31/03/2020 12:00 GMT+7

'Các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống chúng tôi…'

LAN ANH
LAN ANH

TTO - 'Các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống chúng tôi. Các bác sĩ đã cứu rất nhiều người, tôi nhớ bác sĩ Kiên, bác sĩ Thắng, mọi người đều rất tuyệt vời', nữ bệnh nhân người Anh chia sẻ.

Các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống chúng tôi… - Ảnh 1.

Lời cảm ơn từ các bệnh nhân xuất viện gửi đến đội ngũ y bác sĩ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) hôm qua công bố 30 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh. Hiện số ca bệnh còn điều trị tính tới tối 30-3 là 148 người.

Chỉ riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có đến 27 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, họ đều là những người có 2-3 lần xét nghiệm âm tính, có tình trạng lâm sàng ổn định. Đây cũng là nhóm khỏi bệnh đầu tiên ở bệnh viện này kể từ khi dịch COVID-19 tại Việt Nam bước vào giai đoạn 2 (tính từ 6-3). Như vậy tổng số người khỏi bệnh ở 2 giai đoạn đã là 55 người.

Có vài người trong số 27 ca bệnh có chuyển biến phức tạp hơn, nhưng đặc thù của căn bệnh này là tiếp xúc tối thiểu, càng ít càng tốt, chúng tôi điều trị cho họ qua giai đoạn nặng rồi lại chuyển bệnh nhân lên tầng. So với giai đoạn 1, bệnh nhân ở giai đoạn 2 nhiều và nhiều ca bệnh phức tạp hơn, chúng tôi cố gắng trong từng trường hợp.

Ông Nguyễn Trung Cấp

"Tôi nhớ bác sĩ Kiên, bác sĩ Thắng..."

"Các bác sĩ đã cứu sống chúng tôi" - bệnh nhân số 24 là phụ nữ người Anh đi chuyến bay VN0054 đến Việt Nam du lịch rạng sáng 2-3 cùng chồng, cùng mắc COVID-19, được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nói khi nước mắt ướt mi.

Theo bệnh nhân số 24, bà từng là điều dưỡng, hiểu rằng bệnh này có thể gây tử vong. Những ngày đầu mới vào viện, bà rất lo lắng. "Các bác sĩ đã cứu rất nhiều người, tôi nhớ bác sĩ Kiên, bác sĩ Thắng, mọi người đều rất tuyệt vời. Chồng tôi vẫn còn rất yếu và cần được chăm sóc đặc biệt" - bệnh nhân 24 chia sẻ.

Vợ chồng bệnh nhân 24 đến Việt Nam hôm 2-3, đi du lịch tại Sa Pa rồi được chuyển viện về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi đến bệnh viện này, chồng bà (69 tuổi, có bệnh nền) chuyển nặng, là 1 trong 3 trường hợp nặng nhất đã điều trị tại đây những ngày qua, phải thở máy từ ngày 15-3. Rất may mắn là chồng bệnh nhân 24 đã bắt đầu có những tiến triển tốt.

Hai bệnh nhân nặng khác cũng có những tiến triển tương tự, trong đó có bệnh nhân số 19 (bác ruột của bệnh nhân 17, 64 tuổi, cũng có bệnh nền) đang được giảm dần thời gian sử dụng ECMO (máy ECMO - thiết bị hỗ trợ sự sống, có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi, dùng cho những bệnh nhân đang bị những bệnh lý nặng, đe dọa tính mạng làm ngừng hô hấp và tuần hoàn). 

Đã từng có lúc bệnh nhân này trong tình trạng rất nặng, tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia đã tổ chức tổ chuyên gia 30 người hội chẩn hằng ngày và những tiến triển cứ tốt dần lên. Giờ đây có thể tạm coi những nguy hiểm đã qua.

Bác sĩ lấy bệnh viện làm nhà

Các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống chúng tôi… - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bắt tay một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cơ sở 2 ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hôm nay đã gần 1 tháng ông Nguyễn Trung Cấp (trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) và nhiều đồng nghiệp khác sinh sống, làm việc hoàn toàn tại bệnh viện, kể từ khi có bệnh nhân đầu tiên của giai đoạn 2 vào viện ngày 6-3. Đã có 2 bác sĩ của bệnh viện này trở thành bệnh nhân (bị lây bệnh khi can thiệp hỗ trợ thở cho bệnh nhân). 

Tin này đến ngay sau khi 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai mắc bệnh. Người ta lo lắng, đang đại dịch, bác sĩ mắc bệnh biết lấy ai cứu những người bệnh? Tâm trạng lo lắng ấy ảnh hưởng đến nhiều người.

"Chúng tôi vẫn còn lực lượng dự trữ, vẫn chia ca để dành sức và biết rằng những tình huống phức tạp vẫn có thể đến, vì đã có những ca bệnh lây lan từ cộng đồng. Trong những lúc khó khăn này, duy trì lực lượng là ưu tiên đầu tiên. Hiện 2 bác sĩ của chúng tôi đã có 1 người có kết quả âm tính lần 1" - ông Cấp cho biết.

Những ngày qua, khắp nơi hướng về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện dã chiến Củ Chi... - những nơi đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19. 

Có người gửi đến nước cam tươi, họ tự mua cam và vắt rồi đóng chai, có người gửi sữa chua, có người gửi trang bị bảo hộ. Họ dành những gì yêu thương nhất đến các bác sĩ, các thầy thuốc. Họ mong các bác sĩ khỏe để thắng trong cuộc đối đầu này. 

Ông Cấp kể vì không có nhiều thời gian nên ông không biết mọi người đang viết gì về mình và đồng nghiệp, nhưng hằng ngày ông đều nhận được cà phê từ những người không quen biết gửi vào. Trên cốc cà phê nào cũng ghi lời nhắn chúc các bác sĩ khỏe, chúc bác sĩ chiến thắng dịch bệnh...

"Những người bạn học chung từ lâu lắm không gặp nhưng gần đây các bạn đều nhắn thăm, rồi mua những thứ cần dùng mà vì chúng tôi đang ở khu cách ly nên không có điều kiện mua được, gửi cho chúng tôi. Mua cả trang phục bảo hộ gửi đến. Điều đó làm chúng tôi thấy rất ấm áp. Cảm ơn tất cả mọi người, chúng tôi vẫn đang nỗ lực và sẵn sàng" - ông Cấp nói.

1/4 ca nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh

Trong số 203 bệnh nhân COVID-19 tính đến ngày 30-3, có 55 người đã ra viện hoặc công bố khỏi bệnh, tương đương hơn ¼ tổng số bệnh nhân. Tuần tới có thêm nhiều ca bệnh đã ổn định và có 2 lần kết quả xét nghiệm âm tính được ra viện.

'Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn các bác sĩ'

TTO - 'Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn các bác sĩ đã điều trị cho tôi. Tôi cảm thấy may mắn và rất hạnh phúc. Nếu có cơ hội trong một hoàn cảnh tốt hơn, không phải dịch bệnh, tôi sẽ ghé thăm họ 1 lần nữa', bệnh nhân quốc tịch Cộng hòa Czech chia sẻ.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên