26/05/2013 10:23 GMT+7

Các liên đoàn trì trệ vì nạn "hai trong một"

H.THỌ
H.THỌ

TT - Chuyện lùm xùm xung quanh việc chuẩn bị đại hội Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) tạm khép lại. Giờ đây, những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm có thêm bốn tháng để chuẩn bị lại và liệu có thể hi vọng một sự đổi mới thật sự?

vLth2JDi.jpgPhóng to
“Chơi để tận hưởng!!!”, Vietfootball đã làm nên giải đấu “ngoại hạng phủi” tưng bừng ở Hà Nội - Ảnh: Q.Minh

Thời gian vừa qua đã có một vài ý kiến được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ủng hộ, khi phân tích rằng trong thời điểm và hoàn cảnh hiện nay, ghế chủ tịch VFF chưa nên giao cho doanh nhân. Lý do bởi kinh tế đang hết sức khó khăn, hầu hết doanh nhân đều vất vả cho nghiệp kinh doanh của mình nên nếu chẳng may doanh nhân ngồi ghế chủ tịch VFF bị phá sản thì số phận VFF lại lao đao. Vì vậy, ghế chủ tịch VFF nên để một người của Nhà nước đảm nhận là tốt nhất. Chúng tôi cũng đồng tình với phân tích đó, chỉ có khác: ủng hộ người nhà nước nhưng không phải là người của bộ chủ quản mà ở đây là Bộ VH-TT&DL. Tại sao như vậy?

Nhiều kinh nghiệm thương đau

Thực tế đã cho thể thao VN nói chung, chứ không chỉ riêng bóng đá, quá nhiều bài học đau thương từ người của bộ chủ quản khi kiêm nhiệm (hoặc biệt phái, hay “ôm” ghế sau khi về hưu) sang giữ vị trí chủ chốt của các liên đoàn như chủ tịch, tổng thư ký. Chỉ cần mọi người nhìn vào hàng loạt liên đoàn từ trung ương đến địa phương đang ì ạch như thế nào cũng đủ thấy.

Và cũng xin nhắc lại chuyện cũ: hai doanh nhân nổi tiếng từng ngồi ghế chủ tịch liên đoàn cấp thành phố là ông Phạm Phú Ngọc Trai (bóng chuyền) cùng Hà Thanh Hùng (quần vợt) đã phải từ chức vì chịu không nổi sự trì trệ, bảo thủ của những người do ngành chủ quản đưa vào liên đoàn.

Ông Trai từng kêu gọi những người của ngành chủ quản tham gia liên đoàn đừng đóng hai vai. Nếu thật sự tự tin vào năng lực, thật sự yêu bộ môn mà mình theo đuổi thì hãy xin nghỉ việc nhà nước để dốc hết sức cho tổ chức xã hội và ông Trai cam đoan không để họ thiệt về mặt tài chính. Nhưng chẳng ai dám làm theo lời kêu gọi chính đáng của ông Trai. Hầu hết đều mắc bệnh bảo thủ, trì trệ và có tâm lý an toàn với “hai trong một”: cứ làm tà tà, có chuyện gì thì lui về bộ máy nhà nước!

Trong khi đó, thực tế cũng cho thấy mỗi khi các liên đoàn có vài người chủ chốt cũng là người của Nhà nước nhưng ngoài ngành chủ quản thì luôn có những biến chuyển tích cực. Lấy ví dụ ngay tại VFF, khi ông Đoàn Văn Xê - tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt, ông Mai Liêm Trực - thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông - làm chủ tịch, hay ông Nguyễn Tấn Minh - người của Ban tài chính quản trị Thành ủy TP.HCM - làm phó chủ tịch VFF, những giai đoạn ấy đều có nhiều tín hiệu vui.

Điệp khúc “không có người”!

Tuy nhiên, sự đổi mới cần được thực hiện một cách toàn diện chứ không chỉ mỗi ghế chủ tịch hay tổng thư ký. Hiện nay, nhiều người hết sức bức xúc với việc đại hội nhiệm kỳ 7 của VFF chưa diễn ra nhưng ai cũng biết gần như chắc chắn ông cựu tổng thư ký sẽ quay lại ghế cũ. Hỏi thì nhiều người bảo rằng tìm không ra người - một điệp khúc quen thuộc!

Thật khó tin rằng đất nước 90 triệu dân này, vốn xem bóng đá là môn thể thao vua mà không tìm ra được một tổng thư ký làm tốt hơn, chẳng qua người ta cứ loay hoay tìm trong bốn bức tường của 36 Trần Phú, Hà Nội (trụ sở Tổng cục TDTT) nên bảo không có người là phải.

Người ta thường thách thức dư luận: hãy giới thiệu người xứng đáng đi. Và đây, chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí, chúng tôi xin nêu hai cái tên và cam đoan rằng họ là những người được dư luận biết đến, thừa nhận về sự am hiểu bóng đá một cách sâu sắc, đó là nhà báo Vũ Công Lập và Lý Chánh. Nhưng, chưa bao giờ những người chuẩn bị nhân sự cho VFF ngỏ lời mời đến họ!? Tương tự, những người rất trẻ đã đứng ra thành lập Công ty Vietfootball và mở màn bằng một sự kiện đang được chú ý là giải bóng đá “ngoại hạng phủi” ở Hà Nội cũng ăn đứt vô vàn người trong ngành đã và đang ngồi trong VFF.

Nói ngắn gọn, chỉ cần có một quy định người của bộ ngành chủ quản không được tham gia các liên đoàn (nếu muốn, xin hãy nghỉ ở bộ máy nhà nước), đoan chắc rằng các liên đoàn chứ không riêng gì bóng đá sẽ khởi sắc. Đơn giản bởi đã gọi là chuyên nghiệp, hay hướng đến chuyên nghiệp thì xin hãy đóng một vai cho tròn, không thể có chuyện làm tốt khi vừa đá bóng vừa thổi còi.

Chuyện ở Liên đoàn Quần vợt

Gần đây, nhiều cán bộ, quan chức trong ngành chủ quản TDTT nói với chúng tôi: ông phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt VN hiện nay (một người nhà nước nhưng không thuộc bộ chủ quản) đang khuynh đảo tổ chức này, xem mọi người không ra gì... Chúng tôi hỏi lại: Nhưng xét về hiệu quả mang lại cho quần vợt hiện nay so với thời mà người của ngành VH-TT&DL làm trước kia thì như thế nào? Ai cũng thú nhận: hiện nay tốt hơn!

H.THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên