Khách hàng đến giao dịch tại chi nhánh của Ngân hàng Hana ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: theinvestor.co.kr
Trong bối cảnh lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc tiếp tục tăng, các ngân hàng nước này đã bắt đầu đưa ra những dịch vụ tiên tiến, được thiết kế để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Ngoài việc vận hành các chi nhánh chuyên biệt dành cho người nước ngoài, các ngân hàng Hàn Quốc đang mở rộng loại hình dịch vụ như tăng số lượng ngôn ngữ, cung cấp các tùy chọn chuyển tiền theo quốc tịch cụ thể và giúp người nước ngoài có thể mở tài khoản ngân hàng dễ dàng hơn mà không cần phải đến giao dịch trực tiếp.
Việc mở rộng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ nhiều quốc gia được coi là nền tảng giúp các ngân hàng phát triển thành định chế tài chính toàn cầu. Theo đó, ngay cả khi khách hàng đã về nước cũng vẫn có thể duy trì giao dịch với ngân hàng (thông qua chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Tính đến năm 2022, số người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc đã lên tới 843.000 người, tăng so với 791.000 người ở thời điểm trước đó 10 năm. Nếu tính cả những người nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc, tổng số lên tới 2,2 triệu người, gần bằng dân số của thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc.
Các dịch vụ mở tài khoản trực tuyến của các ngân hàng như Hana Bank và Toss Bank đang được khách hàng đánh giá cao. Trước đây, mỗi khi đến ngân hàng để mở tài khoản, khách hàng và nhân viên ngân hàng đều gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng của các dịch vụ ngôn ngữ đã được cải thiện rất nhiều và sẵn có trên các ứng dụng điện thoại thông minh.
Ngay cả đối với những người không có ý định định cư lâu dài tại Hàn Quốc, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cũng rất quan trọng. Dịch vụ được người lao động nước ngoài cư trú ngắn hạn tại Hàn Quốc sử dụng thường xuyên nhất là chuyển tiền về nước.
Kể từ năm 2017, tỷ lệ giao dịch kiều hối cá nhân do người lao động nước ngoài thực hiện đã tăng khoảng 40%. Để giải quyết nhu cầu này, các ngân hàng Hàn Quốc đã giới thiệu các dịch vụ chuyển khoản đặc biệt, chủ yếu nhắm tới các quốc gia ở Đông Nam Á, khu vực chiếm tỷ lệ đáng kể lực lượng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc.
Hồi tháng 3 vừa qua, ngân hàng Woori cũng đã hợp tác với ngân hàng Wing của Campuchia giới thiệu dịch vụ chuyển khoản đơn giản hóa. Dịch vụ này cho phép khách hàng Campuchia gửi tiền về nước dễ dàng bằng cách sử dụng thông tin cơ bản như số tài khoản ngân hàng và số điện thoại của họ.
Tất cả các chi nhánh của ngân hàng Woori đều đã có sẵn dịch vụ này. Trong khi đó, ngân hàng Shinhan không chỉ hợp tác với Wing Bank ở Campuchia mà còn hợp tác với Kasikornbank ở Thái Lan để cung cấp dịch vụ chuyển tiền tiện lợi tương tự cho khách hàng là công dân của 2 nước này.
Ngân hàng Hana thì cho ra mắt Hana EZ, một ứng dụng di động độc quyền chỉ dành riêng để hỗ trợ chuyển khoản, còn ngân hàng NH NongHyup tận dụng thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp để đưa ra tỷ giá hối đoái thuận lợi cho người lao động nông nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, Hana Bank phối hợp với các trung tâm hỗ trợ người lao động nước ngoài ở 9 khu vực tuyên truyền để thúc đẩy các hoạt động tài chính lành mạnh cho các đối tượng là người lao động nước ngoài.
Những thông tin được cung cấp bao gồm cách tích lũy tài sản thông qua tiết kiệm và phòng chống gian lận tài chính. Ngoài ra, ngân hàng cũng hỗ trợ khách hàng thiết lập các tài khoản chuyên dụng cho phép đăng ký và thanh toán bảo hiểm.
Hầu hết người lao động nước ngoài đánh giá cao nỗ lực mở rộng dịch vụ của các ngân hàng ở Hàn Quốc, dù rằng vẫn tồn tại một số rào cản hành chính nhất định như thủ tục xin vay vốn còn phức tạp và chưa thân thiện với người sử dụng./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận