Chăn nuôi, chế biến cá tra VN sẽ thay đổi, đáp ứng nhiều chỉ tiêu khắt khe hơn. Trong ảnh: tại một cơ sở thu mua chế biến cá tra ở ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định 3379 về chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra... xuất khẩu sang Mỹ. Đây được coi là cơ hội để cá tra Việt Nam giữ chất lượng ổn định.
Quyết định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 1-9, đưa ra quy định khá khắt khe từ khâu lưu trữ hồ sơ đến các tiêu chí về thú y, kháng sinh... với 85 chỉ tiêu về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, 4 chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, 8 chỉ tiêu về vi sinh, hóa học...
Phải vì người tiêu dùng
Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, công nhận quy định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của phía Mỹ.
Nhưng ngoài việc phải chịu thuế chống bán phá giá, theo quy định mới từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải “gồng” thêm chi phí lưu kho, kiểm hàng do phía Mỹ kiểm tra tất cả các lô hàng trong kho.
Một trong những tiêu chuẩn của Luật Nông trại quy định tính tương đồng trong nuôi trồng cá da trơn, đòi hỏi quá trình nuôi ở Việt Nam phải tương đương như ở Mỹ.
Ông Lại cho rằng nông nghiệp Việt Nam khó đạt được những tiêu chuẩn tương đồng với nền nông nghiệp Mỹ nên sẽ khó lòng đạt được các tiêu chuẩn trong thời gian ngắn.
Do đó, theo ông Lai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Đồng Tháp đang tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới tại châu Á, châu Mỹ với những điều kiện ít khắt khe và giá cả tốt hơn.
Tuy nhiên, là người nuôi cá tra trên 20 năm ở TP Long Xuyên (An Giang), ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết giá cá tra hiện ở mức 23.500 đồng/kg là hợp lý.
Ông có lo lắng trước các rào cản kỹ thuật của Mỹ và quy định mới của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhưng biết đây là hướng đi đúng.
Theo ông Nghiệp, hiện tại thị trường Trung Quốc đang “ăn” cá tra của Việt Nam khá lớn nhưng đây không phải là thị trường bền vững.
“Về lâu dài người nông dân mình chắc chắn phải thay đổi cách chăn nuôi thôi, bởi bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là hàng đầu mà. Nên giờ nếu muốn tồn tại thì chắc chắn mình phải tự thay đổi” - ông Nghiệp nói.
Cần “siết chặt tay” giữ chất lượng
Ông Đào Trọng Hiếu (Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ) cho rằng khi tiếp nhận thông tin phản hồi từ các thị trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giao cho đơn vị chức năng ban hành các chỉ thị để chấn chỉnh sản xuất, kiểm soát chặt hơn chất lượng.
Tuy nhiên, thách thức và điều đáng lo ngại nhất hiện nay, theo ông Hiếu, chính là doanh nghiệp của Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, khiến chất lượng cá tra giảm đi.
Vì vậy, ông Hiếu nói thẳng chính các doanh nghiệp phải có ý thức “bắt tay” nhau xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cao, giá bán cao để làm chủ tình hình.
Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho rằng không riêng thị trường Mỹ mà để tiếp tục xuất khẩu cá tra sang thị trường EU, người nuôi phải tuân thủ các quy định.
“Nếu chúng ta không quản lý tốt chất lượng thì thương hiệu cá tra Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường thế giới”, ông Thư cảnh báo.
Quản lý cả 2 đường xuất khẩu sang Trung Quốc Tại buổi hội thảo chủ đề “Cơ hội và thách thức mới đối với thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam ” tổ chức ngày 17-8 tại TP Cần Thơ, ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2017 của cá tra đạt 996 triệu USD, vẫn tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016. Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu. Trung Quốc đứng thứ 2, chiếm 20,3% và EU số 3... Ông Quốc nhận định Trung Quốc là thị trường có thể vượt Mỹ, Việt Nam đang xuất khẩu được cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Vì vậy cơ quan nhà nước cần quản lý tốt cả hai đường xuất khẩu này nhằm tránh có ảnh hưởng tiêu cực cho ngành hàng cá tra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận