Ảnh minh họa. Nguồn: varanasihospital.com
Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân bị bệnh tim mạch ngày càng gia tăng. Với mỗi loại bệnh có những phương thức điều trị khác nhau, tuy nhiên người bệnh lại có thể có những biểu hiện triệu chứng giống nhau.
Chính vì vậy, bản thân người bệnh phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể nhận biết được đâu là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp khi bị bệnh tim.
Khó thở
- Khó thở được khởi phát hoặc nặng lên bởi gắng sức và gây ra tăng áp lực nhĩ trái và tĩnh mạch phổi hoặc giảm ôxy máu.
- Tăng áp lực nhĩ trái và tĩnh mạch phổi thường gặp nhất là rối loạn chức năng tâm trương thất trái (do phì đại, xơ hóa hoặc bệnh màng ngoài tim) hoặc bít tắc van gây ra. Đợt khởi phát hoặc nặng lên của tăng áp lực nhĩ trái có thể dẫn đến phù phổi. Giảm oxy máu có thể do phù phổi hoặc luồng thông trong tim.
- Khó thở phải được xác định bằng mức độ hoạt động gây ra nó. Khó thở cũng là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh phổi và khó có thể phân biệt được bệnh sinh, khó thở cũng có thể gặp ở người ít đi lại hoặc người béo, người trong tình trạng lo lắng, thiếu máu và nhiều bệnh khác.
Khó thở khi nằm là do sự tăng thể tích máu trung ương. Khó thở khi nằm cũng có thể do các bệnh phổi và béo bệu gây ra.
Khó thở kịch phát ban đêm sẽ giảm nhẹ bằng cách ngồi hoặc đứng lên, triệu chứng này thường đặc hiệu hơn trong các bệnh tim.
Đau tức ngực
- Đau ngực có thể xảy ra do một bệnh phổi hoặc một bệnh xương, bệnh thực quản hoặc các bệnh đường tiêu hóa, kích thích rễ dây thần kinh cổ ngực hoặc do tình trạng lo lắng cũng như nhiều bệnh tim mạch gây nên.
- Nguyên nhân thường gặp nhất của đau ngực do tim là thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Đau thường được mô tả là âm ỉ, nhức nhối hoặc như cảm giác ép vào, siết chặt, thắt chặt hoặc ngột ngạt hơn là đau như dao đâm hoặc co thắt lại, và nó thường được nhận thức như một cảm giác bứt rứt hơn là đau. Đau do thiếu máu cục bộ thường giảm đi trong vòng 30 phút, nhưng nó có thể kéo dài hơn.
- Những cơn đau kéo dài thường tương ứng với nhồi máu cơ tim, đau thường kèm theo cảm giác bứt rứt hoặc lo lắng. Vị trí đau thường ở sau xương ức hoặc vùng trước tim bên trái. Mặc dù đau có thể lan tới hoặc khu trú ở vùng hầu họng, hàm dưới, bả vai, mặt trong cánh tay, vùng bụng trên hoặc lưng, nhưng nó hầu như cũng bao hàm cả vùng xương ức. Đau do thiếu máu cục bộ thường do gắng sức, nhiệt độ lạnh, sau bữa ăn, stress hoặc kết hợp các yếu tố này thúc đẩy và thường giảm đi khi nghỉ ngơi. Đau không liên quan đến tư thế hoặc hô hấp và thường không xuất hiện khi sờ nắn ngực. Trong nhồi máu cơ tim, một yếu tố thúc đẩy thường không rõ rệt.
- Phì đại thất trái hoặc bệnh van động mạch chủ cũng có thể phát sinh đau do thiếu máu hoặc đau ít điển hình hơn. Viêm cơ tim, bệnh cơ tim và sa van hai lá thường kết hợp với đau ngực không điển hình. Viêm màng ngoài tim có thể gây ra đau nhưng nó thay đổi theo tư thế và hô hấp. Phình tách động mạch chủ gây đau như xé lồng ngực một cách đột ngột và thường lan ra sau lưng.
Hồi hộp, choáng hoặc ngất
- Nhận thấy nhịp đập của tim có thể là hiện tượng bình thường hoặc có thể phản ánh tăng cung lượng tim hoặc tăng cung lượng nhát bóp tim ở những bệnh nhân với nhiều tình trạng bệnh ngoài tim (gắng sức, nhiễm độc giáp, thiếu máu, lo lắng,…). Nó cũng có thể do các bệnh tim mạch làm tăng thể tích nhát bóp (hở van tim, nhịp chậm) hoặc có thể là dấu hiệu của rối loạn nhịp tim. Ngoại tâm thu thất có thể được cảm thấy như nhát đập ngoại lai hoặc nhát nhảy cóc. Tim nhanh kịch phát trên thất hoặc thất, bệnh nhân có thể cảm thấy đập hoặc rung rất nhanh, đều hoặc không đều. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không thấy biểu hiện gì cả.
- Nếu như nhịp tim bất thường kết hợp giảm đáng kể huyết áp và cung lượng tim, thì nó có thể, đặc biệt là tư thế đứng thẳng, làm ảnh hưởng tới dòng máu lên não, gây choáng váng, mờ mắt, mất ý thức (ngất) hoặc các triệu chứng khác.
- Ngất do tim thường gặp nhất là do ngừng nút xoang hoặc bloc đường ra nút xoang, bloc nhĩ thất, hoặc tim nhanh thất hoặc rung thất. Ngất có thể có một vài dấu hiệu tiền triệu và có thể gây ra chấn thương. Việc không có triệu chứng báo trước giúp phân biệt ngất do tim (cơn Adams - Stokes) với ngất do mạch thần kinh phế vị, hạ huyết áp tư thế hoặc cơn động kinh. Mặc dù thường hồi phục ngay, một số bệnh nhân có thể có những động tác giống như trong cơn động kinh. Bệnh van động mạch chủ và bệnh tim phì đại tắc nghẽn cũng có thể gây ngất và thường xảy ra khi gắng sức hoặc sau gắng sức. Một hình thức ngất khác là chủ đề thu hút sự chú ý đáng kể trong những năm gần đây được gọi là ngất do thần kinh tim. Trong hội chứng này có sự tăng không thích hợp hoạt động phế vị ly tâm, thường do tăng kích thích thần kinh giao cảm của tim trước đó. Song nó có thể xảy ra đột ngột giống hệt như ngất do rối loạn nhịp tim.
Phù thũng
Sự tích lũy dịch dưới da xuất hiện đầu tiên ở chi dưới ở những bệnh nhân đi lại được hoặc ở vùng xương cùng của những người nằm liệt giường. Trong bệnh tim, phù do tăng áp lực nhĩ phải gây ra. Suy tim phải thường nhất là do suy tim trái mặc dù các dấu hiệu của suy tim phải có thể rõ rệt hơn. Các nguyên nhân do suy tim khác của phù gồm bệnh màng ngoài tim, bệnh van tim bên phải và chứng tim phổi mạn. Phù cũng có thể do suy tĩnh mạch, hội chứng thận hư, xơ gan hoặc ứ dịch trước kỳ kinh nguyệt hoặc nó có thể tự phát. Suy tim phải nặng có thể gây ra cổ trướng, và hầu như bao giờ cũng đi kèm với phù.
Đây là những biểu hiện thường gặp của bệnh tim mạch. Khi gặp người bệnh có biểu hiện triệu chứng như trên, bạn cần gọi người giúp đỡ đồng thời gọi cấp cứu 115 để họ xử trí ban đầu và đưa người bệnh tới bệnh viện, nếu không gọi được cấp cứu 115, bạn cần đưa người bệnh tới bệnh viện ngay lập tức, không để người bệnh tự đi khám.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận