Quang cảnh phiên tòa ngày 9-12 - Ảnh: B.SƠN
Ngày 9-12, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ án liên quan ông Nguyễn Hồng Khanh - 52 tuổi, cựu bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - bị truy tố vì đã mua đất của người dân thế chấp ngân hàng.
Sau khi công bố cáo trạng, HĐXX đã tách riêng các bị cáo để tiến hành xét hỏi. Đáng chú ý, cả hai cựu cán bộ Ngân hàng BIDV là Nguyễn Huy Hùng (51 tuổi) và Nguyễn Quang Lộc (49 tuổi) đều phủ nhận việc bàn bạc với ông Khanh trước khi mua bán đất thế chấp ngân hàng.
Theo hồ sơ vụ án, bà Hồ Thị Hiệp (sinh năm 1945, đã mất năm 2015, ngụ thị xã Bến Cát) cùng người thân trong gia đình thành lập hai công ty. Để sản xuất kinh doanh, từ năm 2005-2008, hai công ty này đã vay của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Do bà Hiệp mất khả năng chi trả nên ngân hàng đã dùng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý số nợ này.
Sau đó, bà Hiệp làm đơn xin ngân hàng rao bán một phần diện tích đất đang thế chấp. Các cán bộ ngân hàng xử lý nợ là Nguyễn Huy Hùng - nguyên giám đốc BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn và Nguyễn Quang Lộc - nguyên phó trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp - đã đồng ý cho bà Hiệp tự bán tài sản để trả nợ lại cho ngân hàng.
Thông qua môi giới, từ 2012 - 2015, vợ chồng ông Khanh đã mua nhiều lần tổng cộng hơn 18ha đất của bà Hiệp (trong đó có 2ha đất xây dựng công trình công nghiệp, còn lại là đất nông nghiệp).
Theo kết luận điều tra, hai cán bộ ngân hàng đã không tuân thủ các quy định như: không xác định giá thấp nhất để bán tài sản, không kiểm soát toàn bộ quá trình mua bán, cho phép bà Hiệp giữ lại một phần tiền sau khi bán tài sản… Hậu quả là số tiền BIDV bị thất thoát sau khi xử lý tài sản thế chấp là hơn 36,9 tỉ đồng.
Kết luận điều tra cho rằng ông Khanh đã biết và có sự "bàn bạc" với cán bộ ngân hàng khi mua tài sản nên có vai trò "tiếp sức" cho cán bộ ngân hàng phạm tội.
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh - người bào chữa cho ông Nguyễn Hồng Khanh, miếng đất thế chấp ngân hàng mà bà Hiệp bán cho vợ chồng ông Khanh đứng tên bà Nguyễn Hiệp Hảo, con gái bà Hiệp.
Theo lời khai của bà Hảo qua tài liệu ủy thác tư pháp từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), năm 2008 - thời điểm ghi trên giấy ủy quyền khi thế chấp ngân hàng, bà Hảo không về Việt Nam nên giấy ủy quyền trong hồ sơ vay ngân hàng là không hợp lệ, dẫn đến hợp đồng vay, hợp đồng thế chấp có thể bị vô hiệu.
Bà Hảo thừa nhận vào năm 2015 có đồng ý để cho mẹ mình là bà Hiệp bán đất cho vợ chồng ông Khanh.
Phiên tòa dự kiến tiếp tục kéo dài đến ngày 11-12-2019.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ông Nguyễn Hồng Khanh bị xét xử với vai trò "giúp sức" cho cán bộ ngân hàng vì đã mua đất là tài sản thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Phương Anh - vợ của ông Nguyễn Hồng Khanh - liên tiếp gửi đơn kêu oan cho chồng. Trong đơn, bà Phương Anh cho rằng việc vợ chồng bà mua đất thông qua môi giới, là giao dịch dân sự. Còn việc cán bộ ngân hàng làm sai, nếu có, thì đó là trách nhiệm của ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận