Nhưng bên cạnh những thành công, ở Asiad cũng không thiếu xìcăngđan từ nạn doping, quấy rối tình dục, trọng tài thiếu công tâm cho đến cả nạn trộm cắp. Và những chiếc ghế trống ở các khán đài tại Incheon cho thấy sức hút của Asiad đang ngày càng suy giảm. Theo Hãng tin AFP, hai vụ quấy rối tình dục ngay trước thềm Asiad đã khiến một quan chức bóng đá Iran bị đuổi về nước.
Đội tuyển bóng rổ nữ Qatar cũng trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi bị buộc phải rời sân do không chịu bỏ khăn che đầu. “Đây là sự sỉ nhục đối với chúng tôi. Họ không tôn trọng tôn giáo của chúng tôi” - cầu thủ Qatar Refaa Morjan Mohammed tức giận.
Tình trạng trọng tài thiếu công tâm cũng là một điểm nóng khi VĐV quyền anh Ấn Độ Sarita Devi đã bật khóc và không chịu nhận HCĐ để phản đối trọng tài. Các VĐV Philippines và Mông Cổ cũng chỉ trích việc bị trọng tài trù dập và khẳng định sẽ khiếu nại lên Liên đoàn Quyền anh quốc tế (IBA).
Đoàn thể thao Trung Quốc rúng động khi nhà vô địch môn ném búa Zhang Wenxiu bị tước HCV vì dùng doping. Có tổng cộng sáu trường hợp dính doping tại Asiad và Malaysia đã vận động dữ dội để chống lại vụ võ sĩ wushu đoạt HCV Tai Cheau Xuen bị trừng phạt, nhưng rốt cuộc phải chấp nhận thất bại.
VĐV Qatar Femi Ogunode, một người gốc Nigeria, lập kỷ lục châu Á 9,93 giây trên đường chạy 100m và giành luôn HCV cự ly 200m, gây xôn xao dư luận về hiện tượng nhiều VĐV gốc Phi đại diện các nước vùng Vịnh thi đấu và đạt kết quả cao. “Đó là điều không công bằng bởi các VĐV gốc Phi có thể hình tốt hơn chúng tôi” - VĐV Su Bingtian của Trung Quốc, người giành HCB chạy 100m nam, nói một cách bức xúc.
Một vụ việc cũng gây ầm ĩ là chuyện VĐV bơi lội Naoya Tomita của Nhật ăn cắp chiếc máy ảnh trị giá 7.500 USD của một phóng viên ảnh Hàn Quốc. Naoya Tomita đã bị đoàn Nhật trục xuất về nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận