Ngoài giảng bài học trên lớp, cô Sang còn kể chuyện và dạy kỹ năng sống nhằm lan tỏa tính tích cực cho các em học sinh nghèo vùng biên Giang Thành - Ảnh: CHÍ CÔNG
Năm nay, em không có sách đi học. May mắn, em được cô giáo hỗ trợ sách. Không có cô giáo, em không biết mình có được đến trường không. Em sẽ cố gắng học tốt để không phụ lòng cô giúp đỡ...
Em Lê Thị Phương Linh (học sinh Trường tiểu học Phú Lợi, huyện Giang Thành, Kiên Giang)
Cô Danh Thị Kim Sang - giáo viên lớp 3/1 Trường tiểu học Phú Lợi - cho biết trò nghèo ở địa phương cũng có nhiều hoàn cảnh.
"Nắm gạo tình thương"
Có em cha mẹ đi làm xa nên phải ở nhà với ông bà, có em cha mẹ bị bệnh, có em gia đình không đất không vườn và sống chủ yếu dựa vào sức lao động là chính...
Vì thế, các em ấy luôn nỗ lực học rất nhiều, thậm chí có em đi học xong về nhà còn phải ra đồng mót lúa, bắt ốc, bắt cua để kiếm tiền ăn học. Đầu năm học này, thầy cô đều vận động các nhà hảo tâm địa phương hỗ trợ quần áo, tập, sách và dụng cụ học tập cho các em.
"Muốn đi học được, trước tiên phải no bụng thì các em mới có sức học. Thấy vậy, tôi và thầy cô ở trường đã thực hiện chương trình "Nắm gạo tình thương" với mong muốn giúp đỡ các em kịp thời" - cô Sang chia sẻ. "Nắm gạo tình thương" này được thầy cô ở trường thực hiện đã ngót hơn hai năm qua.
Đồng thời, thầy cô và các em học sinh ở trường có điều kiện hơn có thể chia sẻ một nắm gạo/ngày (em học sinh nào có thì cho, không bắt buộc). Số gạo này ít thôi nhưng cô Sang nói sẽ được để dành lại. Sau đó, vào sáng thứ hai đầu tuần, thầy cô sẽ gửi lại cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để giấc mơ của trò thành hiện thực
Ngoài chương trình dạy học theo sách giáo khoa trên lớp, cô Sang còn có những phút dạy kỹ năng sống nhằm lan tỏa niềm tin và năng lượng tích cực cho các em thông qua các câu chuyện kể hay viết đoạn ngắn thể hiện ước mơ của mình. Cô Sang cho rằng có em ước mơ làm bác sĩ, ca sĩ và rất giản đơn là nông dân...
Qua những ước mơ đó, cô Sang khuyên dạy các em ước mơ nào cũng đẹp, nghề nào cũng đẹp miễn các em làm việc chân chính là được. Muốn thế, các em cần bỏ sức ra học nhiều hơn, học thật giỏi để biến giấc mơ của mình thành sự thật trong tương lai.
Em Thị Đa Vy, học sinh Trường tiểu học Phú Lợi (xã Phú Lợi), cho biết gia đình em thuộc diện nghèo khó, cha mẹ em đi làm mướn như đào đất, xịt thuốc, mần cỏ... kiếm 150.000 - 200.000 đồng/ngày cho Vy đi học. Ở quê heo hút, không phải lúc nào cũng có việc mần nên đi học về nhà là Vy phụ giữ em và phụ mẹ đan đệm bàng kiếm thêm.
"Một ngày em với mẹ em đan được một chiếc đệm bàng thôi. Một cái như vậy người ta trả cho em 75.000 đồng. Tiền này ngoài phụ mẹ còn để dành cho em đi học" - Vy buồn nói. Dáng người Vy gầy và cao nên chiếc áo đồng phục mà Vy mặc đến trường đã không còn vừa nữa. Tuy nhiên, Vy nghĩ: "Đến trường học được là em đã vui, đã may mắn lắm rồi".
Kịp thời giúp nhiều em đến trường
Thầy Nguyễn Quốc Nam - hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Lợi - cho biết Phú Lợi là xã khó khăn.
Do đó, đầu năm học này, ngoài chính quyền địa phương và nhà hảo tâm quan tâm thì chương trình ý nghĩa như "Nắm gạo tình thương" hay "Nuôi heo đất"... đã kịp thời giúp cho các em học sinh đến trường và không em nào bỏ học vì đói, nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận