TTCT - Trước và trong Thế chiến II, hàng không mẫu hạm là lực lượng tấn kích của cả hai bên lâm chiến chính trên Thái Bình Dương. 90 năm sau, hàng không mẫu hạm bắt đầu trở lại, lần này với nhiều bên hơn. Sáng thứ ba tuần trước 20-6, tàu khu trục chở máy bay trực thăng JS Izumo lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đã ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam. Cùng đến với tàu Izumo còn có tàu khu trục JS Samidare. Phát biểu tại lễ đón, Chuẩn đô đốc Nishiyama Takahiro nói JMSDF hy vọng tăng cường trao đổi thường xuyên với hải quân VN và củng cố quan hệ hợp tác để có thể sẵn sàng phối hợp khi cần thiết. 5 ngày sau, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan thăm Đà Nẵng - đây là lần thứ ba một tàu sân bay của Mỹ đến thăm VN.Đoàn tàu hải quân Hoa Kỳ thăm Đà NẵngNhật Bản ngày càng chủ độngĐây không phải lần đầu chiếc JS Izumo tới VN. Tháng 5-2017, chiếc tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản sau Thế chiến II, có khả năng chở đến 28 chiếc trực thăng, vừa được hạ thủy và vô biên chế JMSDF lần lượt các năm 2013 và 2015, tới thăm VN. Đây cũng là chuyến xuất hành lần đầu ra nước ngoài của chiếc Izumo - một hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ chuyên trị tàu ngầm, với 7 trực thăng chống ngầm trên boong.Chuyến đi kéo dài ba tháng ở Biển Đông. Chiếc Izumo còn ghé Singapore để tham gia cuộc duyệt binh hàng hải quốc tế do hải quân Singapore tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thành lập cùng tàu hải quân từ 20 quốc gia khác. Ngoài ra, tàu Izumo còn ghé các cảng Indonesia, Philippines và Sri Lanka, trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với Mỹ và Ấn Độ vào cuối tháng 7-2017.Tờ Japan Times 23-5-2017 đăng một tít rất xứng với chuyến hải trình mở màn của chiếc Izumo: "Triển khai tàu Izumo: Nhật Bản gỡ nón leo lên võ đài". Tít phụ giải thích rất rõ: "Nhật Bản không có tâm trạng từ bỏ vai trò lịch sử và ảnh hưởng của mình trong khu vực". Tờ báo giải thích cặn kẽ: "Đây là bước đột phá lớn nhất của Nhật Bản vào khu vực kể từ Thế chiến II, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh lên và ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu".Thiệt ra, sự trở lại của các tàu sân bay Nhật còn khá khiêm tốn qua một cặp tàu khu trục chở máy bay trực thăng thuộc lớp Izumo: JS Izumo nói trên và IS Kaba (hạ thủy 2015, nhập biên chế 2017). Hai tàu này đều có chiều dài 248m và lượng choán nước 27.000 tấn - kích thước bằng các tàu sân bay Nhật Bản trong Thế chiến II. Lớp tàu Izumo còn có khả năng được biến cải để tiếp nhận dòng máy bay F-35B vốn có thể cất và hạ cánh kiểu "lên thẳng", theo Sách trắng quốc phòng Nhật Bản tháng 7-2020.Việc Nhật Bản mới đóng tàu khu trục chở trực thăng là có lý của nó, theo chuyên gia Dorian Archus trên Naval Post 17-7-2021. Do hiến pháp Nhật Bản sau chiến tranh không cho phép nước này sở hữu vũ khí tấn công, gồm tàu sân bay, tàu khu trục vẫn được xem là tàu hộ tống, mà nhiệm vụ là bảo vệ hạm đội, tức trên lý thuyết, lớp tàu Izumo vẫn có thể coi là vũ khí phòng vệ.Hải quân Mỹ chọn các siêu tàu sân bay, tỉ như lớp Nimitz (chiếc USS Ronald Reagan thuộc lớp này), có sức mạnh khống chế. Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga thì đóng tàu sân bay lớp trung bình, song vẫn cho phép kiểm soát một vài lĩnh vực. Nhật chọn tàu sân bay cỡ nhỏ, chủ yếu chống tàu ngầm, nhắm vào các đối thủ có năng lực quân sự hạn chế hơn, mà theo Archus, "khả năng tấn công không thể sánh với tàu sân bay của Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga".Từ khi ra đời, các tàu lớp Izumo này thường xuyên xuất hiện ở các nước đồng minh và đối tác, chủ yếu ở Đông Nam Á, làm nhiệm vụ thăm viếng và diễn tập phối hợp. Thăm viếng, giao lưu luôn là "một công đôi chuyện", khi đi sang nước khác ở cách xa vài ngàn, thậm chí chục ngàn km, còn là để tập hải hành.Nhiệm vụ thứ hai là để tuần tra, giám sát và huấn luyện hằng ngày nhằm bảo vệ an toàn và tự do hàng hải, nhất là các tuyến huyết mạch của Nhật Bản, một quốc gia quần đảo có đường bờ biển lẫn vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn tài nguyên, thực phẩm và thị trường nước ngoài, đi qua các tuyến giao thông đường biển, vốn chiếm hơn 90% thương mại của nước này. Đòi hỏi ổn định về an ninh hàng hải và trật tự quốc tế, do đó, là sống còn với họ.Để đáp ứng yêu cầu sống còn đó, JMSDF tự ấn định 3 mục tiêu: (1) bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản và các khu vực xung quanh; (2) bảo đảm an toàn giao thông hàng hải; và (3) tạo môi trường an ninh mong muốn. Các mục tiêu này được thiết lập dựa trên Chiến lược an ninh quốc gia được phê duyệt vào tháng 12-2013 và Hướng dẫn chương trình phòng thủ quốc gia tháng 12-2018.Ký ức không phaiMuốn hay không muốn, Trung Quốc cũng còn những ký ức khó phai về các tàu sân bay Nhật Bản. Đầu thế kỷ 20, hải quân Nhật Bản, sau khi đánh bại hạm đội Nga hoàng ở eo biển Tsushima tháng 5-1905, đã vươn vai biến thành thế lực quân sự đầy đe dọa đến nỗi từ tháng 11-1921 đến đầu tháng 2-1922, các cường quốc hải quân lớn nhất thế giới phải mở tại Washington, D.C. một hội nghị về giải trừ quân bị hải quân và giảm bớt căng thẳng đang gia tăng ở Đông Á.Tàu JS Izumo của Nhật Bản (bìa trái). Ảnh: Naval NewsHiệp ước 5 cường quốc giữa Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Pháp và Ý ấn định số tàu chiến chủ lực (được định nghĩa là có lượng rẽ nước 20.000 tấn hoặc mang súng có cỡ nòng vượt quá 203mm) mà mỗi quốc gia có thể giữ lại tính theo tổng trọng tải. Theo đó, Hoa Kỳ được giữ lại số tàu chiến có tổng trọng tải 525.850 tấn, Anh 558.950 tấn, Nhật Bản 301.320 tấn, Pháp 221.170 tấn và Ý 182.800 tấn. Cũng thế, hiệp ước 5 cường quốc ấn định Mỹ và Anh chỉ được đóng tàu sân bay tổng lượng giãn nước là 135.000 tấn, Nhật Bản 81.000 tấn, Pháp và Ý mỗi nước 60.000 tấn.Thời điểm đó, hải quân Nhật đang khai phá học thuyết hải chiến mới: tấn công tầm xa bằng tàu sân bay qua các "sự biến Thượng Hải" 1932 và 1937 với các tàu sân bay Kamoi và Kaga, gây thương vong nhiều cho dân chúng Trung Quốc lúc đó dưới quyền Tưởng Giới Thạch. Ký ức khó quên này khiến Trung Quốc khó lòng nhìn Nhật Bản tái trang bị tàu sân bay.Ký ức này cũng thôi thúc Trung Quốc sớm tự trang bị tàu sân bay. Những kinh nghiệm Nhật Bản cách đây 90 năm vẫn còn áp dụng được. Vào thời điểm đó, khẩu hải pháo nòng lớn nhất là 406mm và tầm bắn xa 37km; một máy bay A1N2 từ tàu sân bay Hōshō (tàu sân bay đầu tiên của Nhật) có tầm bay 370km, và bản thân tàu này có tầm hoạt động lên đến 16.080km ở tốc độ 22km/h, khi mang theo 15 máy bay.Khi Thế chiến II nổ ra, tàu sân bay Nhật và Mỹ lúc đó đã chở được 50-90 máy bay, và di chuyển ở tốc độ lên tới trên 55km/h, sức hoạt động lên tới 19.000km. Chính vì đi trước trong định hướng chiến tranh này mà đến năm 1941, trước khi đụng độ với Mỹ, Nhật Bản đã có ưu thế trên Thái Bình Dương với 11 tàu sân bay cùng 4,5 năm chiến trận, trong khi Mỹ mới có tổng cộng 7 chiếc, lại còn phải chia đôi cho hai mặt trận Đại Tây Dương và Thái Bình Dương (Aaron O'Neill, nghiên cứu Thế chiến II: Sức mạnh và tổn thất tàu sân bay của Mỹ và Nhật 1941-1945").Trung Quốc đã khácNay thì Trung Quốc cũng đã trở thành một trong số ít quốc gia sở hữu nhiều tàu sân bay. Họ vừa hạ thủy tàu sân bay thứ ba, tàu Phúc Kiến, vào ngày 17-6-2022. Chiếc này khi đi vào hoạt động được cho là sẽ tiên tiến hơn đáng kể so với các chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông. Lợi thế người đi sau giúp Trung Quốc nhắm đến nhiều chức năng "khai sơn phá thạch" của các tàu sân bay từ bài học Thế chiến II.Lễ hạ thủy tàu Phúc Kiến. Ảnh: Chanakya ForumTrong cuộc tập trận "Liên hiệp lợi kiếm" (United Sharp Sword) tháng 4-2023, chiếc Sơn Đông đã được triển khai ở biển Philippines, mô phỏng các cuộc tấn công trên không và trên biển vào Đài Loan từ vùng biển gần Okinawa - một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Tàu sân bay Sơn Đông đã cho cất và hạ cánh máy bay chiến đấu phản lực và máy bay trực thăng đến 120 lần trong 48 giờ để thực hiện các "cuộc tấn công chính xác".Tất nhiên, tàu sân bay không đi một mình: kèm theo chiếc Sơn Đông là ba tàu chiến và một tàu tiếp tế, cùng tiến vào có lúc đến phạm vi 230km tính từ quần đảo Miyako của Nhật Bản. Đài Loan đã công bố một bản đồ cho thấy 4 máy bay chiến đấu Shenyang J-15 bay về phía đông hòn đảo này, và quân đội Trung Quốc sau đó xác nhận các máy bay xuất phát từ tàu Sơn Đông đã "thực hiện nhiều đợt tấn công mô phỏng vào các mục tiêu quan trọng" (BBC News 10-4). Tàu Sơn Đông và các tàu hộ tống sau đó đi về phía đông vào Thái Bình Dương, có lúc cách đảo Guam 600km, trước khi chuyển hướng tây và đi vào Biển Đông qua eo biển Bashi vào cuối tháng 4.Từ cục diện đó, có thể thấy ở Tây Thái Bình Dương, các tàu sân bay đã có vai trò lớn hơn, chứ không phải là ít đi, trong một bối cảnh an ninh mới.■ Cùng thời điểm tàu JS Izumo ghé Việt Nam, tàu sây bay Mỹ USS Ronald Reagan cũng ghé Đà Nẵng từ 24-6. Trước khi tới Đà Nẵng, chiếc USS Ronald Reagan đã tham gia diễn tập với Nhật Bản, Canada và Pháp, trong đó phía Mỹ huy động hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) và USS Ronald Reagan (CVN-76), Nhật Bản phái tàu khu trục chở trực thăng JS Izumo, các khu trục hạm JS Samidare (DD-106) và JS Akebono (DD-108), Pháp góp khinh hạm FS Lorraine (D657), Canada cũng góp một khinh hạm, chiếc HMCS Montreal (FFH336). Các tàu này diễn tập ở khu vực xung quanh quần đảo Ryukyu có tầm quan trọng địa chính trị ở biển Philippines kể từ 22-6, theo Thời báo Hoàn Cầu. Quần đảo Ryukyu ngăn cách biển Hoa Đông với biển Philippines, nằm rải rác ở Tây Thái Bình Dương giữa Nhật Bản và Đài Loan. Reuters 12-6 loan tin Trung Quốc đã triển khai một máy bay trinh sát Y-9 trên vùng biển Thái Bình Dương ở phía đông Đài Loan vào tuần trước, mà theo truyền thông Trung Quốc là nhằm theo dõi và thu thập thông tin tình báo về cuộc tập trận có sự tham gia của hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và Canada. Về phần Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo 18-5-2023 cho biết: "Tiểu hạm đội Hải quân nhân dân Trung Quốc vừa hoàn thành cuộc tập trận thường kỳ quanh Nhật Bản, thể hiện năng lực phòng thủ quốc gia". Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thông báo đã phát hiện một đội tàu của hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục lớn lớp 055 Lhasa, hai tàu khu trục lớp 052D, một tàu khu trục lớp 054A và một tàu tiếp tế toàn diện lớp 903A khi các tàu này đi từ Tây Thái Bình Dương qua eo biển Miyako và vùng biển giữa các đảo thuộc nhóm hòn đảo Okinawa và phía đông đảo Đài Loan. Hoàn Cầu Thời báo thông tin chi tiết: "Đội tàu đã đi một vòng quanh Nhật Bản theo chiều kim đồng hồ trong chuyến hành trình kéo dài hơn nửa tháng, theo một bản đồ..., đội tàu Trung Quốc bắt đầu hành trình từ biển Hoa Đông vào ngày 30-4, đi qua eo biển Tsushima vào biển Nhật Bản, quá cảnh qua eo biển Soya vào Tây Thái Bình Dương từ ngày 5 đến 6-5, sau đó di chuyển ở vùng biển giữa một số hòn đảo phía nam Nhật Bản từ ngày 11 đến 13-5, trước khi quay trở lại biển Hoa Đông". Trong tình hình đó, trả lời câu hỏi về việc tàu JS Izumo, rồi tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan thăm Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Giống như những lần đón tàu hải quân nước ngoài thăm Việt Nam khác, đây là hoạt động hợp tác bình thường, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực". Cần nhắc hôm 23-5, tàu huấn luyện Thích Kế Quang mang số hiệu 83 của hải quân Trung Quốc đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), bắt đầu chuyến thăm kết thúc vào ngày 25-5. Tags: Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan thăm Đà NẵngHàng không mẫu hạmThái Bình DươngThế chiến IILực lượng phòng vệBiển Nhật BảnTàu sân bayTàu sân bay MỹUSS Ronald ReaganHải quân Hoa KỳHải quân MỹHiến pháp nhật bảnHải quân Nhật BảnQuân đội Trung QuốcTruyền thông Trung QuốcHoàn Cầu Thời BáoLực lượng phòng vệ nhật bảnHải quân trung quốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.