Phóng to |
Sáng 8-11, tại Hội trường Sở VHTT&DL TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ và trao đổi để cơ quan quản lý lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của các đơn vị văn hóa ở TP.HCM sau một năm triển khai nghị định 79 của Chính phủ về các vấn đề biểu diễn văn hóa nghệ thuật.
Theo đó, nghị định 79/2012/NĐ-CP đã được ban hành ngày 5-10-2012 có tổng cộng 5 chương và 31 điều quy định cụ thể về các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Đây được xem là một văn bản pháp luật cao nhất và đầy đủ nhất từ trước đến nay.
“Yếu tố nước ngoài” bị soi kỹ hơn
Hồi tháng 5-2013, chương trình Liên hoan nhạc jazz Con phố Bourbon do một tổ chức nước ngoài thực hiện tại Cargo bar với khá nhiều nghệ sĩ quốc tế đã buộc phải ngưng diễn giữa chừng vì không thể đưa ra giấy phép tổ chức biểu diễn có người nước ngoài khi cơ quan quản lý văn hóa bất ngờ xuống kiểm tra. Chương trình bị gián đoạn khiến hàng ngàn khán giả đành phải ra về trong nuối tiếc. Đó là một ví dụ điển hình về việc các đơn vị tổ chức “làm lơ” chuyện giấy phép, nhất là trong các chương trình có yếu tố nước ngoài.
Trong nghị định 79 có quy định khá chặt chẽ về việc người nước ngoài đến VN biểu diễn hoặc người VN định cư ở nước ngoài trở về nước biểu diễn. Theo đó thì các đơn vị tổ chức phải trải qua hai công đoạn xin phép: một là hồ sơ xin phép cho nghệ sĩ nước ngoài được vào VN và hai là hồ sơ xin phép cho họ được biểu diễn trong chương trình tại VN.
Theo đại diện của công ty Đông Tây - nơi đang tổ chức cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy với khá nhiều biên đạo người nước ngoài được mời sang, thì hai công đoạn này khá phức tạp và nên chăng có thể gộp làm một.
Bà Kim Dung - phó chủ tịch Hiệp hội Ghi âm VN cũng cho biết nghị định mới khiến cho việc xin phép và gia hạn cho các nghệ sĩ VN ở hải ngoại về nước khó khăn hơn, vì mỗi lần được cấp phép là 6 tháng nhưng lại phải thông qua Tổng lãnh sự quán VN ở nước ngoài trước chứ không chỉ đơn giản là nộp hồ sơ lên Cục Nghệ thuật biểu diễn như trước.
Ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở cho rằng cơ quan lãnh đạo luôn khuyến khích sự giao lưu văn hóa quốc tế và tạo điều kiện cho sự trở về của các nghệ sĩ hải ngoại, tuy nhiên “yếu tố nước ngoài” vẫn phải được xem xét kỹ để đảm bảo các nội dung phù hợp.
Tem kiểm soát và việc phổ biến ca khúc trước 1975
Hiện nay việc phát hành băng, đĩa ca múa nhạc, sân khấu với hình thức dán tem nhãn sẽ được quản lý trực tiếp của Sở VHTT&DL chứ không phải ra đến Cục như trước nữa. Mỗi con tem có giá mới nhất là 500 đồng sẽ được Sở cấp cho các đơn vị phát hành và dự trù trong năm 2014 sẽ cần đến 2,5 triệu con tem chỉ tính riêng trong địa bàn TP.HCM.
Tuy nhiên theo đại diện của Bến Thành Audio thì con số đó là… quá tham vọng trong tình hình băng đĩa lậu tràn lan như hiện nay, đó là chưa kể đến chuyện đĩa gốc vừa phát hành xong 15 phút sau đã có trên đầy đủ trên mạng.
Tại buổi họp, các đơn vị phát hành khác như Maseco, Rạng Đông, Phương Nam cũng kêu cứu về tình trạng này và đề nghị các Sở ngành nên sớm có biện pháp xử phạt với các trang mạng chia sẻ âm nhạc hay phim ảnh mà không xin phép, vì hiện tại trong nghị định 79 vẫn chưa có điều khoản nào quy định về việc này.
Riêng vấn đề thẩm định và phổ biến những sáng tác trước năm 1975 và ở nước ngoài cũng được quy định chặt chẽ bằng mẫu đơn xin cấp phép cụ thể trong nghị định 79. Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết hiện nay nhà nước đang có kế hoạch sưu tầm và thẩm định lại các sáng tác trước năm 1975 và tạo điều kiện để phổ biến những tác phẩm hay có giá trị đến công chúng.
Vì vậy Cục kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức, cá nhân, các nhà sưu tầm trong việc gửi những tác phẩm này đến Cục để thẩm định. Đặc biệt các cá nhân hoặc tác giả có thể gửi trực tiếp tác phẩm đến Cục mà không cần phải thông qua một tổ chức pháp nhân như trước.
Ngoài ra thì còn khá nhiều vần đề khác được các đại biểu đề cập như: chuyện duyệt chương trình, vấn đề tác quyền, giấy phép đi biểu diễn ở địa phương khác, chuyện xác định chữ ký thật của tác giả…
Nhìn chung buổi gặp gỡ cũng đã giúp cho các công ty, đơn vị văn hóa ở TP.HCM có dịp được trình bày những khúc mắc và nguyện vọng của mình.
Còn đại diện cơ quan quản lý cũng hứa sẽ cố gắng đơn giản hóa các thủ tục để “một cửa một dấu”, tạo điều kiện cho các chương trình diễn ra suôn sẻ ở TP.HCM – nơi chiếm đến 70% các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật của cả nước.
Diễn nội bộ: phải báo cáo Đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đặt ra vấn đề về việc các khách sạn của đơn vị này muốn mời ban nhạc đến biểu diễn để phục vụ khách lưu trú thì có phải xin phép không. Lãnh đạo Sở đã trả lời rằng theo điều 12 của nghị định 79 thì các chương trình biểu diễn nhằm mục đích phục vụ nội bộ hoặc trong các khách sạn, nhà hàng không bán vé, không thu tiền xem biểu diễn thì không phải đề nghị xin cấp giấy phép nhưng phải có thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn đến Sở ít nhất 5 ngày trước khi diễn ra. Trong trường hợp nếu chương trình có tổ chức bán vé thì phải xem lại trong giấy phép kinh doanh của nhà hàng, khách sạn đó có chức năng tổ chức biểu diễn không, nếu không có thì bắt buộc phải phối hợp với một đơn vị tổ chức có chức năng này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận