Số lượng này thấp hơn đến 20% số du học sinh đến Úc trong cao điểm gần đây. Theo Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare, quy định mới nhằm đưa số lượng du học sinh đến Úc trở về mức trước đại dịch COVID-19.
Trong "miếng bánh" quy mô 270.000 này, mỗi trường đại học, cao đẳng sẽ được phân bổ một phần nhất định, dựa trên một phương pháp phức tạp chưa được công bố.
Tuy nhiên, tin bên lề cho rằng các trường đại học ở những đô thị lớn sẽ được phân bổ ít hơn mức hiện tại, bất lợi hơn so với các trường vùng thưa dân hơn.
Theo Bộ trưởng Jason Clare, cách làm này sẽ tạo ra sự phân bổ "công bằng hơn", thứ nhất giảm áp lực người nhập cư cho các đô thị và chuyển về vùng thưa dân, thứ hai sẽ giúp các trường đại học ít nổi tiếng hơn có cơ hội tiếp cận với nhiều sinh viên quốc tế hơn.
Nhóm đại học G8 ở Úc - nhóm 8 trường đại học nghiên cứu top đầu của Úc, bao gồm Đại học Quốc gia Úc, Adelaide, Melbourne, Sydney, Monash, Western Australia, Queensland, New South Wales - phản đối kịch liệt nhất do dự báo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do áp trần.
Nhóm này đã đệ trình một cuộc điều tra Quốc hội về các kế hoạch của Chính phủ vừa qua, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ rằng giới hạn này đi theo "chế độ chỉ huy và kiểm soát" và "sẽ không hiệu quả".
Andrew Norton - chuyên gia giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia Úc - nhìn nhận phần đông sinh viên quốc tế khi chọn học tại Úc đều muốn học tại các thành phố lớn vì năng động hơn và đặc biệt dễ xin việc hơn.
Do vậy, nếu không còn cửa vào các đại học đã bị áp trần, họ cũng sẽ chọn học tại một trường đại học khác ở thành phố lớn.
Ngoài ra theo ông, du học sinh hiện có quá nhiều lựa chọn. Nếu không học ở Úc, họ có thể học ở nước khác.
Chuyên gia Norton cũng cho rằng một điểm bất hợp lý khác nằm ở chỗ chỉ tiêu phân bổ du học sinh giữa các trường đại học… theo quan điểm của một chính trị gia hoặc quan chức ở Úc, thay vì dựa trên khảo sát của sinh viên.
"Điều này sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của các trường đại học và nước Úc nói chung", ông nói.
Theo số liệu của ABS, giáo dục quốc tế là một trong những "mặt hàng" xuất khẩu lớn nhất của Úc, tổng giá trị lên đến 48 tỉ USD vào năm 2023, tương đương khoảng một nửa giá trị xuất khẩu than và 1/3 giá trị xuất khẩu quặng sắt.
Con số này bao gồm học phí và số tiền sinh viên chi tiêu khi ở trong nước, không bao gồm đóng góp của sinh viên quốc tế vào thị trường lao động hoặc các khoản thuế họ phải trả.
Các số liệu do ngành đưa ra trước thông báo tuần này cảnh báo mức trần có thể sẽ làm Úc thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm. Hàng chục nghìn việc làm liên quan đến du học sinh tại Úc cũng có thể sẽ biến mất, tương đương 1/4 triệu người.
Theo ABC, hậu quả "lan tỏa" có thể sẽ rộng hơn nếu khả năng tài chính của ngành bị suy giảm, bao gồm các mối đe dọa đối với chất lượng giảng dạy và kết quả nghiên cứu của ngành, cả hai đều gây hậu quả kinh tế đối với trình độ kỹ năng của lực lượng lao động Úc và năng suất.
Giáo sư Duncan Maskell từ Đại học Melbourne cáo buộc chính phủ đã phớt lờ những lo ngại đó. Theo ông, trong khi chưa có các kế hoạch hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu từ Chính phủ, thiếu hụt nguồn sinh viên quốc tế ở các trường đại học lớn sẽ là khó khăn rất lớn để đảm bảo chất lượng.
Trường nào 'hưởng lợi' nhờ áp trần du học sinh?
Trong khi đó, một số trường đại học không thuộc các thành phố trung tâm đã hoan nghênh quy định mới của Chính phủ. Đây là các trường có thể được hưởng lợi vì mức trần khá "lạc quan" được phân bổ cho trường mình.
Các trường ủng hộ có thể để kến như Đại học Tasmania, Wollongong và Newcastle. Phó hiệu trưởng Đại học Tasmania Rufus Black cho rằng quy định mới rất "hợp lý" và "rõ ràng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận