Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang khẳng định việc các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong làm tăng dòng chảy và giảm hạn mặn cho vùng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 23-3, lãnh đạo Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang cho biết quá trình vận hành xả nước phát điện từ các hồ đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong ở Trung Quốc gây biến động mực nước ở vùng hạ lưu; hiện tượng này được theo dõi từ số liệu quan trắc mực nước tại trạm thủy văn Chiang Sean (Thái Lan).
Mực nước trạm Chiang Sean từ đầu năm 2022 đến hết ngày 28-2 dao động ở mức thấp hơn năm 2021 và thấp hơn trung bình nhiều năm.
Từ ngày 1-3, mực nước bắt đầu tăng dần và đạt giá trị lớn nhất là 3,73m vào ngày 17-3; mực nước tăng 1,86m sau 17 ngày; so với mực nước năm 2019 cùng thời kỳ, giá trị mực nước cao nhất trong đợt này còn thấp hơn 5cm. Sau đó mực nước giảm dần còn 3,29m vào ngày 21-3 vừa qua.
"Theo kết quả nghiên cứu từ các đợt xả nước thủy điện thượng nguồn đầu năm 2016, thời gian nước chảy truyền từ trạm Chiang Sean về đến trạm Tân Châu (An Giang) trung bình 17 ngày. Như vậy, từ ngày 17-3, đợt xả nước đã bắt đầu làm tăng dòng chảy vào ĐBSCL, tác động tăng nhiều nhất vào ngày 3-4 sau thời gian chảy truyền", lãnh đạo Đài khí tượng thủy văn An Giang thông tin.
Tuy nhiên, với sự gia tăng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong trong mùa khô năm 2022, đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp đối với An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Nói về việc này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL - cho biết các đập thủy điện Mekong đã tích rất nhiều nước trong mùa lũ 2021. Cuối tháng 12-2021, tức đầu mùa khô, tất cả 45 đập thủy điện sông Mekong đều đã gần đầy.
Ông Huỳnh Phú Sĩ, ngụ phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, An Giang, cho biết lượng nước nhiều ngày qua đổ về sông Tiền tăng, giúp người dân có nước tưới tiêu, ngăn hạn mặn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Dù năm 2021 có đủ lượng mưa nhưng mùa lũ không cao vì nước đã bị lấy vào các hồ chứa thủy điện. Mùa khô 2022 này ít hạn mặn vì lượng nước khổng lồ trong các hồ chứa xả ra dần để phát điện.
Tuy nhiên, năm nay là tình huống năm có đủ lượng mưa, còn những năm khô hạn cực đoan như 2016 và 2020 một khi đã thiếu nước trầm trọng thì việc tích nước của các đập sẽ làm tình hình hạn mặn gay gắt trở nên khốc liệt hơn.
"Việc làm giảm dòng chảy lũ, tăng dòng chảy mùa khô một mặt giảm hạn mặn mùa khô cho đồng bằng (trong tình huống những năm đủ nước), nhưng mặt khác dòng chảy mùa lũ bị yếu đi, không còn đủ mạnh để tải cát và phù sa về ĐBSCL. Sạt lở sẽ gia tăng dữ dội ở ĐBSCL trong tương lai. Cát sẽ ngày càng khan hiếm hơn" - ông Thiện nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận