16/02/2024 15:29 GMT+7

Các ngân hàng châu Âu đau đầu với 1.400 tỉ euro dư nợ cho vay bất động sản

Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% nền kinh tế Đức, và môi trường lãi suất thấp đã "rót" hàng tỉ euro vào lĩnh vực này.

Trụ sở ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank ở Frankfurt am Main - Ảnh: AFP

Trụ sở ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank ở Frankfurt am Main - Ảnh: AFP

Các ngân hàng châu Âu đang cho lĩnh vực bất động sản vay khoảng 1.400 tỉ euro (1.500 tỉ USD), trong khi lĩnh vực này đang lao đao khi giá văn phòng giảm mạnh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, và giới đầu tư đang lo ngại về khả năng xử lý rủi ro này của các ngân hàng.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giá bất động sản thương mại giảm 10,2% trong năm 2023, theo số liệu được Hiệp hội ngân hàng VDP công bố tuần này. Mức giảm tương tự cũng được ghi nhận trên khắp khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% nền kinh tế Đức, và môi trường lãi suất thấp đã "rót" hàng tỉ euro vào lĩnh vực này. Nhưng lãi suất tăng và chi phí xây dựng cao hơn đã đẩy nhiều công ty phát triển bất động sản vào cảnh vỡ nợ, khi nguồn vốn từ ngân hàng cạn kiệt, hoạt động mua bán đóng băng và giá bất động sản giảm.

Tại Mỹ, lãi suất tăng, những khó khăn trong việc đảo nợ và tỉ lệ văn phòng để trống cao đã tác động mạnh đến lĩnh vực bất động sản thương mại, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy yếu trên toàn cầu. Các chuyên gia trong ngành nhận định giá bất động sản sẽ còn giảm nữa.

Với 285 tỉ euro vốn vay cho lĩnh vực bất động sản thương mại, các ngân hàng Đức chiếm khoảng 20% trong số 1.400 tỉ euro mà các ngân hàng châu Âu đang cho lĩnh vực này vay, theo số liệu của Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu (EBA).

Trong số các ngân hàng Đức, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất nước này, có lượng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản cao nhất.

Trước đó trong tháng này, Deutsche Bank cho biết đang cho lĩnh vực bất động sản thương mại của Mỹ vay 17 tỉ euro, tức khoảng 20% lượng dư nợ cho vay 76 tỉ euro mà các ngân hàng châu Âu cấp tại Mỹ, theo EBA.

Nhiều chuyên gia nhận định dù một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, nếu có, có thể giúp xoa dịu tình hình, và không phải tất cả các thị trường bất động sản ở châu Âu đều xấu như ở Đức. Nhưng tình hình sẽ vẫn khó khăn trong năm 2024.

Hồi tháng 11 năm ngoái, ECB cảnh báo sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản có thể kéo dài nhiều năm, dù cho lĩnh vực này không đủ lớn để tạo ra một rủi ro mang tính hệ thống cho các ngân hàng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng các ngân hàng nhỏ và các ngân hàng khu vực, nhất là ở Mỹ, cũng như các công ty tài chính trung gian phi ngân hàng có sự tiếp xúc nhiều với lĩnh vực bất động sản, có thể đối mặt với nhiều thách thức.

Tháng trước, người đứng đầu cơ quan quản lý tài chính của Đức dự đoán lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm trong năm 2024 và lĩnh vực bất động sản là một nguy cơ ngày càng lớn.

Ngân hàng Mỹ lỗ thêm 160 tỉ USD khi bất động sản thương mại sụp đổNgân hàng Mỹ lỗ thêm 160 tỉ USD khi bất động sản thương mại sụp đổ

Bất động sản thương mại Mỹ có thể sụp đổ lớn kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính 2008. Đó là tin xấu đối với các ngân hàng khiến họ có thể thua lỗ thêm 160 tỉ USD.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên