Bà Nguyễn Thị Kim Tiên - giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - trong buổi trả lời báo chí chiều 6-4 - Ảnh: Hải Hiếu |
Ngày 6-4, bài viết và clip “” đăng trên Tuổi Trẻ khiến hàng trăm bạn đọc bức xúc, xót thương cho các bé thiếu may mắn còn bị hành hạ.
Cùng ngày, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã đình chỉ năm bảo mẫu có liên quan.
Qua viết tường trình, bước đầu các bảo mẫu đã thừa nhận họ có dùng tay, dép... đánh trẻ ngay trong bữa ăn.
Giám đốc trung tâm nhận thiếu sót
Năm bảo mẫu bị đình chỉ công tác gồm: Vũ Thị Quý (52 tuổi), Trần Thị Thu Trinh (44 tuổi), Nguyễn Thị Lan (46 tuổi), Nguyễn Thị Bảo Châu và Lưu Thị Hà.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiên - giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, trước khi Tuổi Trẻ lên tiếng, những em lớn tuổi ở trung tâm đã từng làm đơn phản ảnh lên Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về việc nhân viên trung tâm đánh đập các trẻ tại trung tâm này. Qua vụ này, trung tâm đã xử lý kỷ luật một trưởng khoa, một phó khoa và một nhân viên.
Cũng theo bà Tiên, các bảo mẫu trên đều là trẻ lớn lên từ trung tâm, trình độ văn hóa thấp nhưng đã được đào tạo sơ cấp về nghiệp vụ chăm sóc trẻ. Các bảo mẫu cũng đã sống lâu năm với trẻ HIV (trên 10 năm) ở trung tâm này.
“Tâm sinh lý các cô này không bình thường, văn hóa thấp nên có hành động khác với những người được dạy dỗ bài bản” - bà Tiên nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi vì sao các bé bị bảo mẫu đánh đập thường xuyên như vậy nhưng lãnh đạo trung tâm không phát hiện, bà Tiên cho rằng việc kiểm tra, giám sát được thực hiện một lần/tuần.
Bà Tiên nhận thiếu sót về việc gây bức xúc này, nhưng cho rằng do “không thấy trẻ bị bầm tím trên cơ thể nên tổ kiểm tra không phát hiện” (?).
Vấn đề mọi người quan tâm là làm sao để các bé thiếu may mắn, thiếu tình thương của cha mẹ được sống an toàn trong tình yêu thương của người lớn tại trung tâm này? Bà Tiên cho biết: “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, đồng thời cắt hợp đồng những bảo mẫu nếu có hành vi đánh trẻ. Sắp tới sẽ lắp đặt hệ thống camera ở các phòng, khoa để theo dõi, ngăn chặn không để xảy ra hiện tượng tương tự”.
Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện |
Lập đoàn thanh tra để xử lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 6-4, ông Trần Trung Dũng - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM - cho biết ngay khi tiếp nhận thông tin, sở đã cử cán bộ phòng bảo trợ xã hội kết hợp với phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em đến làm việc với Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.
Theo đó, sở đã yêu cầu ban giám đốc trung tâm báo cáo sự việc và làm việc với các bảo mẫu liên quan đến bài viết “” của Tuổi Trẻ để báo cáo nhanh vụ này lên lãnh đạo TP.
Trước mắt, ngoài việc trung tâm đã đình chỉ công tác năm bảo mẫu liên quan đến vụ việc, ngay trong chiều 6-4 sở đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra tại khoa mầm non của trung tâm này vào sáng 7-4 nhằm có kết luận cụ thể.
“Sở sẽ xử lý nghiêm. Sai đến đâu xử lý đến đó. Kết quả xử lý sẽ được công khai” - ông Dũng khẳng định.
TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết so với các trẻ em bình thường thì hệ miễn dịch của trẻ nhiễm HIV dễ bị tấn công nên các em có thể bệnh bất cứ lúc nào.
Về mặt tinh thần, các em không được che chở, trò chuyện cùng người thân thường xuyên vì cha mẹ có thể đã qua đời do căn bệnh thế kỷ hoặc gia đình không đủ điều kiện nuôi dưỡng.
Trẻ em nói chung và trẻ bị nhiễm HIV nói riêng bị bạo hành khiến các em bị tổn thương tâm lý nặng nề. Điều này khiến các em càng co cụm lại, tự ti, đau khổ hơn về góc độ tinh thần...
Luật sư Hứa Thị Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng hành vi đánh trẻ có thể được xem xét, xử lý về tội “hành hạ người khác” theo điều 110 Bộ luật hình sự.
Nếu hành vi này gây thương tích cho trẻ thì những người liên quan có dấu hiệu phạm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận