30/09/2020 18:00 GMT+7

Các chuyên gia hướng dẫn sử dụng gas đảm bảo an toàn

T.D.V
T.D.V

Bếp gas là thiết bị nhà bếp quen thuộc, được các gia đình sử dụng hằng ngày để đun nấu. Cũng bởi quá quen thuộc nên đa số người dùng thường chủ quan và sử dụng bếp theo cảm tính thay vì đọc kỹ hướng dẫn từ nhà sản xuất.

Đã có không ít sự cố cháy nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng đến của cải và tính mạng con người.

Các chuyên gia hướng dẫn sử dụng gas đảm bảo an toàn - Ảnh 1.

Chương trình An toàn phòng cháy chữa cháy do Đài PT-TH Hà Nội sản xuất và phát sóng - Ảnh: P.Q.

Chương trình "An toàn phòng cháy chữa cháy" do Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan và sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) sản xuất và phát sóng trên kênh 1 đang dần thu hút được sự quan tâm của khán giả xem truyền hình.

Theo chuyên gia của chương trình, các vụ nổ khí gas tại gia đình thường xảy ra khi:

- Dây dẫn nối bình gas với bếp được xem là nguyên nhân dễ gây ra cháy nổ gas nhất. Làm từ chất liệu cao su, dây dẫn có thể bị rò rỉ sau một thời gian sử dụng lâu, hoặc do bị gập xoắn, dầu mỡ rơi bắn vào, chuột cắn... Để đảm bảo an toàn, nên mua dây dẫn chính hãng. Kiểm tra dây thường xuyên, tránh để dây gập, xoắn, thay mới theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Gioăng van không kín, van hỏng, lỏng; các mối nối giữa dây dẫn với bình gas và bếp lỏng lẻo cũng là nguyên nhân gây rò rỉ gas. Trong trường hợp này cần phải kiểm tra chỗ nối van điều áp và bình hay van với ống dẫn bằng cách thử bằng bọt xà phòng; thay van mới nếu nó đã cũ, hỏng và xiết chặt các mối nối để đảm bảo an toàn.

- Không khóa gas sau khi đun nấu hoặc khóa sai quy trình. Nhiều bà nội trợ tắt bếp rồi mới khóa van bình gas, mà không biết gas vẫn còn trong đường ống dẫn. Cũng có những trường hợp chỉ khóa bình gas mà không tắt bếp dẫn tới gas khóa chưa kỹ bị rò rỉ ra ngoài... Quy trình đúng là khóa van bình lại, sau đó chờ lửa đốt hết phần gas còn trong ống dẫn rồi tắt bếp về đúng vị trí.

- Vô ý khi đun nấu: Đun nấu bằng bếp gas nên tránh gió thổi trực tiếp vào bếp. Không để giấy tờ, giẻ bắc nồi, chai nhựa cạnh bếp để tránh bị bắt lửa. Tuyệt đối không để thuốc diệt côn trùng gần ngọn lửa, không được xịt thuốc dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy. Một lỗi bất cẩn từ người sử dụng nữa là để không chú ý đến bếp khi đun nấu. Nhiều trường hợp quên bếp đang đun, dẫn đến nồi bị cháy khét, để gió tạt hoặc nước trào xuống bếp gây tắt lửa, trong khi gas vẫn bơm ra liên tục mà không được đốt cháy.

- Bình gas, bếp gas cũ, kém chất lượng: Việc nổ gas do bình hiếm xảy ra, trừ trường hợp bình gas bị sang chiết trái phép, không đảm bảo chất lượng, bình đã quá hạn sử dụng nhưng không được thu hồi về nhà sản xuất mà vẫn quay vòng. Nổ gas do bếp cũng ít xảy ra, nhưng việc đun nấu bằng các bếp đã cũ, hoen gỉ, bếp để bẩn, mâm chia lửa sai khớp... cũng dễ dẫn đến rò rỉ gas, gây nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, người dân nên mua bình gas, bếp gas mới của các thương hiệu; vệ sinh bếp gas sạch sẽ, thường xuyên sẽ giúp tiết kiệm gas và phát hiện các trục trặc nếu có.

Các chuyên gia hướng dẫn sử dụng gas đảm bảo an toàn - Ảnh 2.

Chuyên gia hướng dẫn sử dụng gas an toàn - Ảnh: P.Q

Hãy chia sẻ những kiến thức này cho người thân trong gia đình để sử dụng gas và bếp gas an toàn; thường xuyên đón xem chương trình "An toàn phòng cháy chữa cháy" vào lúc 7h20 thứ bày hàng tuần và phát lại vào 14h15 thứ ba và 07h40 thứ tư tuần kế tiếp trên kênh 1 - Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội với sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) để cập nhật cùng chúng tôi những tin tức và nâng cao kỹ năng trong công tác phòng cháy chữa cháy.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên