Phóng to |
Xem video |
Gây áp lực
Theo Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa, khoảng 4-5 ngày nay lượng xe tải chở mía từ vùng nguyên liệu ở huyện Ma Đrắc (tỉnh Đắk Lắk) và thị xã Ninh Hòa về Nhà máy đường Cam Ranh của công ty đã giảm từ 300 chuyến xe/ngày xuống chỉ còn khoảng 70 xe. Xòe tờ giấy phạt 2,5 triệu đồng cùng quyết định tạm thu bằng lái 60 ngày vì hành vi “chở quá tải trên 30%”, tài xế Nguyễn Xuân An ở thị xã Ninh Hòa nói: “Thật tình chúng tôi không muốn chở quá tải, nhưng do cước vận chuyển nhà máy trả thấp, chở đúng tải thì không đủ để đổ dầu và chi phí hao mòn xe. Nếu yêu cầu chúng tôi chở đúng tải, nhà máy phải tăng giá cước”.
Còn tài xế Nguyễn Văn Thanh thì nói: “Trong hợp đồng của chúng tôi với nhà máy đường, xe 5 tấn được chở đến 12 tấn, xe 8 tấn được chở đến 15 tấn với giá cước 120.000 đồng/tấn cho đoạn đường từ Ninh Hòa đến Cam Ranh. Thế nhưng khi chúng tôi chở tải trọng như vậy thì bị cảnh sát giao thông, thanh tra Sở Giao thông vận tải bắt, phạt tiền, thu bằng lái, thậm chí có trường hợp bị giam xe. Chúng tôi đề nghị nhà máy tăng cước hoặc làm việc với cơ quan chức năng cho phép chở quá tải, song nhà máy không làm được”. Không chỉ dừng chở, nhiều chủ xe và tài xế đã vận động, thậm chí gây áp lực với nhiều xe khác ở địa phương cũng như từ Đắk Lắk xuống, “cấm” chở mía cho Nhà máy đường Cam Ranh.
Ông NGUYỄN NHẠC TÂN (chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa): Tất cả xe chở mía đều vượt tải trọng Trong niên vụ này, cả hai nhà máy đường đã ký hợp đồng với các chủ xe tải cho họ chở vượt tải trọng trên dưới 200% là vi phạm pháp luật, gây hỏng đường sá và mất an toàn giao thông nên phải xử lý nghiêm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 236 vụ xe chở mía chở vượt tải trọng cầu đường bộ, tất cả đều vượt trên 30% so với quy định, phạt 346 triệu đồng, tước 227 lượt giấy phép lái xe. Nhiều xe chở mía đợi nửa đêm mới chở về nhà máy nhằm lẩn tránh cơ quan chức năng. Chúng tôi tiếp tục xử lý nghiêm việc vi phạm này, nếu không cơ sở hạ tầng giao thông nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng do xe chở mía gây ra. |
Trong khi đó, ông Đỗ Thành Liêm - giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa - lại nói: “Chúng tôi trả cước vận chuyển cho các xe tải thỏa đáng, khi giá dầu tăng là nhà máy tăng cước tương ứng cho các chủ xe. Đến nay tôi chưa nghe chủ xe nào phàn nàn về giá cước!”. Ông Liêm là người từng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng của tỉnh cho phép xe tải chở mía được chở vượt tải trọng tại hội nghị bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khi vận chuyển mía đường do tỉnh này tổ chức cuối tháng 12-2011.
Trao đổi với chúng tôi ngày 12-3, ông Liêm tái khẳng định: “Không xe vận tải nào trên đường bộ hiện nay mà không quá tải chứ đâu riêng gì xe chở mía. Chúng tôi đề xuất như vậy là để nông dân tiêu thụ nông sản nhanh hơn, giảm bớt thiệt hại. Nếu xe chở đúng tải, chúng tôi phải tăng đầu xe lên, chi phí cước tăng cao thì nhà máy phải hạ giá mua mía của nông dân”.
Người trồng mía đắng lòng
Những ngày qua, cả nhà ông Bùi Tấn Hợi (thôn Trung, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) phải dùng bạt, lá mía che nắng cho các đống mía ước khoảng 40 tấn. Ông Hợi than: “Tôi chặt mía theo lịch của nhà máy nhưng tài xế không cho xe vào chở. Mấy chục tấn mía nằm phơi nắng cả tuần nay đã gần thành củi rồi, thiệt hại quá nặng nề”.
Gần đó, lão nông Nguyễn Quốc Dũng cũng buồn không kém: “Nếu tính trung bình một xe 15 tấn phơi nắng một ngày giảm còn 14 tấn thì với 80 tấn mía đã chặt gần 10 ngày nay, mỗi ngày tôi thiệt hại cả chục triệu đồng. Nhà tôi còn hơn 10ha mía chín, nếu không có xe chở, không chặt đúng thời điểm thì chữ đường sẽ giảm”.
Ông Nguyễn Hùng - phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân - cho hay trong hợp đồng giữa người trồng mía và nhà máy đường có điều khoản: mía chặt sau 72 giờ nếu nhà máy không mua thì phải bồi thường thiệt hại cho nông dân. “Hiện nay nhà máy vẫn mua, nhưng xe không chịu chở thì nông dân không biết đòi bồi thường chỗ nào! Giờ nghe thêm chuyện nhà máy đường có thể giảm giá mua mía để tăng cước vận chuyển, nông dân chúng tôi khóc ròng” - ông Hùng nói.
Chiều 12-3, ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nói ông chưa nghe báo cáo vụ việc một số người chặn xe chở mía cũng như các nhà xe không chịu chở mía từ Ninh Hòa về Nhà máy đường Cam Ranh. “Nếu xảy ra việc này thì tỉnh sẽ có biện pháp tháo gỡ đúng theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho các bên, đảm bảo sự phát triển của ngành mía đường Khánh Hòa” - ông Vinh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận