10/05/2024 18:17 GMT+7

Các kỷ vật từ nước Mỹ: Ngày về Việt Nam đẫm nước mắt

Người phụ nữ tóc bạc phơ, lưng còng sau 55 năm xa người em yêu quý vì quá xúc động chỉ thốt được hai tiếng 'em ơi, em ơi' khi được nhận kỷ vật. Bên dưới, chỉ còn tiếng sụt sùi và lặng lẽ lau nước mắt.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper (giữa) lắng nghe chia sẻ của gia đình liệt sĩ Vũ Duy Hùng tại lễ trao trả kỷ vật - Ảnh: DUY LINH

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper (giữa) lắng nghe chia sẻ của gia đình liệt sĩ Vũ Duy Hùng tại lễ trao trả kỷ vật - Ảnh: DUY LINH

Hàng chục món đồ, gồm nhật ký cá nhân, thư, giấy tờ tùy thân, sổ tay, giấy chứng nhận/bằng cấp và cả giấy báo tử của hơn 10 cựu chiến binh và liệt sĩ Việt Nam đã được trao lại cho họ hoặc gia đình tại buổi lễ do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày 10-5 ở Hà Nội.

Có người đã đi quãng đường dài để được tận mắt thấy, tay sờ những thứ thuộc về những người ông, người cha hay người anh/em của mình.

Trông ngóng em trai trở về suốt 55 năm

Khoảnh khắc bà Nguyễn Thị Nhung (xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhận lại kỷ vật là cuốn nhật ký cùng các quyết định khen thưởng, chứng nhận và bằng cấp của em trai Nguyễn Phong Ba đã gây xúc động mạnh với những người chứng kiến.

Khoảnh khắc bà lão lưng còng chạm vào kỷ vật của người em liệt sĩ

Tuổi cao, sức yếu và đi hàng trăm cây số đến Hà Nội nên bà phải nhờ người dìu lên. Nhưng khi tay chạm được vào kỷ vật của người em mà mình hết mực yêu quý, sức mạnh đã từ đâu bộc phát từ người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn ấy.

Cả căn phòng hơn 100 người chỉ còn những tiếng sụt sùi nức nở của người bên dưới và tiếng gọi "Em ơi, em ơi... Em ơi về với chị em ơi" của bà Nhung.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper khẽ gật đầu, mắt đượm buồn như cảm thông khi chứng kiến sự việc đó ngay trước mặt mình.

Lần giở ký ức, bà Nhung vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết về em trai: tình nguyện nhập ngũ tháng 4-1962, hy sinh năm 1969, lập được nhiều chiến công và được khen thưởng.

Nhưng điều bà và gia đình vẫn chưa thể ghi vào ký ức suốt 55 năm qua là ông Nguyễn Phong Ba đã hy sinh ở đâu, hài cốt đang nằm tại nghĩa trang hay mảnh đất nào.

Chiến trường B2 rộng lớn, bà chỉ biết rằng em trai đã vào miền Nam chiến đấu. 

Sau khi nhập ngũ, ông Nguyễn Phong Ba vẫn thường gửi thư về cho gia đình. Rồi một ngày, những lá thư từ chiến trường không còn đến tay bố mẹ và anh chị em nữa.

Hai ba tuần qua, bà Nhung không ngủ được vì hồi hộp, trông ngóng ngày lên Hà Nội.

"Nhận được kỷ vật của em trai, gia đình vui mừng khôn xiết nhưng xen lẫn trong đó là một nỗi buồn lớn khi chưa được nhìn thấy mặt em, hài cốt của em", bà Nhung nói với phóng viên bằng giọng đứt quãng, đưa tay quệt vội những giọt nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo.

"Hôm nay tôi đã được toại nguyện khi nhìn thấy những gì em trai để lại, ngày mai tôi có nhắm mắt xuôi tay thì cũng yên lòng. Nhưng mong mỏi lớn nhất của tôi và gia đình vẫn là tìm thấy được hài cốt của em mình", bà Nhung trải lòng.

Lá thư tổng thống Mỹ gửi cựu chiến binh Việt Nam

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện nhận lá thư từ Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: DUY LINH

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện nhận lá thư từ Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: DUY LINH

Cũng tại buổi lễ, một lá thư đóng khung có chữ ký của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper thay mặt trao tận tay cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện.

Ông Thiện là một trong những nhân vật chính trong buổi lễ Mỹ trao lại kỷ vật chiến tranh hồi tháng 9 năm ngoái tại Hà Nội, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Biden.

Ông Biden, người chỉ hơn ông Thiện vài tuổi, đã nhìn người cựu chiến binh Việt Nam không rời mắt khi ông Thiện nhận lấy quyển nhật ký sau gần 60 năm thất lạc tưởng chừng không bao giờ tìm lại được.

Lá thư của Tổng thống Biden đề ngày 22-11-2023, nghĩa là nó được thảo ra chỉ hơn 2 tháng sau chuyến thăm Việt Nam và cuộc gặp với ông Thiện. Trong 2 tháng đó, đã có nhiều việc xảy ra - như lá thư của ông Biden hé lộ.

"Kính gửi ông Nguyễn Văn Thiện,

Tôi rất vui khi đã được gặp ông trong chuyến thăm Việt Nam. Cuộc trao đổi kỷ vật rất cảm động và tôi vui vì ông đã có thể hạnh ngộ với cuốn nhật ký của mình. Tôi cũng rất xúc động trước lá thư cảm ơn của ông, trong đó nói cho tôi biết rằng cuốn nhật ký này có ý nghĩa như thế nào đối với ông và gia đình ông.

Thật vinh dự khi được đến thăm Việt Nam, tôi có thể cảm nhận được hơi ấm từ những tiềm năng vô hạn đang chờ đợi đất nước và dân tộc chúng ta.

Chúng ta đã đi được một quãng đường rất xa và tôi biết rằng chúng ta sẽ cùng nhau đi xa hơn nữa.

Trân trọng,

Ký tên

Joe Biden"

Cúi chào người cựu chiến binh quê Thái Bình, Đại sứ Mỹ Marc Knapper đã trao bức thư cho ông Thiện bằng hai tay sau khi xin phép ông và gia đình được đọc nội dung.


Xúc động khi được nhận kỷ vật, nhiều người thân của gia đình các cựu chiến binh đã qua đời và liệt sĩ Việt Nam đã mở ra đọc ngay tại buổi lễ. Khoảnh khắc đó dường như chỉ có họ và người thân đã khuất - Ảnh: DUY LINH

Xúc động khi được nhận kỷ vật, nhiều người thân của gia đình các cựu chiến binh đã qua đời và liệt sĩ Việt Nam đã mở ra đọc ngay tại buổi lễ. Khoảnh khắc đó dường như chỉ có họ và người thân đã khuất - Ảnh: DUY LINH

Kỷ vật giáo dục thế hệ mai sau giá trị của hòa bình

Chia sẻ cảm xúc khi cầm trên tay lá thư của Tổng thống Biden, ông Thiện bộc bạch bản thân cảm thấy vinh dự và cảm ơn các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng như Mỹ đã giúp ông có lại được quyển nhật ký thất lạc.

Biết rằng cuộc chiến còn dài và gian khổ nên sau khi được nhập ngũ bằng những tâm thư viết bằng máu, ông Thiện đã nhờ cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng ác liệt của chiến tranh.

Quyển nhật ký không tên tuổi, quê quán hay đơn vị đó bị mất trong cuộc càn quét Junction City của Mỹ năm 1967. Nhưng như có phép màu và sự nỗ lực của cả hai phía, cuốn nhật ký đã được tìm thấy và được xác định chủ nhân chính là ông Thiện.

Những dòng trong quyển nhật ký được ông Thiện kỳ vọng sẽ giúp giáo dục con cháu và thế hệ mai sau thấu hiểu giá trị của hòa bình hiện có, về những hy sinh và mất mát của ông cha để giữ vững độc lập, thống nhất đất nước.

Ông Thiện là một trong số hai cựu chiến binh tham dự buổi lễ và còn kịp đoàn tụ với những kỷ vật cá nhân thất lạc khi vẫn còn sống.

Người cựu chiến binh khác là ông Phan Xuân Diệu và cũng giống như ông Thiện, đã được nhận lại cuốn nhật ký bị mất thời bom đạn.

"Qua buổi lễ này, tôi mong rằng hai nước và hai dân tộc chúng ta có thể thực sự khép lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn", ông Diệu bày tỏ.

Gia đình các cựu chiến binh và liệt sĩ Việt Nam tại lễ trao kỷ vật - Ảnh: DUY LINH

Gia đình các cựu chiến binh và liệt sĩ Việt Nam tại lễ trao kỷ vật - Ảnh: DUY LINH

Sự kiện ngày 10-5 là kết quả tâm huyết của đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI) do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.

Cảm ơn sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ, nhiều gia đình có mặt tại buổi lễ bày tỏ mong muốn lớn nhất là được tìm thấy hài cốt của người thân đã khuất, hay chí ít là chi tiết về ngày mất.

"Đối với người Việt Nam chúng tôi, ngày giỗ ông bà, giỗ bố mẹ có ý nghĩa thiêng liêng với con cháu. Thế mà kể từ ngày bố mất, chúng tôi đã cúng giỗ sai ngày.

Nhờ những tư liệu quý giá, được xác minh và cung cấp bởi Đại học Harvard, kể từ đây, các thế hệ con cháu trong gia đình sẽ được cúng giỗ bố tôi đúng ngày người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc", ông Vũ Quốc Khánh - con trai liệt sĩ Vũ Duy Hùng - bày tỏ tại sự kiện.

50 năm Việt Nam tìm người Mỹ mất tích: Giọt nước mắt đau đớn và lời cảm ơn50 năm Việt Nam tìm người Mỹ mất tích: Giọt nước mắt đau đớn và lời cảm ơn

Cả khán phòng chìm trong im lặng, chỉ còn tiếng sụt sùi của ông Trần Khánh Phôi. Cuộc chiến khiến gia đình ông chịu quá nhiều đau đớn, nhưng 30 năm qua ông vẫn đi tìm những người Mỹ mất tích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên