Nướu răng chảy máu khi chải răng là dấu hiệu của bệnh nha chu. Nguồn: dentalrepublic.co.uk
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên các bệnh về răng miệng như vệ sinh răng miệng chưa tốt, dùng thuốc, hút thuốc lá... làm cho người bệnh mất tự tin và gây ra những hệ lụy sức khỏe khác.
Sâu răng
Sâu răng có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng rất thường gặp ở trẻ em do vệ sinh răng không tốt, thường xuyên ăn vặt và uống đồ uống có đường.... Nếu không được điều trị sâu răng có thể gây ra đau răng nặng, nhiễm trùng, mất răng và các biến chứng khác. Sâu răng gây đau răng; gây nhói khi ăn hoặc uống nóng, lạnh; đau khi cắn xuống; có mủ quanh răng; nhìn thấy lỗ ở răng... Các biến chứng có thể bao gồm: Áp xe răng, mất răng, bị hỏng răng. Vì vậy, nếu thấy các triệu chứng như sưng nướu, chảy máu, mủ quanh răng, hơi thở có mùi hôi... cần tới bác sĩ nha khoa để được khám và điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, cần thực hiện một số biện pháp sau có thể giúp phòng, chống sâu răng, như: đánh răng đúng cách ít nhất hai lần một ngày và sau mỗi bữa ăn, sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride; xỉa hoặc sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng; cố gắng rửa miệng với nước; khám nha sĩ thường xuyên để giúp ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng hoặc phát hiện sớm, xử lý kịp thời các vấn đề về răng miệng; tránh ăn, uống vặt thường xuyên; nên ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe răng, như: phô mai, trái cây và rau quả,...
Viêm nướu (lợi) răng
Viêm nướu là một hình thức rất phổ biến và nhẹ của bệnh nha chu, trong đó mảng bám là nguyên nhân gây kích ứng, mẩn đỏ và (viêm) sưng nướu răng. Viêm nướu có thể dẫn đến các bệnh về lợi nghiêm trọng và cuối cùng mất răng. Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém dẫn đến hình thành mảng bám. Do đó, vệ sinh răng miệng đúng cách và thường xuyên sẽ loại trừ được các mảng bám trên răng. Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo viêm nướu, bao gồm: Sưng nướu răng, nướu răng sưng húp, mềm, lợi teo rút; nướu răng chảy máu một cách dễ dàng khi dùng bàn chải hoặc dùng chỉ nha khoa; thay đổi màu của nướu răng từ một màu hồng khỏe mạnh đến nâu sẫm đỏ; có hơi thở hôi; bệnh viêm lợi ít khi gây đau đớn, vì thế người bệnh bị viêm lợi mà không biết.
Ngoài ra, có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm nướu, như sử dụng thuốc lá, dùng thuốc, người có bệnh tiểu đường, người lớn tuổi, người nhiễm một số virus và nhiễm nấm, khô miệng, nội tiết thay đổi...
Hôi miệng
Có nhiều nguyên nhân gây ra hôi miệng: Do thức ăn còn dính vào răng, thực phẩm có mùi hành, tỏi..., vệ sinh răng miệng kém, có bệnh nha chu, do dùng thuốc, do bệnh lý (viêm mũi, họng), hút thuốc lá... Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây hôi miệng. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, cần chú ý tới một số biện pháp có thể khắc phục chứng hôi miệng, như: Vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày; dùng chỉ nha khoa đúng cách ít nhất một lần một ngày; uống nhiều nước; tránh những thực phẩm và đồ uống khác có thể gây hơi thở hôi và thường xuyên kiểm tra răng miệng ít nhất hai lần một năm...
Khô miệng
Là tình trạng thiếu nước bọt kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và sức khỏe của răng miệng. Hệ lụy của khô miệng có thể gây các triệu chứng sau đây: Khô trong miệng, có vết loét hoặc nứt da ở các góc miệng, nứt môi, hơi thở hôi, khó nói, khó nuốt, viêm họng, cảm giác thay đổi hương vị, nhiễm nấm trong miệng, tăng mảng bám, sâu răng và bệnh nướu răng. Khô miệng có nhiều nguyên nhân, bao gồm: Dùng thuốc, bị lão hóa, hút thuốc lá... Khô miệng có thể là một hậu quả của một bệnh hoặc một phương pháp điều trị nào đó, bao gồm bệnh tự miễn dịch, tiểu đường, bệnh Parkinson, HIV/AIDS, rối loạn lo âu, trầm cảm hay ngáy và thở bằng miệng mở...
Để xác định khô miệng, bác sĩ kiểm tra miệng và xem xét bệnh sử. Đôi khi sẽ cần phải xét nghiệm máu và quét hình ảnh của tuyến nước bọt để xác định nguyên nhân. Điều trị cũng phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây khô miệng.
Những lời khuyên sau có thể giúp cải thiện triệu chứng khô miệng và giữ cho răng khỏe mạnh: nhai kẹo cao su không đường hoặc kẹo cứng, hạn chế lượng cà phê, tránh các loại thực phẩm ngọt hay chua và kẹo, đánh răng với kem có fluoride, không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn, không hút thuốc lá, uống nước thường xuyên, hít thở bằng mũi (không thở bằng miệng)...
Những biện pháp phòng ngừa các bệnh về răng miệng kể trên rất dễ thực hiện; khi chúng ta thực hiện đúng và thường xuyên sẽ tránh được nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận