Ông Bùi Sỹ Lợi - Ảnh: VGP
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc để chờ đơn hàng mới, các chuyên gia mong muốn Nhà nước trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn đề xuất doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ trực tiếp chi phí cho doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo cho người lao động. Điều này vẫn đúng với mục tiêu của quỹ là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết phía ủy ban chưa nhận được thông tin cụ thể liên quan đề xuất trên. Tuy nhiên, đứng về quan điểm cá nhân, ông Phong cho rằng cũng cần phải xem xét, tính toán.
Ông Phong cho hay vừa qua theo nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nghị quyết 116 của Chính phủ), đã trích 38.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Phần thu của quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm nay, theo ông Phong, cũng không có nhiều do người sử dụng lao động được giảm đóng. Với phần kết dư của quỹ hiện tại phải để chuẩn bị cho các vấn đề khác, chẳng hạn nếu sau này người lao động bị thất nghiệp lớn hơn, có những biến cố...
Đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng cho rằng nếu sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động thì hoàn toàn đúng với mục tiêu của quỹ.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng quỹ bảo hiểm thất nghiệp được xây dựng để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi thất nghiệp nên việc chi trả cần đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, tránh những trường hợp không đóng quỹ mà lại được chi trả.
Do đó nếu hỗ trợ để đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động cần rà soát kỹ để đảm bảo chính xác, không nhầm đối tượng và phải thực hiện đúng là chi trả đến được đúng tay người lao động bị ảnh hưởng công việc.
Còn TS Bùi Sĩ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nêu rõ mục tiêu của quỹ bảo hiểm thất nghiệp là chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm...
Theo ông Lợi, với những khó khăn trong thời gian qua đã bước đầu được tháo gỡ khi qua nghị quyết 116 của Chính phủ đã chi 38.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động.
Do vậy trong thời gian hiện tại không nên sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp như chính sách an sinh xã hội đã làm theo nghị quyết 116.
Ông đề xuất hiện nay bảo hiểm xã hội, các bảo hiểm đã quy định rất linh hoạt nên với các doanh nghiệp xảy ra tình trạng người lao động không có việc làm, ngừng, mất việc làm thì trong thời gian đó có thể tạm thời chốt sổ, không thu bảo hiểm xã hội, các khoản đóng góp.
"Từ một tháng trở lên chúng ta có thể làm như vậy theo phương pháp tính tròn, còn đến nay không nên tính đến phương án sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để trợ cấp. Bởi nó sẽ gây một hệ lụy không đúng. "Kho thóc" quỹ bảo hiểm thất nghiệp chỉ giải quyết khi thực sự cấp bách", ông Lợi nói.
Vị chuyên gia này đồng tình với việc trong trường hợp doanh nghiệp không có đơn hàng, người lao động mất việc làm và thực hiện tái cơ cấu sản xuất thì Nhà nước có thể hỗ trợ tiền để đào tạo lại nghề cho người lao động. Nguồn kinh phí này lấy từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp .
"Cần khuyến khích các doanh nghiệp khi dừng việc làm do không có hợp đồng thì giữ chân người lao động bằng cách đào tạo lại nghề để chuyển việc khác hoặc người lao động tìm việc khác. Số tiền này nên lấy từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và có nội dung chi rõ ràng", ông Lợi đề nghị.
Theo báo cáo, quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư khoảng 55.750 tỉ đồng, sau khi gia hạn hỗ trợ thêm hơn 414.000 lao động thuộc nghị quyết 116 (gói 38.000 tỉ đồng) và vẫn đảm bảo an toàn vì cao hơn hai lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận