07/06/2017 17:44 GMT+7

Các bị cáo hủy hoại tài sản bà Ánh Ngọc được hưởng án treo

HÀ MI
HÀ MI

TTO - Ngày 7-6, Tòa án Nhân dân huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai tuyên án sơ thẩm đối với 5 bị cáo liên quan đến vụ hủy hoại đùng tôm của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc trên sông Thị Vải, tất cả bị cáo hưởng án treo.

 

Cả 5 bị cáo đang nghe toà tuyên án
5 bị cáo đang nghe toà tuyên án
Tôi thất vọng với kết quả của phiên toà vì nhiều người đánh tôi, trói cha tôi nhưng vẫn chưa bị xử lý. Do đó khi nhận được bản án tôi sẽ làm đơn kháng cáo.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc trao đổi với PV Tuổi Trẻ sau khi kết thúc phiên toà

5 bị cáo nguyên là nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành, bị tuyên án về hành vi hủy hoại tài sản. 

Nhân thân tốt, phạm tội lần đầu

Cụ thể, Lê Văn Lang - trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm, Trương Văn Lớn - đội phó bảo vệ rừng ngập mặn, Phạm Đức Tú - nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ, Phạm Văn Ẩn - nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông, cùng nhận mức án 6 tháng tù, bị cáo Lê Ngọc Tuân - nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc 8 tháng tù nhưng đều hưởng án treo.

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị 5 bị cáo trên mức án từ 8 đến 14 tháng tù nhưng cũng cho hưởng án treo.

Hội đồng xét xử cho rằng, ngày 26-2-2016 khi phát hiện bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc xây dựng công trình không phép ở đùng tôm thuộc đất rừng cho thuê, ban quản lý rừng đã phối hợp chưa tốt với chính quyền.

Bản thân các bị cáo có ý thức ngăn chặn việc xây dựng nhưng đã làm trái thẩm quyền, không đúng pháp luật, xâm hại đến tài sản của bà Ngọc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn.

Tuy nhiên, các bị cáo phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt nên hội đồng xét xử áp dụng hình phạt ở mức án treo là phù hợp.

Về phần dân sự, hội đồng xét xử buộc mỗi bị cáo có trách nhiệm bồi thường 40 bao xi măng đã ném xuống đùng tôm trị giá 3,4 triệu đồng (mỗi bị cáo 680.000 đồng).

Riêng bị cáo Lê Ngọc Tuân và bảo vệ rừng Nguyễn Minh Tuấn (đã bị xử phạt hành chính) có trách nhiệm bồi thường thêm cho bà Ngọc phần khung sắt, hộp cốp pha bị hủy hoại trị giá hơn 1,1 triệu đồng.

Đối với yêu cầu ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành bồi thường cho bị hại 602 triệu đồng (do đùng tôm bị hủy hoại, ngưng trệ, mất việc…), toà đã bác yêu cầu này vì có liên quan đến hợp đồng cho thuê đùng nuôi giữa ban quản lý bảo vệ rừng.

Vì vậy toà hướng dẫn bà Ngọc có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác để đòi quyền lợi.

Điều tra thêm hành vi bắt giữ người trái pháp luật

Trước khi tuyên án, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Ánh Ngọc cho rằng trong quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, bút lục tại hồ sơ, nội dung ghi âm đã thể hiện vụ việc hủy hoại tài sản của bà Ngọc là có tổ chức, bàn bạc.

Cụ thể là ông Trần Văn Tròn - đội trưởng đội quản lý bảo vệ rừng ngập mặn chỉ đạo cho các bị cáo bằng những lời lẽ kích động, có mục đích chỉ huy đánh, trói người ngay chòi tôm bà Ngọc như “cùng lắm là đi ở tù”, “đánh đổ chén cơm manh áo”…

Các bị cáo tại phiên toà đã chia nhóm đè bà Ngọc, nhóm đè trói ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) để ném xi măng xuống sông - tức là thực hiện hai hành vi hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật. Nên luật sư không đồng ý quan điểm tách ra thành vụ án khác như đề nghị của Viện Kiểm sát.  

Theo đại diện phía bà Ánh Ngọc, lời khai của đại diện ban quản lý rừng cũng xác nhận có nhận được báo cáo về việc trói, giữ người nhưng không có giải pháp ngăn chặn, để ngày hôm sau các bị cáo tiếp tục vào đùng tôm tháo dỡ tài sản của bà Ngọc.

Vì vậy, luật sư của bà Ánh Ngọc đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ thêm hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn” và vai trò của ban quản lý rừng về việc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.  

Các luật sư cho rằng chỉ khi trả hồ sơ, điều tra thêm các hành vi trên mới thấy hết mối quan hệ nhân quả mà bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc phải gánh chịu. Đó là bị hủy hoại tài sản, bị bắt oan, bị ngăn chặn không cho vào đùng tôm và giờ đây bà Ngọc trắng tay.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử bác bỏ quan điểm của đại diện bà Ánh Ngọc, cho rằng không đủ cơ sở để khẳng định ông Trần Văn Tròn chủ mưu các bị cáo hủy hoại tài sản, bắt trói người. Hành động hủy hoại tài sản của các bị cáo là ngoài ý muốn của ban quản lý rừng phòng hộ.

Hội đồng xét xử đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát cho tách ra thành vụ án khác để điều tra về hành vi của các ông Đàm Văn Đắc, Phạm Đức Tú, Lê Văn Lang trói ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc).

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên