14/12/2020 15:08 GMT+7

Các doanh nghiệp mới mọc lên như nấm ở Malaysia bất chấp đại dịch COVID-19

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Báo Straits Times ngày 14-12 cho biết bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế dịch COVID-19, các doanh nghiệp mới ở Malaysia vẫn mọc lên như nấm, tập trung vào các lĩnh vực ăn uống, bán lẻ trực tuyến và thể dục thể chất (fitness).

Các doanh nghiệp mới mọc lên như nấm ở Malaysia bất chấp đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Công ty tư vấn tài chính Oxford Economics dự báo hoạt động kinh tế của Malaysia sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2020 sau khi nước này nới lỏng hạn chế đi lại vào tháng 5-2020 - Ảnh: REUTERS

Bà Sujietra Jayaseelan định mở một trung tâm huấn luyện thể chất ngoài giờ học cho trẻ em tại thành phố Petaling Jaya, bang Selangor nhưng phải từ bỏ vào tháng 3 vì các biện pháp phong tỏa một phần của chính phủ.

Sau khi quan sát các con của mình học tại nhà do trường đóng cửa, bà Jayaseelan đã mở trung tâm trực tuyến Green Patch chuyên đào tạo lý thuyết và kỹ năng cho trẻ. 

"Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến phương pháp giảng dạy trực tuyến. Tôi cũng đề xuất mức học phí thấp vì tài chính của mọi người bị ảnh hưởng bởi đại dịch" - bà Jayaseelan chia sẻ.

Green Patch là một trong gần 280.000 doanh nghiệp mới đăng ký tại Malaysia trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, chủ yếu trong các lĩnh vực như ăn uống (F&B), bán lẻ trực tuyến và thể dục thể chất (fitness) trực tuyến. 

Số doanh nghiệp mới đăng ký này cao gấp nhiều lần so với con số 32.469 doanh nghiệp phải đóng cửa vì đại dịch ở Malaysia từ tháng 3 vừa qua, theo Ủy ban Doanh nghiệp nước này.

Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển doanh nghiệp Wan Junaidi mô tả sự phát triển này là một điều may mắn, nói rằng các doanh nghiệp địa phương đã thích ứng với các mô hình kinh doanh để có thể tồn tại trong khoảng thời gian đầy thách thức này.

"Tôi tán dương điều này, một hành động sống còn của các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phải có sáng kiến, luôn sáng tạo và năng động để điều chỉnh và thích nghi với bất kỳ tình huống nào" - ông Wan Junaidi nói.

Ông Wan Junaidi cho biết phần lớn các doanh nghiệp mới này hoạt động trong lãnh vực thực phẩm và đồ uống, theo ngay sau là các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến, và các lớp thể dục thể chất trực tuyến để tăng cường sức khỏe trong bối cảnh đại dịch.

Một số doanh nghiệp mới vạch sẵn kế hoạch để kinh doanh, một số khác thay đổi để thích nghi. Bà Dhashene Letchumanan, cựu giám đốc tiếp thị, từng tính bán các sản phẩm làm đẹp Skin Start tại các cửa hàng trên phố nhưng buộc phải chuyển sang bán trực tuyến vì đại dịch.

"Tôi có thể bán các sản phẩm của mình thông qua các cửa hàng bán lẻ, các gian hàng và kiốt nếu không có đại dịch. Tuy nhiên, hiện nay lựa chọn tốt nhất là bán trực tuyến và sử dụng những người giao hàng (shipper) - một cách tạo thu nhập cho những người mất việc vì đại dịch" - bà Dhashene nói với báo Straits Times.

Mặt khác, cũng có những doanh nghiệp mới khởi nghiệp với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp xã hội. Báo Straits Times cho biết một nhóm công nhân xây dựng, mất việc vì ổ dịch tại nơi họ làm việc, hiện đang điều hành The Nanas Lab, một doanh nghiệp làm mứt dứa.

"Họ trồng dứa để ăn khi thực phẩm cạn kiệt. Chúng tôi lại thấy đó là một cơ hội kinh doanh và hướng dẫn họ cách hái ra tiền từ công việc trồng dứa của họ" - bà Raudhah Nazran, CEO của doanh nghiệp xã hội Accelerate Global, nói.

FTA Việt Nam - Anh: Doanh nghiệp Việt bớt 3.500 tỉ tiền thuế/năm FTA Việt Nam - Anh: Doanh nghiệp Việt bớt 3.500 tỉ tiền thuế/năm

TTO - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa được công bố kết thúc đàm phán. Lại thêm một hiệp định mới, tại sao lại cần hiệp định này và lợi ích cụ thể là gì?

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên