước áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn. Hiện đã xuất hiện doanh nghiệp đàm phán chuyển đổi, gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực nên cần giải pháp xử lý kịp thời, không để gây tắc nghẽn dòng vốn, ảnh hưởng tới ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Theo đó, cần đánh giá tổng thể kỹ lưỡng thị trường bất động sản với tăng trưởng kinh tế, thị trường tài chính các ngành, lĩnh vực có liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời.
Ngoài ra, bộ này đánh giá áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tăng cao, khi lạm phát 2 tháng tăng 5,08% là mức tăng cao nhất cùng kỳ 2 tháng từ năm 2016 đến nay.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, áp lực cạnh tranh tăng do thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, nên nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần xác định trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát đồng thời là cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.
Trong đó chính sách tài khóa có vai trò quan trọng và quyết định. Vì vậy, cần ngay các giải pháp về thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, gia tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận