10/01/2019 13:51 GMT+7

Các dạng viêm da dị ứng

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)

Khi có triệu chứng sưng, ngứa, bong vẩy, sẩn đỏ ở da thì có thể nghĩ tới bệnh da dị ứng.

Các dạng viêm da dị ứng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: nationaleczema.org

Khi có triệu chứng sưng, ngứa, bong vẩy, sẩn đỏ ở da thì có thể nghĩ tới bệnh da dị ứng. Dị ứng da có vài dạng khác nhau do các nguyên nhân khác nhau.

Phát ban và phù mạch:

- Phát ban là vùng da nông bị sưng, ngứa, đỏ có thể thay đổi về kích thước, xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Phát ban là do chất histamine – gây nhiều triệu chứng dị ứng trong lớp da trên. Khoảng 25% dân số đã từng có ít nhất 1 lần trong đời bị mề đay. Phổ biến nhất là mề đay cấp và có thể xác định được nguyên nhân như do nhiễm virus, do dị ứng thuốc, do thức ăn hoặc nhựa cao su. Những ban này thường tự mất đi. Một số người bị mề đay mãn tính xuất hiện hầu như hàng ngày kéo dài hàng tháng cho tới hàng năm. Với những trường hợp này, yếu tố như gãi, nén áp lực lên da có thể làm vượng triệu chứng phát ban.

- Phù mạch là sưng lớp da sâu, đôi khi xuất hiện cùng với phát ban. Phù mạch không đỏ, không ngứa, thường xuất hiện ở các mô mềm như mi mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục. Ban và phù mạch có thể xuất hiện cùng nhau hoặc tách biệt trên cơ thể. Phù mạch do phản ứng của các chất hóa học ở lớp da sâu hơn. Những chất này thường được dự trữ trong tế bào mast của cơ thể.

Có thể xác định được một số yếu tố kích thích làm giải phóng histamine và các chất trung gian khác từ các tế bào mast, gây ra phát ban. Ở người lớn, phản ứng với thuốc là nguyên nhân phổ biến của phát ban cấp tính. Ngoài ra phát ban có thể do ăn một số thức ăn như lạc, trứng, tôm cua, đậu tương, lúa mì hoặc sữa. Đến trên 90% mề đay do dị ứng thức ăn. Ở trẻ nhỏ, thức ăn hoặc nhiễm virus có thể kích thích phát ban cấp tính.

- Mề đay do tác động vật lý là ban do nguồn bên ngoài như cọ xát da, lạnh, nóng, hoạt động gắng sức, áp lực hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Những bệnh nhân mề đay mãn thường cho rằng ít nhất một trong số các tác nhân vật lý trên gây ra triệu chứng phát ban của họ.

Điều trị và phòng tránh phát ban phù mạch:

Khi xác định được nguyên nhân gây phát ban thì phải loại bỏ nguyên nhân. Bệnh nhân mề đay cấp do thuốc hoặc thức ăn cần một vài ngày mới đào thải hết nguyên nhân khỏi cơ thể. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ kê thuốc kháng histamine để làm giảm triệu chứng cho tới khi thủ phạm chính bị loại bỏ.

Đối với bệnh nhân mề đay mãn tính, điều trị không thể kiểm soát được sự tái phát ban. Tuy nhiên có thể ban sẽ tự nó biến mất dù có điều trị hay không. Khoảng 50% bệnh nhân sẽ khỏi trong vòng 3-12 tháng; 40% trong vòng 1-5 năm, 1,5% bệnh nhân mề đay mãn có thể kéo dài trên 20 năm.

Viêm da tiếp xúc:

Khi một số chất tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây ban gọi là viêm da tiếp xúc. Phản ứng này có thể do phản ứng dị ứng hoặc không dị ứng. Thường rất khó để phân biệt giữa hai loại phản ứng này. Tiêu chuẩn vàng của viêm da tiếp xúc dị ứng là chỉ xảy ra ở những nơi có tác nhân thủ phạm, ví dụ hóa chất tiếp xúc với da.

Viêm da tiếp xúc kích thích thường đau nhiều hơn ngứa do tác nhân phá hỏng da khi tiếp xúc. Thời gian tiếp xúc càng nhiều, nồng độ chất càng cao thì mức độ phản ứng càng nặng. Xà phòng và thuốc tẩy là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm da tiếp xúc.

Điều trị viêm da tiếp xúc kích thích:

- Tránh không tiếp xúc với tác nhân gây ra phản ứng.

- Điều trị triệu chứng và ngăn ngừa sự phá hủy lâu dài làm tổn thương da.

Viêm da tiếp xúc dị ứng có triệu chứng đỏ, ngứa, mụn nước, mà hầu như nhiều người mắc sau khi chạm vào cây họ lá han, cây sơn độc. Phản ứng dị ứng này do một chất trong cây gây ra gọi là urushiol. Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể xuất hiện trong khoảng 24-48 giờ sau tiếp xúc. Thời gian để hồi phục da sau viêm là 14-28 ngày kể cả có được điều trị. Tác nhân khác gây viêm da tiếp xúc có thể nikel, nước hoa, thuốc nhuộm, sản phẩm cao su và mỹ phẩm. Một số thuốc bôi ngoài da cũng có thể gây dị ứng như thuốc neomycin, thành phần trong kem kháng sinh.

Điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng:

- Phụ thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng.

- Nhúng lạnh và nén có thể giảm các triệu chứng ngứa cấp, sớm của giai đoạn ban mụn nước. Nếu ban chỉ giới hạn ở vùng da nhỏ, có thể được dùng kem corticoid tại chỗ để giảm triệu chứng.

- Nếu ban chiếm diện tích lớn thì dùng corticoid dạng uống. Dùng thuốc uống liên tục trong suốt quá trình phản ứng (12-28 ngày) là cần thiết để ngăn ngừa phản ứng tái phát.

- Đặc biệt phải tránh tiếp xúc với nguyên nhân.

- Nếu trong trường hợp bệnh nhân không thể xác định được chất gây ra phản ứng, bác sĩ dị ứng có thể tiến hành các test áp da để giúp xác định nguyên nhân.

Viêm da dị ứng/Eczema

- Là phản ứng dị ứng, thướng xuất hiện ở các vị trí như mặt, khuỷu tay và đầu gối. Ban đỏ, ngứa, có vẩy thường thấy ở trẻ nhỏ, nhưng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn hơn ở những người có tiền sử gia đình bị dị ứng. Eczema có thể có lúc rỉ nước, có lúc rất khô. Bác sĩ chẩn đoán viêm da dị ứng dựa vào 3 yếu tố: Ngứa, dát khô sần của chàm, cơ địa dị ứng.

- Xác định nguyên nhân ngứa rất cần thiết trong việc kiểm soát triệu chứng. Tác nhân kích thích thông thường bao gồm quá nóng, hoặc quá ướt, tiếp xúc với chất kích thích như gỗ, vật nuôi, xà phòng. Ở người lớn, stress cảm xúc có thể gây bùng phát bệnh. Trẻ nhỏ, thức ăn có thể là nguyên nhân phát triển eczema. Ngoài ra, nhiễm tụ cầu thứ phát có thể gây ra bùng phát bệnh ở trẻ nhỏ. Bệnh nhân thường có da rất khô và "quầng thâm dị ứng" chéo qua mi mắt dưới. Người viêm da dị ứng có thể nhạy cảm với nhiễm trùng da khác.

Điều trị Eczema

- Ngăn ngừa ngứa là mục tiêu điều trị đầu tiên của eczema. Đắp miếng gạc lạnh và bôi da khô bằng kem hoặc dầu, đặc biệt trong mùa khô.

- Loại bỏ tất cả các kích thích làm tăng tình trạng bệnh. Nếu thức ăn được xác định là thủ phạm chính, phải kiêng tuyệt đối trong chế độ ăn.

- Thuốc corticosteroid dạng kem bôi có hiệu quả nhất trong điều trị eczema. Trong những trường hợp nặng có thể thêm kháng histamine/corticosteroid uống. Nếu nhiễm khuẩn thứ phát, dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ miễn dịch – dị ứng?

- Cần để xác định chẩn đoán viêm da dị ứng hoặc viêm da tiếp xúc ở bệnh nhân bị viêm da.

- Cần để xác định nguồn gốc của viêm da tiếp xúc.

- Bệnh viêm da dị ứng mà đáp ứng kém với điều trị.

- Xác định vai trò của dị ứng với mạt nhà ở bệnh nhân viêm da dị ứng.

- Cần xác định vai trò của dị ứng thức ăn ở bệnh nhân viêm da cơ địa./.


Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên