12/10/2024 12:48 GMT+7

Ca xướng Việt Nam, ngàn năm còn mãi

Đối mặt với sự cạnh tranh từ công nghiệp giải trí hiện đại, sân khấu ca kịch truyền thống của người Việt Nam vẫn giữ được màu sắc riêng.

Ca xướng Việt Nam, ngàn năm còn mãi - Ảnh 1.

Sách Hý kịch Việt Nam - Ngàn năm đồng vọng

Sách Hý kịch Việt Nam - Ngàn năm đồng vọng là tác phẩm mang tính khảo cứu trong khoảng gần bốn năm về sự phát triển hý kịch Việt Nam của tác giả Bùi Quang Thắng. Bùi Quang Thắng mang đến cái nhìn khá toàn diện về sự hình thành và phát triển của các loại hình ca xướng, tuồng (hát bội), chèo và cải lương...

Thương tiếng "tang tình" người Việt

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Bùi Quang Thắng cho biết tuồng (hát bội), chèo và cải lương tuy ra đời khác nhau nhưng có nhiều tương đồng cơ bản. Đặc điểm chung nhất là nhạc, đây cũng là yếu tố then chốt hấp dẫn khán giả.

Có thể thấy hệ thống làn điệu, bài bản trong cả hát tuồng, chèo và cải lương đều mang tính dân tộc và có sức lan tỏa rộng, vượt ra ngoài không gian sân khấu. Khán giả dễ tiếp cận, thẩm thấu và thậm chí tái hiện lại qua việc tự biểu diễn những làn điệu ưa thích hay một câu hát của những nhân vật mà họ ấn tượng.

Ca xướng Việt Nam, ngàn năm còn mãi - Ảnh 3.

Tác giả Bùi Quang Thắng - Ảnh: NVCC

"Như một người yêu chèo có thể hát Tình thư hạ vị, Quân tử vu dịch trong vở Lưu Bình - Dương Lễ;

Một người hâm mộ cải lương có thể hát Lý con sáo và câu vọng cổ của nhân vật Mỵ Châu, câu nam ai của vai Lan trong Lan và Điệp... 

Những điệu hát này giúp sân khấu ca kịch truyền thống của người Việt "ngấm" sâu hơn trong văn hóa đại chúng và vẫn giữ được màu sắc riêng khi đối mặt với sự cạnh tranh của ngành công nghiệp giải trí hiện đại" - ông Thắng phân tích.

Theo ông Thắng, trong những câu hát của người Việt còn xuất hiện một dạng mã hóa văn hóa độc đáo. 

Đó chính là tiếng "tang tình" - một hệ thống ký âm cổ xưa rất riêng của người Việt. Có thể kể đến câu hát quen thuộc: "Đàn kêu tang tích tình tang. Ai mang công chúa dưới hang trở về?".

Hay điệu Lý tình tang trên đất thần kinh: "Một thương tóc bỏ đuôi gà. Hai thương, hai thương ăn nói, ố tang ố tang tình tang, tình tang tình, ố tang ố tang tình tang"...

Một điệu chèo, một câu hát nam hay câu vọng cổ vẫn không thể thay thế trong những tâm hồn Việt.

Bùi Quang Thắng

Không chỉ khoác chiếc áo hào nhoáng

Trong Hý kịch Việt Nam - Ngàn năm đồng vọng, tác giả nhận định nghệ thuật ca xướng cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi người Việt tiếp thu sai những giá trị nghệ thuật từ phương Tây, nhất là xu hướng "Tây hóa" trong sân khấu cải lương vào đầu thế kỷ 20.

Bùi Quang Thắng nói cải lương thành công bởi vừa biết tiếp thu những điểm mạnh trong triết lý sân khấu phương Tây qua kết cấu vở diễn, kỹ thuật diễn xuất tâm lý, tính logic chặt chẽ trong không gian và thời gian kịch, bài trí và phục trang sân khấu... Nhưng trên hết, cải lương vẫn duy trì được yếu tố nhạc.

Cải lương đã phát triển được một hệ thống bài bản ca ngâm mang âm hưởng đặc trưng cho văn hóa Việt, vùng đất Nam Bộ. 

Tuy nhiên, cải lương cũng nhiều lần rơi vào bế tắc. 

Thập niên 1930, việc đưa trang phục Tây, vũ điệu Tây, các bài hát Tây vào các vở cải lương Việt bất chấp bối cảnh lịch sử đã khiến báo chí đương thời phê phán là lai căng.

"Sáng tạo mới không phải là nhặt những điều kỳ lạ đâu đó đem vào tác phẩm. 

Nếu chủ trương đánh vào tâm lý hiếu kỳ của khán giả thì chẳng có thứ gì thay đổi nhanh như tính hiếu kỳ. Sân khấu truyền thống Việt có sự độc đáo riêng và những giá trị không thể mất.

Những bản dựng Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Làm lại cuộc đời... trong thập niên 1980 trở thành những tác phẩm sân khấu kinh điển nhờ đi vào đề tài hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các điệu ca, vốn mang tính chất cách điệu tượng trưng cố hữu của thơ - ca - nhạc với triết lý sân khấu hiện thực kiểu kịch nói phương Tây.

Hay như sự thành công trong việc biến bài Dạ cổ hoài lang thành sáu câu vọng cổ nhịp 32 đã chứng minh rằng nghệ thuật không dẫm chân tại chỗ nhưng những chuyển biến nghệ thuật đích thực không đơn giản là khoác lên mình một hình thức bên ngoài hào nhoáng" - ông Thắng nói.

Ca xướng Việt Nam, ngàn năm còn mãi - Ảnh 2.Xem những cuốn sách quý về Hà Nội ra đời hơn nửa thế kỷ trước

Những cuốn sách bìa minh họa rất có hồn, dù giấy tối màu, chữ khó đọc nhưng chứa đựng những thông tin chân thật và cảm động về Hà Nội hai tuần trăng khói lửa, về ngày tiếp quản thủ đô… đang được giới thiệu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên