Ngày 5-6, ông Nguyễn Tiện, một người dân sống tại thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh), cho biết các cơ sở chế biến mực xà đa phần nằm trong khu dân cư và ven biển Đề Gi. Vì chưa xây dựng bể chứa nên nước thải xả thẳng ra biển thông qua các đường ống nhựa được đấu nối sẵn, nước thải cứ bốc mùi và phát tán rộng ra.
"Mỗi năm, cứ đến thời điểm này người dân sống xung quanh phải cam chịu, sống chung với mùi hôi thối này kéo dài trong nhiều tháng liền. Người dân đã phản ánh tình trạng này lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết. Nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý việc sơ chế mực xà gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân", ông Tiện nói.
Người dân chế biến phơi mực sát biển Đề Gi - Ảnh: PHAN HIẾU
Không những môi trường biển tại Đề Gi đang ô nhiễm từ nghề sơ chế mực xà mà còn bị "tra tấn" từ việc xả nước thải trực tiếp của một số hộ dân nuôi tôm trên cát tại bãi tắm của khu biển này.
Các hộ nuôi tôm đã dùng ống nhựa nối vào hồ nuôi để xả thải trực tiếp ra biển. Những ống nhựa này được lắp đặt bằng phương pháp thủ công đơn giản, lộ thiên, rất dễ nhìn thấy.
Ông nhựa nối vào hồ nuôi để xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường biển Đề Gi - Ảnh: PHAN HIẾU
Ông Nguyễn Trung Kiên - chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cho biết trên địa bàn xã Cát Khánh hiện có 25 hộ ở 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây (sống ven biển Đề Gi) đang làm nghề sơ chế mực xà với lượng nhân công khoảng 5-8 người/cơ sở, mỗi ngày một cơ sở chế biến khoảng 1-2 tạ mực tươi.
Qua kiểm tra, nhiều cơ sở sơ chế mực xà không có hệ thống xử lý nước thải, trên địa bàn chưa có hệ thống thu gom chất thải (nước rửa, túi mực, ruột mực).
Bên cạnh đó, mực tươi được phơi ven đầm và trong khu dân cư với số lượng lớn làm phát tán mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt người dân.
Người dân chế biến, phơi mực xà tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát - Ảnh: THÁI THỊNH
Ông Đỗ Văn Ngộ - phó bí thư thường trực Huyện ủy Phù Cát - cũng cho biết huyện đã đề nghị Ban quản lý cảng cá Bình Định không tiếp nhận các phương tiên chở mực xà không rõ nguồn gốc nhập vào cảng cá Đề Gi, các ngành chức năng của huyện đã làm việc với các hộ dân sơ chế mực xà để khảo sát nhu cầu chuyển đồi nghề.
"Huyện cũng kiến nghị tỉnh chỉ đạo xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp chế biến thuỷ sản Cát Khánh sớm hoàn thành để di dời các cơ sở chế biến thuỷ sản vào cụm công nghiệp, nhằm góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường", ông Ngộ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận