Nhiều người tự dùng collagen để chống lão hóa hỗ trợ xương khớp - Ảnh: Hoài Linh |
Trong điều trị bệnh thoái hóa khớp (còn gọi là viêm xương khớp) thường dùng thuốc cơ bản để chống viêm giảm đau như dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là Diclofenac, Ibuprofen, Meloxicam, Celecoxib... Thuốc NSAID có tác dụng chống viêm giảm đau tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ có hại, đặc biệt là đau dạ dày, làm cho loét, thậm chí gây xuất huyết tiêu hóa. Hiện nay, ngoài NSAID người ta còn dùng thuốc có tác dụng phụ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển hóa tổng hợp nên thành phần của sụn khớp, giúp sụn khớp giảm sự thoái hóa hoặc giúp giảm khô khớp.
Đừng xem quảng cáo trên các phương tiện truyền thông hoặc nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc hoặc chế phẩm nào đó ngoài các thuốc mà bác sĩ đã chỉ định dùng |
Các loại chế phẩm hỗ trợ
Một trong các loại thuốc hỗ trợ là chế phẩm có chứa glucosamin. Glucosamin thực chất là hợp chất được điều chế từ chitin, chitosan có từ vỏ tôm, vỏ cua nên được xem là hợp chất thiên nhiên.
Ở nước ta, có một số ít chế phẩm chứa glucosamin đăng ký là thuốc, còn đa số lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng (TPCN).
Đặc biệt, có nhiều TPCN kết hợp glucosamin với sản phẩm khác như glucosamin kết hợp với chondroitin. Chondroitin cũng là hợp chất thiên nhiên vì đa số là chất ly trích từ sụn như sụn vi cá mập. Hoặc chế phẩm glucosamin + chondroitin kết hợp thêm MSD. MSD (viết tắt của methyl sulfonyl methane) là chất chứa lưu huỳnh được cho là làm tăng hiệu quả của glucosamin và chondroitin, đồng thời làm tăng khả năng cung cấp máu cho các mô, nhằm hỗ trợ tốt hơn sự cải thiện chức năng khớp.
Xin được nhấn mạnh glucosamin hoặc các chế phẩm kết hợp chỉ có tác dụng phụ trợ chứ một mình nó khó lòng điều trị hết bệnh viêm xương khớp.
Đặc biệt, cũng xuất phát từ hợp chất thiên nhiên, chất gọi là collagen được dùng hỗ trợ trị viêm xương khớp. Collagen thực chất là một protein (tức chất đạm) dạng sợi có ở mô liên kết của các động vật có vú.
Ở người, collagen chiếm đến hơn 25% tổng lượng protein có trong cơ thể. Chức năng của nó là kết nối các mô trong cơ thể với nhau, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc làm các vết thương mau lành. Người ta dùng collagen trong hỗ trợ chữa trị viêm xương khớp, thậm chí dùng để phòng ngừa thoái hóa sụn khớp vì trong cấu tạo sụn khớp có thành phần là collagen hiện diện dưới dạng sợi giúp sự đàn hồi.
Trong thoái hóa khớp có sự thoái hóa lưới collagen do collagen sợi tạo thành. Vì vậy, nếu bổ sung collagen được bào chế thích hợp có thể hỗ trợ, cải thiện thoái hóa khớp.
Gần đây, từ sụn của xương ức gà, người ta đã sản xuất collagen, đặc biệt là collagen type 2 không biến tính (undenatured type II collagen, viết tắt là UC-II). Gọi là không biến tính vì collagen UC-II khi uống hấp thu vào trong cơ thể vẫn mang cấu trúc của glycoprotein bậc 3, 4 dễ tạo thành sợi trở lại và được cho là có lợi cho hoạt động khớp.
Cần lưu ý các sản phẩm kể ở trên “phụ trợ” chứ không dùng đơn thuần trị hoặc thay thế thuốc trị viêm xương khớp. Nếu chúng được công bố là TPCN, theo quy định của ngành y tế, trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.
Thuốc được chỉ định
Có một chất được dùng làm thuốc và được bác sĩ tiêm trực tiếp vào khớp là acid hyaluronic. Acid hyaluronic là hợp chất có trong cơ thể, có tác dụng làm tăng độ nhầy tự nhiên cho khớp, ức chế quá trình thoái hóa sụn, tức giúp khớp không bị khô.
Ở khớp thoái hóa, nồng độ acid hyaluronic giảm rõ rệt làm cho sự nuôi dưỡng sụn kém đi, và độ nhớt của dịch khớp cũng giảm theo. Vì vậy, bổ sung acid hyaluronic cho dịch khớp là một trong những liệu pháp có thể dùng nhưng tuyệt đối phải được bác sĩ chỉ định và trực tiếp tiêm vào khớp khi thật cần thiết. Người bệnh không tự ý dùng vì có thể bị nguy hiểm.
Lưu ý cho người bị đau và sưng ở các khớp và nghi ngờ mình bị viêm xương khớp:
- Tốt nhất nên đến bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám. Bác sĩ khám trực tiếp, xác định nguyên nhân sẽ cho hướng điều trị thích hợp bởi có hơn 100 loại bệnh cơ xương khớp, chỉ có bác sĩ thăm khám trực tiếp mới xác định được bệnh để không có sự nhầm lẫn (nếu không phải bị bệnh viêm xương khớp mà là bệnh viêm đa khớp dạng thấp thì cách chữa trị hoàn toàn khác).
- Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn.
- Đừng xem quảng cáo trên các phương tiện truyền thông hoặc nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc hoặc chế phẩm nào đó ngoài các thuốc mà bác sĩ đã chỉ định dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận