31/07/2017 16:33 GMT+7

Các cô tóc vàng bị ép bán dâm ở Thái Lan ra sao?

MY HÀ
MY HÀ

TTO - Câu chuyện của một phụ nữ Uzbekistan bị buôn sang Thái Lan làm gái mại dâm được chia sẻ trên đài Al Jazzera hé lộ nhiều góc tối của nạn buôn người xuyên quốc gia tại Thái Lan.

Một phố đèn đỏ ở Thái Lan - Ảnh: Al Jazeera
Một phố đèn đỏ ở Thái Lan - Ảnh: Al Jazeera

Mặc dù đang là một vấn đề nhức nhối, nhưng chính quyền Thái Lan dường như chưa có cách giải quyết triệt để. Các nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý và thể xác còn thủ phạm không bị xử phạt mạnh tay.

Bị dụ vì việc dễ, lương cao

Umida (tên nhân vật đã được thay đổi), một phụ nữ 36 tuổi người Uzbekistan, vẫn ám ảnh về câu chuyện bị bán sang Thái Lan cách đây tám năm. Đó là những ngày tháng khổ sở nhất cuộc đời cô: không được ở bên gia đình, không được ăn, và bị ép trở thành gái bán dâm.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, mất mẹ từ khi còn nhỏ. Thu nhập của cha cô không bao giờ đủ cho nhu cầu cơ bản nhất của cô và bốn anh em. Nghèo khó là câu chuyện chung của nhiều gia đình Uzbekistan từ khi độc lập vào năm 1991 khiến nhiều người rơi vào tay của buôn người.

Câu chuyện bắt đầu khi Umida, khi đó 28 tuổi, gặp một người phụ nữ Uzbekistan khác và được hứa hẹn cho một công việc có thu nhập ổn định. Với mong muốn lo liệu cho con trai sáu tuổi của mình, Umida đã gật đầu đồng ý đến thủ đô Thái Lan để kiếm sống.

Tuy nhiên, giấc mơ của Umida tan thành mây khói ngay khi cô đặt chân đến Bangkok. Toàn bộ giấy tờ tùy thân của cô đã bị người phụ nữ đồng hương tiêu hủy khiến cô không còn đường quay trở về quê, về với gia đình.

Umida nhanh chóng nhận ra mình bị lừa. Người phụ nữ lạ mặt hiện nguyên hình là một kẻ buôn người chuyên ép những cô gái trẻ trở thành gái bán dâm trên đường phố Bangkok.

“Bà ta không cho tôi thức ăn hay tiền bạc. Mỗi ngày tôi chỉ được đi ra ngoài để làm việc mà thôi” - Umida nhớ lại những ngày tháng trống rỗng với mỗi mong ước trở về với gia đình.

Cuộc đào thoát bất thành

Sau vài tháng, cơ hội trốn thoát đã đến với Umida khi cô thuyết phục được một khách hàng tốt tính cho cô tiền để trở về với con trai.

“Anh ta cho tôi rất nhiều tiền nên tôi đã mua một vài thứ cho con trai và vé máy bay trở về nhà” -Umida chia sẻ với đài Al Jazeera. Cô bí mật đến đại sứ quán Uzbekistan tại Bangkok để làm thủ tục giấy tờ trở về nhà và mừng rỡ khi nghĩ rằng mình sẽ sớm được về bên gia đình.

Tuy nhiên cơ hội của cô không thành khi mụ tú bà chặn cô tại sân bay. Umida hoảng sợ và bất lực trước những lời đe dọa và chỉ biết quay lại để tiếp tục bán dâm.

Cô quay về với cuộc sống thường ngày: làm việc với đồng tiền ít ỏi, sống trong căn hộ không chỗ tắm.

Tôi đói. Trước khi đi khách tôi mới được cho ăn và uống. Sau đó khách và tôi sẽ đến khách sạn hay căn hộ nào đó
Nạn nhân Umida kể lại về những ngày tháng sau khi bị bắt gặp tại sân bay

Năm tháng trôi qua, một cơ hội trốn thoát khác của Umida lại xuất hiện. Trong một đêm Umida đi khách tại khách sạn trong phố đèn đỏ của Bangkok, cô Emily Chalke, làm việc cho tổ chức chuyên giúp đỡ những nạn nhân của nạn bán dâm Nightlife International, đã đến gặp Umida.

Lúc này, Umida được mọi cô gái khác trong đường dây biết đến như “cô gái đang gặp phải rắc rối”.

Chalke kể về cuộc gặp gỡ với Umida trên Al Jazeera: “Khi tôi gặp cô ấy, cô ấy tỏ ra rất tức giận, vô cùng tức giận vì đã mất mát quá nhiều. Cô ấy chỉ có vài bộ quần áo và cuốn sổ ghi chép số tiền cô đã trả cho bọn buôn người, tổng cộng hơn 10.000 USD vào thời điểm đó".

Nightlife International đã hỗ trợ sắp xếp cho Umida trở về nhà và tố cáo kẻ buôn người cho cảnh sát Thái Lan. Umida đã được đoàn tụ với con trai từ tháng 10-2009.

Trên phố đi bộ nóng bỏng ở Pattaya - Ảnh: GSR
Trên phố đi bộ nóng bỏng ở Pattaya - Ảnh: GSR

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân

Câu chuyện của Umida chỉ là một câu chuyện điển hình của hơn 11 triệu người đã bị rơi vào đường dây buôn người để ép bán dâm.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hằng năm có 21 triệu người là nạn nhân của nạn buôn người, trong đó 71% là phụ nữ và các em gái nhỏ tuổi, 29% là đàn ông và cậu bé nhỏ tuổi.

Hơn một nửa số nạn nhân (54%) bị ép bán dâm, 38% bị buộc lao động nặng nhọc và 8% còn lại bị buộc làm những công việc khác, bao gồm bán nội tạng.

Ước tính hằng năm, những kẻ buôn người thu khoản lợi nhuận khổng lồ lên đến 150 tỉ USD.

Theo nhà hoạt động Dana Graber Ladek, nhiều người vẫn nghĩ nạn buôn người chỉ gói gọn trong những đường dây buôn bán phụ nữ vào con đường mại dâm nhưng thực ra “nam giới, phụ nữ và trẻ con tất cả đều gặp nguy hiểm”.

"Nạn buôn người không phải xảy ra ở một nơi nào khác của xã hội, nó là một phần của thực tế tế cuộc sống mỗi ngày" - bà Ladek viết trên báo Bangkok Post.

Số liệu cho thấy khu vực Đông Nam Á đang là điểm nóng của nạn buôn người, chiếm 1/4 số trường hợp buôn người xuyên biên giới trên toàn cầu.

Riêng tại Thái Lan, Bộ Y tế thống kê có hơn 120.000 người làm việc trong lĩnh vực bán dâm. Một số bán dâm vì không còn biết kiếm tiền bằng cách khác, số khác bị ép vào công việc này, và một số người bị buôn sang Thái Lan từ các nước.

Nạn buôn người bán dâm cần được giải quyết. Bà Anne Dieselberg, người sáng lập và giám đốc điều hành của Nightlife International, nhận định: “Mặc dù quân đội Thái Lan cố gắng giải quyết nạn buôn người, nhưng thường họ chỉ chú ý đến những nhóm người bị cưỡng bức lao động như nô lệ”.

Tướng Manas Kongpan (giữa) bị tình nghi là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới buôn người tại Thái Lan vừa phải ra tòa hôm 17-7 - Ảnh: REUTERS
Tướng Manas Kongpan (giữa) bị tình nghi là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới buôn người tại Thái Lan vừa phải ra tòa hôm 17-7 - Ảnh: REUTERS

Những đường dây bán dâm thường chỉ bao gồm một đến năm nạn nhân, khá nhỏ so với những nhóm nạn nhân bị ép lao động như nô lệ đông hơn nhiều. Chính vì vậy mà các tổ chức xã hội thường tập trung vào các nhóm lớn để có thể giải cứu được nhiều người hơn.

Bên cạnh đó, chưa có nhiều nạn nhân của nạn buôn người chịu đứng ra tòa làm chứng chống lại những kẻ buôn người. Trong số khoảng 100 nạn nhân mà tổ chức Nightlife International đã giúp đỡ, chỉ có ba người đồng ý làm chứng.

Trong đó hai vụ việc được đưa ra tòa, bao gồm vụ của Umida, nhưng chưa trường hợp nào bị xử phạt thích đáng, bởi những tay buôn người chỉ cần đóng một khoản phí phạt và sau đó được tự do.

“Tôi buộc phải ra tòa một lần. Tôi rất sợ gặp lại người đàn bà xấu xa đó” - Umida kể mà còn run

MY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên