24/10/2020 15:59 GMT+7

Các bên nói gì về SGK lớp 1 mới tại hội thảo của Sở GD-ĐT TP.HCM?

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Sáng 24-10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo 'Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa mới'.

Các bên nói gì về SGK lớp 1 mới tại hội thảo của Sở GD-ĐT TP.HCM? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM (thứ hai từ trái qua) - tại hội thảo - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hội thảo nhằm nhân rộng những giải pháp hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ giáo viên, giúp phụ huynh tin tưởng phối hợp tốt với trường, thầy cô. 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - thừa nhận có những khó khăn (khi triển khai chương trình lớp 1 mới - PV) và có thể kết quả học tập của học sinh năm nay không bằng năm trước nhưng "không nên so sánh như vậy".

Theo ông Hiếu, yêu cầu của chương trình mới có nhiều điểm khác, cần có tính quá trình. Xây dựng kế hoạch dạy học không giống nhau giữa lớp này với lớp kia nên hiệu trưởng phải tạo điều kiện cho giáo viên. 

Chẳng hạn trong chương trình không có bài, không có tiết đó nhưng tùy tình hình thực tế, giáo viên chủ động trong 2-3 tiết và cũng có thể lên đến 4-5 tiết để mục tiêu cuối cùng là học sinh đạt yêu cầu. 

Cần đổi mới sinh hoạt chuyên môn

Các bên nói gì về SGK lớp 1 mới tại hội thảo của Sở GD-ĐT TP.HCM? - Ảnh 2.

Thầy Cao Xuân Hùng - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM) - cho rằng giáo viên thiếu tự tin trong thiết kế bài dạy - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thầy Cao Xuân Hùng, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), đặt vấn đề tổ chức dạy học như thế nào để nâng cao chất lượng. 

Thầy Hùng nói: "Để nâng cao chất lượng với lớp 1, theo tôi cần đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học. Mỗi sách giáo khoa có một triết lý riêng. Từ các triết lý này các tác giả xây dựng thành các đơn vị bài học, từ đó sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học".

Tôi tâm đắc với quy trình dạy học nhưng thấy rằng thầy cô giáo chưa tự tin, mạnh dạn, chủ động trong thiết kế bài dạy. Vậy vai trò người quản lý cấp cơ sở, linh hoạt vận dụng phù hợp, phải gỡ khó được sự chưa tự tin ở giáo viên, chủ động linh hoạt bàn bạc

Thầy Cao Xuân Hùng, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM)

Chia sẻ câu chuyện thực tế và năng lực học sinh lớp mình chủ nhiệm, cô Nguyễn Lê Hạnh Dung, giáo viên Trường tiểu học Minh Đạo (quận 5), cho rằng với chương trình mới giáo viên có quyền linh động, hoán đổi trong tiết dạy. 

"Trong tiết 1, thay vì dạy viết bảng con sau đó mới rèn tập viết nhưng mình chuyển hoạt động viết lên vở tập viết sang tiết 2, để tiết 1 rèn chắc trên bảng con, rèn chắc độ rộng độ cao, chắc con chữ đó, chứ không đợi đến cuối tuần. 

Ví dụ rèn chữ "a", nét cong kín và nét móc mình sẽ móc chung vào đó. Mình sẽ đọc và dồn thời gian mình rèn ngay tại chỗ, sau đó mình phát âm. Hoặc dạy vần cũng vậy. Tiết 1 mình đừng dạy thực hành viết tập viết nữa mà dồn sang tiết 2, lúc đó đã viết chắc trên bảng con rồi. 

Mà bảng con thiết kế ô li rất rõ ràng, giáo viên linh động đi từng bàn với học sinh yếu, cầm tay cầm bút sửa, giải quyết ngay tại chỗ" - cô Dung phân tích.

 Phụ huynh: Có khó khăn nhưng vẫn bắt kịp  

Các bên nói gì về SGK lớp 1 mới tại hội thảo của Sở GD-ĐT TP.HCM? - Ảnh 4.

Phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Lê Anh Xuân (quận 7, TP.HCM) bày tỏ những khó khăn khi con học lớp 1 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Về phía phụ huynh, cô Dung cho rằng trường chưa thấy phụ huynh nào phản ảnh chương trình lớp 1. Các em đi học vui vẻ. Được như vậy, cô cho biết là nhờ có sổ thông báo để tương tác. 

"Tôi có sổ thông báo trong mỗi tuần, kết hợp và nhắn rõ với từng phụ huynh. Nếu em nào có vướng chỗ nào, nhìn sổ thông báo. Nếu không có Zalo thì vẫn có thể nắm kịp thời thông tin để tiếp cận, cùng thầy cô hỗ trợ con" - cô Dung chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, phụ huynh có con học lớp 5 và lớp 1 Trường tiểu học Lê Anh Xuân (quận 7) khi so sánh giữa hai chương trình mới và cũ ở hai con, cho rằng con đang học lớp 1 gặp khó khăn về nét cơ bản. 

"Đứa con đầu thì tôi có cho học chữ trước khi vào lớp 1. Đứa sau thì do dịch COVID-19 và nghe chương trình có đổi mới nên tôi không cho học trước. Vì thế, hai tuần đầu bé rất khó khăn ở một số nét cơ bản, tuy hiện vẫn bắt kịp nhưng quả thực là có khó khăn. 

Vì là công nhân nên tăng ca, làm thêm, tôi ít có thời gian kèm kẹp con. Tôi mong muốn được cải cách đổi mới cả chương trình giáo dục mầm non để con lên lớp 1 đỡ khó khăn".

Tăng tính chủ động cho trường

nh-hoi thao5

Cô Lý Khánh Hoa - giáo viên Trường tiểu học Hiệp Tân (Q.Tân Phú, TP.HCM) - tại hội thảo - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đại diện Phòng GD-ĐT Bình Chánh (TP.HCM) cho biết địa phương này có rất nhiều học sinh, trong đó bảy trường tiểu học dạy 5 buổi/tuần.

"Đây là một khó khăn nên phòng có biện pháp giúp và hướng dẫn các trường khoán chương trình, tăng cường tính chủ động cho trường.

Bản thân tôi cũng đang có con học lớp 1. Với vai trò là phụ huynh, tôi cảm nhận được các khó khăn như tiếp cận sách giáo khoa mới trễ, tháng 8, 9 mới có.

Chương trình nặng do tiếp cận sách chậm, không có thời gian để chuyển tiếp con chữ. Mỗi ngày tôi cũng phải dành 30-45 phút để rèn thêm cho con" - vị này nói.

Lớp 1 học sách giáo khoa đã đủ, không cần sách tham khảo Lớp 1 học sách giáo khoa đã đủ, không cần sách tham khảo

TTO - Trong khi sách tham khảo tràn ngập các nhà sách và luồn lách vào nhà trường thì các chuyên gia giáo dục khẳng định trẻ lớp 1 không cần sách tham khảo.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên