Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ảnh: Quochoi.vn
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online ngày 12-10, đại biểu Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc ban hành văn bản thay thế các chỉ thị nêu trên là cấp thiết.
Địa phương áp dụng tùy nghi, hậu quả rất lớn
- Tôi cho rằng Chính phủ đã phản ứng rất nhanh trước tình hình dịch bệnh đầu năm 2020. Dựa trên tình hình thực tế thời điểm đó, Thủ tướng đã ban hành các chỉ thị số 15, 16 và 19 để quy định về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Do tình hình cấp bách, chỉ thị của Thủ tướng đã được ban hành trước khi thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, điều này là chưa phù hợp với Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Về mặt thẩm quyền thì Thủ tướng ban hành chỉ thị 15 là không sai, nhưng luật quy định phải thành lập ban chỉ đạo, sau đó ban chỉ đạo có thẩm quyền quyết định các biện pháp phòng, chống dịch.
Cũng phải nói rằng, COVID-19 là một đại dịch chưa có tiền lệ, bùng phát trên khắp thế giới, để lại ảnh hưởng nặng nề, nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế, y tế hơn chúng ta cũng lúng túng trong đối phó. Ba chỉ thị nêu trên đã giúp chúng ta ứng phó rất tốt, có hiệu quả với 3 làn sóng dịch tấn công Việt Nam.
Nhưng đến làn sóng thứ 4, khi biến chủng Delta với đặc điểm là lây lan rất nhanh, đa số người nhiễm bệnh không có triệu chứng, độc lực lớn, thì việc áp dụng các biện pháp cũ đã cho thấy những bất cập, cần phải điều chỉnh.
* Đâu là bất cập lớn nhất khi chúng ta kéo dài việc thực hiện các chỉ thị 15, 16 và 19, thưa ông?
- Điều chúng ta thấy rõ nhất thời gian qua là vấn đề thẩm quyền của chính quyền các địa phương trong việc áp dụng các biện pháp phòng dịch, nhất là khi họ tuyên bố thực hiện chỉ thị 15, 16 nhưng lại tùy nghi đặt thêm một số quy định.
Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 15, 16 nhưng khi áp dụng thì một số địa phương lại tuyên bố là áp dụng "cao hơn chỉ thị 15", rồi "cao hơn chỉ thị 16" trên địa bàn của họ mà không biết là có được sự chuẩn thuận của Ban Chỉ đạo quốc gia hay không.
Căn cứ vào Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, UBND các cấp không được đề ra các biện pháp cực đoan như vừa rồi chúng ta chứng kiến là tự ngăn sông cấm chợ, tự đặt ra các điều kiện riêng như là cấp giấy thông hành để hạn chế đi lại của người dân, hay tréo ngoe là Bộ Giao thông vận tải phải đi xin ý kiến các địa phương về việc cho máy bay lưu thông, trong khi đây là thẩm quyền của Chính phủ.
Bất cập cũng dễ thấy nữa là nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức không đúng với quy định chung, chủ trương chung, khi thực hiện thì vô cảm, làm sai khiến dư luận bức xúc.
Ví dụ như chuyện "bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu"; chuyện phá cửa xông vào nhà, cưỡng ép phụ nữ buộc phải lấy mẫu xét nghiệm; chuyện một bí thư cấp huyện tuyên bố là trong tình hình dịch bệnh thì luật pháp không thể áp dụng bình thường; vừa mới đây là tiêu hủy đàn chó… Một số cuộc vi hành hoặc kiểm tra nhanh của Thủ tướng cũng cho thấy một số cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp phường lơ là, thiếu trách nhiệm, không nắm rõ vấn đề.
Một vấn đề lớn nữa là các chỉ thị nêu trên được ban hành với tinh thần thực hiện "mục tiêu kép", nhưng với làn sóng thứ 4 rất khủng khiếp thì không còn phù hợp nữa, có giai đoạn chúng ta phải hy sinh phát triển kinh tế để tập trung dồn toàn lực chống dịch. Và sau một thời gian dài chống dịch, nhu cầu mở lại nền kinh tế trở nên cấp bách bởi cứ đóng mãi thì kinh tế nguy to.
Đó là những lý do hiện đang đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành văn bản quy định mới để phòng chống dịch, thay thế cho các chỉ thị nêu trên.
Nỗ lực tiêm bao phủ vắc xin sẽ đưa chúng ta trở lại cuộc sống bình thường mới - Ảnh: NAM TRẦN
Phải chấp nhận không thể zero COVID
* Vậy theo ông, văn bản quy định mới thay thế cho các chỉ thị 15, 16, 19 phải đáp ứng những yêu cầu nào để phù hợp thực tế?
- Cơ sở đầu tiên là nhìn vào thực tiễn. Hội nghị Trung ương vừa qua cũng đã kết luận là chúng ta phải chống dịch với nhận thức mới, trong đó thích ứng an toàn, linh hoạt và phải chấp nhận không thể đạt được "zero COVID".
Các chỉ thị nêu trên được Thủ tướng ban hành khi chúng ta mong muốn cuộc sống "zero COVID" thì cái này thế giới và chúng ta đã nhận thức là không thể đạt được. Hơn nữa thời điểm ban hành các chỉ thị 15, 16, 19 thì chưa có vắc xin, trong khi hiện nay chúng ta đã chích ngừa vắc xin cho đa số dân tại khu vực Đông Nam Bộ, Hà Nội và các khu vực đông dân cư khác.
Tình hình mới, tư duy mới cho chúng ta nhận thức rằng không thể chống dịch kiểu mỗi gia đình là một pháo đài, nhà cách ly với nhà, thôn cách ly với thôn, phố cách ly với phố, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh được nữa…
Chúng ta cũng đã tự rút ra được nhiều bài học về phương pháp chống dịch cho chính mình và các bài học trên thế giới, hiện nay nhiều nơi họ phủ vắc xin xong thì cuộc sống đã dần trở lại bình thường, có một số yêu cầu vệ sinh phòng dịch được đặt ra với người dân chứ không ngăn sông cấm chợ nữa.
* Chúng ta cũng đã nhìn thấy rõ hiệu quả việc bao phủ vắc xin trên các địa bàn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, trong phòng chống dịch. Đây là cơ sở quan trọng để thay đổi nhận thức?
- Đúng như vậy. Và chúng ta đã thấy rõ rằng số ca lây nhiễm, số tử vong đang giảm nhanh trong thời gian gần đây. Có lẽ là bắt nguồn trước hết từ hiệu quả của vắc xin.
Thứ hai là chúng ta đã điều chỉnh các biện pháp cách ly, giúp giảm tải cho các khu cách ly tập trung, nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Đây là vấn đề cần đặc biệt chú ý, bởi vì khi chúng ta nới lỏng giãn cách, giảm áp dụng các biện pháp cách ly tập trung thì số ca nhiễm và tử vong lại giảm.
Chúng ta cũng đã áp dụng các cách thức có hiệu quả khác như phân tầng điều trị, đưa y tế về với cơ sở, về gần nhất với người bệnh, điều trị tại nhà.
Phải chấm dứt bằng được tình trạng địa phương cát cứ
Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và sự thông suốt của bộ máy hành chính, tôi đề nghị trong văn bản quy định mới, Chính phủ phải thực hiện nghiêm minh, chấm dứt bằng được tình trạng cát cứ, lộng hành, tự đặt ra quy định riêng của địa phương.
Các trường hợp vi phạm quy định chung phải bị kỷ luật, cán bộ yếu kém, vô cảm phải bị xử lý như điều chuyển công tác, cách chức khi phát hiện sai phạm. Đây là tình trạng cần chấn chỉnh quyết liệt, là điều rất đáng nói, bởi không có quốc gia nào mà mệnh lệnh từ cấp trên lại bị cắt khúc, không thực hiện nghiêm như vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận