Phóng to |
(Từ trái qua): Thẩm phán Trương Thế Trọng; Luật sư Huỳnh Minh Vũ; Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - Ảnh: Tự Trung |
"Sốc" văn hóa, Thế hệ phố phường, Quí ông "điếc"... Tên sách đã rất đương đại, những vấn đề trong đó còn đương đại hơn: Có phải "gia đình là số một"?, Tất cả đều mắc "bệnh" đi, Văn minh có lỗi, Logic người trẻ... Và đương đại đến cả cách viết: "Tôi chọn cách viết hỏi han, cãi cọ thân tình, bàn tán đủ chuyện, từ đó người đọc tự suy về ý nghĩ của mình, không ai dạy dỗ ai".
Trong đời thực, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải là một bà nội mẫu mực, ngày ngày lo đủ ba bữa cơm nước cho con cháu. Những quan điểm về gia đình vừa rất truyền thống vừa rất hiện đại của bà chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân Ngày Gia đình Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích "để người đọc tự suy".
* Vậy gia đình bà đang có ba thế hệ cùng chung một nhà. Thời đại hiện nay có còn có chỗ cho những gia đình "tứ đại đồng đường" quây quần bên nhau?
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải: Đương nhiên người già lúc nào cũng muốn được quây quần bên con cháu, người trẻ lại luôn muốn có cuộc sống độc lập. Những người già hiện nay khi còn trẻ đã từng như vậy, những người trẻ bây giờ sau này già đi sẽ lại như thế. Sau khi phấn đấu để xa nhau thì họ lại nỗ lực để gần nhau. Qui luật cuộc sống là vậy, bên cạnh đó còn có qui luật của thời đại.
Bây giờ là thời đại của gia đình hạt nhân: hai thế hệ, những người trưởng thành sẽ tách riêng. Tứ đại đồng đường bị coi như một mô hình lạc hậu, không khoa học vì mỗi thế hệ có nhu cầu và cuộc sống khác nhau, khi chung đụng thì tự do cá nhân không được tôn trọng, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, xung đột. Ở Việt Nam, tôi tin rằng tất cả các gia đình trẻ đều đã sẵn sàng tâm lý cho việc ở riêng, nhưng đôi khi thực tế đời sống lại chưa đáp ứng được. Các gia đình tam, tứ đại đồng đường không phải hiếm, nhất là ở nông thôn. Cuộc sống chung nhiều thế hệ với nhau, sẽ có niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng đòi hỏi ở mỗi thành viên rất nhiều kiên nhẫn, cảm thông và nhẫn nhịn.
Tôi cũng là một bà nội thích ở bên cháu và cố gắng sẽ không trở thành rào cản cho nó. Vào một gia đình có không khí dân chủ, hiện đại bây giờ, người ta sẽ ít nghe thấy những câu "dạ, vâng, thưa, trình" khi xưa, nhưng như vậy không có nghĩa là lễ nghĩa không ngay, tình thân không thắm thiết. Trái lại, trong các gia đình tân tiến, quan hệ giữa các thành viên rộng rãi hơn, nhiều phương tiện, để biểu lộ, gắn kết hơn, có nhiều điều kiện để phát triển con người hơn.
* Trong các bài tạp văn của bà có rất nhiều chân dung: có bà nội với những câu chuyện cổ tích ngơ ngác trước các thiết bị hiện đại, có cháu ngoại thế hệ 10X đắm trong phim hoạt hình và các máy chơi game, có bà mẹ hiện đại cả ngày sưu tầm các công thức chăm sóc, giáo dục con, có ông bố say mê công việc như "trên trời rơi xuống", lại có cô bé ngoan hiền bề ngoài nhưng lên mạng thì thành "bang chủ"... Và tất cả những người đó đều rất cô đơn ngay giữa những người thân của mình. Tất cả những người đó đều đang ở quanh đây. Đó cũng là một trong những qui luật thời đại đó chứ. Có lối thoát nào cho họ?
Phóng to - Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải: Nhà văn Lev Tolstoy có nói: Hạnh phúc nào cũng giống nhau, còn đau khổ thì mỗi người một kiểu. Xã hội ngày một phát triển, in dấu vào từng gia đình. Trong các gia đình, trong từng con người hiện nay có quá nhiều vấn đề, và mỗi người lại ứng xử một cách khác nhau. Ngày nay có quá nhiều phương tiện giúp con nguời giải quyết vấn đề cá nhân, và nhiều người trong số họ thu mình lại trước những người thân, và mở lòng ra với thế giới mạng. Một cú "like", một biểu tượng trên mạng lại khiến họ cảm thấy được an ủi hơn một cái nắm tay.
Đây là một thái cực với thế hệ trước, với thời "tập thể" xa xưa. Cái nào cũng có những bất cập của nó. Đi qua thời "đi tìm cái tôi đã mất", chúng ta lại đi đến thời "đi tìm cái ta đã mất", lại phải kêu gọi nhau nhìn xung quanh, nhìn đến nhau để nâng cao ý thức chung, cùng nhau giữ gìn hạnh phúc.
Giữ gìn hạnh phúc không thể dạy bằng công thức. Khi mỗi người có một thế giới, không gì bằng hãy phơi bày ra, nhìn thật rõ, cảm nhận thật cụ thể, tình cảm, nhận thức sẽ ăn sâu và biến thành sự tự giác, mỗi người sẽ tự biết giải pháp của mình, sẽ có cách tiết chế mình. Tôi tin vào nhận thức của con người nên muốn mỗi câu chuyện đều được nhìn một cách thật nhân ái, chuyện xấu cũng không bị chỉ trích cay nghiệt, vì chúng ta đều đang muốn giữ lại những gia đình hạnh phúc.
* Kể cả hạnh phúc cũng không còn giống nhau nữa, hiện giờ quan niệm, tiêu chuẩn về hạnh phúc cũng đã thay đổi. Khi mỗi người trong gia đình có một chuẩn hạnh phúc khác nhau có phải là lúc gia đình rạn nứt?
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải: Bây giờ nói đến những khái niệm như: "phụ nữ phải hy sinh, chịu đựng, chung thủy, đảm đang" sẽ có các cô làm văn phòng tuổi 30, 40 cười phá lên bảo là cổ hủ. Nhưng nếu các cô nhìn lại: mình chải chuốt, là lượt, tối đi nghe nhạc, cuối tuần mua sắm, du lịch được là nhờ bà nội, bà ngoại đang cặm cụi chăm cháu giúp thì sẽ hiểu những chuẩn cổ hủ kia.
Đã có những thống kê đưa ra kết quả trái ngược của các nhu cầu trong gia đình: Cha mẹ hiện đại: luôn bận rộn, thiếu thời gian, ăn kiêng để có thân hình đẹp, tìm thú vui cải thiện chất lượng cuộc sống, thiếu tiền; Con cái hiện đại: mong có thời gian bên cha mẹ, ăn thức ăn nhanh dẫn đến béo phì, bị nhốt trong nhà làm giảm chất lượng cuộc sống, thừa tiền tiêu vặt... Không có điểm chung thì khó có hạnh phúc thật sự được.
Cũng không thể không nhắc tới những gia đình nghèo, con cái không có áo mặc, cơm ăn, cha mẹ không dám nghĩ tới tương lai của con. Ở Viện Nam hiện nay, chênh lệch giàu nghèo ngày một xa khiến chúng ta không còn có thể nói một điều gì chung cho tất cả mọi người được nữa, kể cả hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi cá nhân, hạnh phúc của mỗi gia đình, hạnh phúc của xã hội luôn song hành với nhau. Khi xã hội có quá nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến cuộc sống và nhân cách con người, lúc trở về nơi cố thủ cuối cùng của mình là gia đình, họ sẽ có khuynh hướng bộc lộ, bùng nổ. Nhiều bi kịch, ác mộng, vụ án gia đình đã xảy ra từ đó và vì thế. Trong quan hệ gia đình có nhiều cung bậc éo le không thể sòng phẳng được, vấn đề của gia đình không còn là của riêng, nên hư, thành bại, sướng khổ, hạnh phúc hay bất hạnh... đều có dấu ấn rất rõ của xã hội.
* Thẩm phán Trương Thế Trọng, phó chánh tòa Hành chánh, Tòa án nhân dân TP.HCM Thành công là hòa giải được
Nếu trước đây người ta ly hôn vì mâu thuẫn trong khó khăn kinh tế, thì nay lại có thêm bất đồng trong đầu tư tài sản, sử dụng tiền bạc. Trước đây, vợ chồng đưa nhau ra tòa vì bỏ bê con cái, thì nay họ lại mâu thuẫn trong cách chăm sóc, giáo dục con, cãi nhau xem nên cho con học trường nào, khám bệnh ở đâu, vui chơi thế nào... Trước đây có ông chồng chán vợ vì quá phụ thuộc vào mình, nay lại có cô vợ quá độc lập đến không cần chồng. Điều kiện kinh tế gia đình khá giả hơn cũng là lúc nhiều khả năng có người thứ ba xen vào nhiều hơn... Những lát cắt ấy cho thấy xã hội ảnh hưởng rất sâu vào từng gia đình. Thấm thía qua những cuộc ly hôn mình đã chứng kiến, tìm hiểu, hơn ai hết, tôi hiểu rằng hạnh phúc không có sẵn mà cần được vun xới mỗi ngày, bất cứ sự chểnh mảng, thả nổi nào cũng sẽ dẫn đến đổ vỡ với những hệ lụy không lường. Ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ một câu chuyện vui từ một cô bạn đồng nghiệp. Cô ly hôn cách nay 4 năm, thời gian đầu rất suy sụp, đau khổ, khó khăn khi nuôi con nhỏ. Nhưng rồi cô ấy đã quyết tâm đứng lên, tiếp tục đi làm, học lên cao, thăng tiến trong sự nghiệp, chăm sóc con tốt... Trưa nay cô báo với tôi: "Em đang chờ đến ngày cưới", và người sẽ làm đám cưới lần thứ hai với cô không ai khác chính là anh chồng cũ, người mà qua 4 năm xa nhau, đã nhận thấy hạnh phúc đích thực của mình là ở đâu. Tôi vui vô cùng khi nghe tin này, không chỉ vì hạnh phúc của đồng nghiệp mình, mà còn vì: qua trải nghiệm rất sâu sắc, rất đặc biệt ấy của cuộc đời mình, cô ấy chắc chắn sẽ là một thẩm phán gặt hái được nhiều niềm vui và thành công trong nghề, là cứu được nhiều hạnh phúc của các cặp vợ chồng khác. * Luật sư Huỳnh Minh Vũ: Niềm vui khi hàn gắn
Linh cảm nghề nghiệp cho tôi biết lúc nào cần phải đạt được một thỏa thuận ly hôn, lúc nào có thể hàn gắn được hôn nhân. Có lúc, tôi mang những trải nghiệm cá nhân, những câu chuyện tích lũy được trong quá trình làm nghề để chia sẻ với họ, gợi những lý do rất đẹp, rất tốt, rất đẹp đã khiến họ đến với nhau, so sánh với những mâu thuẫn nhỏ ngày hôm nay. Hạnh phúc không có công thức chung và đôi khi chỉ rất đơn sơ thôi, nhưng không được chăm sóc nên đã rạn vỡ. Nhiều cặp sau đó đã từ bỏ ý định ly hôn, và tất cả chúng tôi, tuy không có dịp dùng đến nghề của mình là tiến hành thủ tục cho họ nhưng đều rất vui. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận