TTCT - Lần đầu tiên, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức cuộc thi hát tiếng Pháp trong phạm vi toàn quốc với chủ đề “Các bạn nói tiếng Pháp đều hát hay”. Ban đầu ban tổ chức chỉ nhắm đến giới trẻ 16 - 26 tuổi, nhưng sau đó với hồi âm tích cực từ công chúng, cuộc thi được mở cho “tất cả các bạn Việt Nam từ 16 tuổi trở lên”. Đêm chung kết xếp hạng diễn ra vào thứ bảy 5-12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Cédric Drouard (gõ trống), "giám đốc âm nhạc" của cuộc thi, trong những buổi diễn của nhóm Puzzle -Nhân vật cung cấp Người Việt hát rất hay Ý tưởng cuộc thi đến từ bà Eva Nguyen Binh, tham tán hợp tác và hành động văn hóa Đại sứ quán Pháp. “Mục đích của chúng tôi là khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam quan tâm hơn tới âm nhạc và ca khúc tiếng Pháp nói chung chứ không chỉ là các ca khúc của Pháp. Qua những bài hát, các bạn có thể có hứng thú hơn khi tìm hiểu cái hay, cái đẹp của tiếng Pháp. Mỗi bài hát là một bài thơ với ca từ đẹp đẽ, lối chơi chữ tinh tế” - bà cho biết. Bản thân bà đã rất nhiều lần được mời tới dự những cuộc thi hát tiếng Pháp do các trường học tại Việt Nam tổ chức. “Tôi thấy người Việt nói chung cả già lẫn trẻ đều thích hát, mà hát rất hay nữa. Đến xem các cuộc thi rất thích, nhưng phải thú thật tôi cũng thấy hơi chạnh lòng vì mình không có được tài năng ấy” - bà nói. Chính thức phát động từ ngày 14-9 đến 21-10, cuộc thi thu hút được hơn 100 thí sinh, mỗi bạn gửi đến một phiếu đăng ký và một video thể hiện một bài hát tiếng Pháp. Video đầu tiên được gửi đến ngay ngày 14-9. 24 giờ trước khi hết hạn đăng ký, ban tổ chức nhận được đến... 70 video. “Phải mất ba ngày mới lưu được hết các file vào máy tính” - anh Cédric Drouard, điều phối viên cuộc thi, kể. Anh cũng là thành viên ban giám khảo vòng sơ tuyển cùng với một số cán bộ phòng ngôn ngữ và văn hóa Đại sứ quán Pháp. Sáu cô gái và bốn chàng trai (đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình và TP.HCM) đã vượt qua vòng sơ tuyển để thi chung kết lúc 20g ngày thứ bảy 5-12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Người nhỏ nhất 20 tuổi, lớn nhất 40 tuổi. Chung một tình yêu Trong bản đăng ký gửi đến ban tổ chức, các thí sinh đều bày tỏ tình yêu, lòng đam mê của mình với ca khúc tiếng Pháp. Các thế hệ trước họ cũng có một tình yêu như vậy nhưng ít có điều kiện để nuôi nấng nó hơn. Cách đây 20 năm trở về trước, mỗi khi “kết” một bài hát nào, những người học tiếng Pháp, cũng như các ngoại ngữ khác, chỉ có cách tua đi tua lại đến mòn cả băng cassette để chép lời bài hát. Đôi khi kết quả chỉ dừng lại ở mức “mô phỏng”. Làm gì có Internet mà tìm lời bài hát, xem clip video dễ dàng như bây giờ. Vậy nên đa số ca khúc thường xuyên có trong các chương trình biểu diễn của sinh viên đều là những tác phẩm đã có tuổi đời hàng chục năm như Tombe la neige (Tuyết rơi - 1963), La Maritza (Dòng sông thơ ấu - 1968) hay Main dans la main (Tay trong tay - 1972)... Nay đã khác lắm. Các thí sinh của cuộc thi hát đều theo rất sát thời sự âm nhạc Pháp ngữ. Sự lựa chọn bài hát của họ cũng đa dạng hơn. Không chỉ chọn ca khúc du dương dễ nghe, dễ nhớ, nhiều thí sinh còn mạnh dạn chọn thể hiện những bài hát khó về mặt kỹ thuật hay đặc biệt sâu lắng về mặt ca từ, phải rất hiểu mới có thể hát được. Những nỗ lực ấy của họ được ban tổ chức đánh giá cao. Các thí sinh lọt vào chung kết được hướng dẫn chọn bài hát mới hợp với chất giọng của mình nhất. Tư vấn cho họ chính là thành viên ban tổ chức Cédric Drouard - người vốn là tay guitar và ca sĩ chính của ban nhạc Minimum Serious, một ban nhạc funk rock chuyên nghiệp ở Pháp. Sau khi ban nhạc tan rã, Cédric sang Việt Nam, nơi một cuộc sống mới mở ra với anh. Giới trẻ nói tiếng Pháp ở Hà Nội đều biết tới anh chàng điển trai hiền lành này - người sáng lập và là linh hồn của nhóm nhạc Puzzle, một hình thức câu lạc bộ nơi các thành viên có thể thay đổi nhưng tinh thần thì bất biến: hát cho nhau và cho mọi người để cùng vui. Trong phần chung kết cuộc thi hát tiếng Pháp quốc gia này, Cédric có vai trò tương đương huấn luyện viên kiêm giám đốc âm nhạc trong cuộc thi Giọng hát Việt. Mà còn hơn thế nữa. Anh không có thí sinh “ruột”. Tất cả 10 thí sinh vào chung kết đều trở thành học trò của anh, đều được anh chọn bài hát và hướng dẫn sao cho biểu diễn hiệu quả nhất. Ban nhạc Puzzle đệm cho các thí sinh thi chung kết. Và người giữ nhịp không ai khác là “tay trống cự phách” Cédric Drouard. Buổi diễn chung kết không bán vé mà mở cửa cho tất cả ai quan tâm. ■ Tags: Thu hươngCác bạn nói tiếng pháp đều hát hayCédric Drouard
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
'Nữ quái' ở Thái Bình lừa đảo bạn trai hơn 2,3 tỉ đồng nhờ 'bịa chuyện' TIẾN NGUYỄN 23/12/2024 Phạm Thị Liên nhiều lần 'bịa chuyện' bị bán ra nước ngoài làm gái bán dâm cần tiền chuộc và làm giấy tờ để về nước, qua đó lừa đảo số tiền hơn 2,3 tỉ.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.