Fiat 500 chạy điện sẽ là một trong những chiếc xe của Stellantis được hưởng lợi từ các bản cập nhật qua mạng? - Ảnh: Autocar
Hãng xe khát khao lợi nhuận của Apple
Tỷ suất lợi nhuận của Apple là một huyền thoại trong làng kinh doanh, nhưng thứ mang về cho họ nhiều tiền nhất không phải những chiếc iPhone nổi tiếng mà là dịch vụ, đóng góp tới 70%, gần gấp đôi so với mảng kinh doanh phần cứng.
Các nhà sản xuất ôtô đã từng làm ra được tỷ suất lợi nhuận lên tới 10% nếu họ thực sự tập trung, nhưng để đạt được con số đó thì họ cũng không khác gì nô lệ cho công việc, theo Autocar.
Giờ đây, họ nghĩ rằng có thể nâng tỷ suất lợi nhuận ngành lên ngang ngửa với các công ty công nghệ với cùng chiến lược: cung cấp các dịch vụ phần mềm mà tài xế vui lòng mua thường xuyên.
Richard Peberdy, người đứng đầu bộ phận ôtô tại KPMG, cho biết: "Thu nhập từ thuê bao đăng ký giống như bụi vàng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào".
Các nhà sản xuất ôtô khát khao lợi nhuận từ "phần mềm" như Apple. Điều này cũng có phần giống câu chuyện kinh doanh của các rạp chiếu phim: lợi nhuận từ bỏng ngô có khi còn cao hơn là tiền vé xem phim - Ảnh: Autocar
Stellantis là nhà sản xuất ôtô mới nhất tiết lộ chính xác số tiền họ cho rằng có thể kiếm được từ cái gọi là "phương tiện được xác định bằng phần mềm". Họ dự đoán doanh thu 20 tỷ euro vào năm 2030. Khi ấy sẽ có 34 triệu phương tiện kết nối dữ liệu, tăng mạnh từ khoảng 12 triệu xe hiện nay.
Họ ước tính có thể thu về khoảng 400 triệu euro mỗi năm từ 400.000 người dùng các dịch vụ được kết nối, và dự đoán rằng sẽ đạt được "bước nhảy vọt" khi giới thiệu STLA Brain vào năm 2024.
Giám đốc tài chính Richard Palmer của Stellantis giải thích chưa rõ ràng STLA Brain là gì, nhưng về cơ bản thì sẽ có cập nhật qua mạng, các tiện ích bổ sung để cải thiện các tùy chọn an toàn, bảo mật, giải trí, bản đồ và điều khiển từ xa.
Hoài nghi
Tuy nhiên, Patrick Hummel, nhà phân tích tài chính của ngân hàng UBS, phản đối: "Tôi càng nghe các công ty ôtô nói về lợi nhuận tương tự như ngành công nghệ thì khả năng nó trở thành hiện thực càng thấp".
Quan điểm của ông là, trong khi các công ty như Apple có hệ sinh thái kỹ thuật số độc đáo mà khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để có thêm nhiều tiện ích, thì với ôtô không được như vậy.
Các chuyên gia đánh giá rằng kỳ vọng của các nhà sản xuất ôtô khó thành hiện thực, ít nhất trong tương lai gần - Ảnh: Vector
CEO Stellantis Carlos Tavares tự tin rằng công ty có thể vượt qua trở ngại trên thông qua sức mạnh của 14 thương hiệu mà tập đoàn đang nắm giữ và kỷ luật chi phí.
Nhưng từ đây cũng đặt ra câu hỏi: Liệu người dùng có sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ kỹ thuật số nếu có ai đó sẽ cung cấp miễn phí?
"Phần mềm" của xe có đáng để bỏ tiền ra mua?
Các thương hiệu thuộc tập đoàn Volkswagen sẽ tính phí một số ứng dụng và dịch vụ sau một thời gian dùng miễn phí nhất định, nhưng chưa có gì khẳng định người dùng không thể sống thiếu những tính năng đó đủ để móc hầu bao, và chi phí cho một hệ thống như vậy có thể cao hơn lợi ích nó mang lại.
Các thương hiệu cao cấp như BMW và Mercedes-Benz đã thông minh hơn trong việc tính phí các bản cập nhật nâng cấp xe. Chẳng hạn, BMW sẽ tính phí nâng cấp hệ thống điều khiển hành trình thông thường lên hệ thống điều khiển hành trình thích ứng, hay yêu cầu chủ xe bỏ thêm vài trăm đô là để có Apple CarPlay.
Các hãng xe sang đã tính phí một số dịch vụ, nhưng liệu điều đó có khiến chiếc xe kém hấp dẫn hơn? - Ảnh: Mercedes-Benz
Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh sẽ cung cấp miễn phí các tính năng này, hoặc ít nhất là gộp chung vào giá bán xe.
Richard Peberdy của KPMG nhìn nhận: "Câu hỏi đặt ra là ranh giới giữa những gì hấp dẫn và miễn phí nằm ở đâu. Nó là một phần quan trọng trong lý do người tiêu dùng chọn xe. Nguồn thu từ những dịch vụ này có đáng để đánh đổi hay không?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận