Thiệt hại gần 16 tỉ USD theo tính toán giả định
Ngày 5-1, trong lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án chống lừa đảo của người sáng lập Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đã có nhiều câu chuyện và nhìn nhận về lừa đảo qua mạng dưới góc nhìn kinh tế. Đây được ví như một ngành công nghiệp có lợi nhuận rất cao.
Tại buổi trò chuyện, ông Philip Hùng Cao cho biết Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023.
"Có gần 16 tỉ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.
Được ví như ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024 tỉ suất lợi nhuận càng tăng. Chắc không có ngành nào lãi suất cao như vậy", gương mặt thân quen với thị trường công nghệ và an toàn thông tin tại khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về băn khoăn cách tính trên có phi thực tế và khó chuẩn xác, đại diện GASA cho hay cách tính toán số tiền bị mất: lấy số tiền trung bình được báo cáo bị đánh cắp: 734 USD nhân với 29% báo cáo bị mất tiền. “Chúng tôi tính trên nền dân số Việt Nam lớn hơn 18 tuổi. Tất nhiên, con số này là giả định dựa trên cuộc khảo sát 1063 người được hỏi. Đây không phải là mẫu đại diện vì chúng tôi không có đủ ngân sách”.
Ông Philip còn đưa ra lưu ý đơn giản cho người sử dụng mạng trước những rủi ro lừa đảo như: người dùng chậm lại; nín thở 7 giây trước khi click chuột; hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như WiFi, bluetooth…
Đồng quan điểm, ông Võ Văn Khang - phó chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) - đánh giá lừa đảo qua mạng hiện nay là ngành công nghiệp, không phải xuất phát là cá nhân hay nhóm nhỏ.
"Họ có giáo trình, có phương pháp về mặt tâm lý học và công cụ hiện đại tiếp cận nạn nhân. Trong khi độ hiểu biết và sử dụng công nghệ, và môi trường tại Việt Nam rất 'đắc địa' để tội phạm khai thác thu về lợi nhuận cao", ông Khang cho biết.
Hiếu PC: Chính nhân viên của doanh nghiệp bán dữ liệu ra ngoài, chứ không có hacker nào cả
Cũng tại buổi kỷ niệm của dự án, Hiếu PC cho biết từng khảo sát 1.000 người, có nhiều nạn nhân và lừa đảo rất phức tạp. Hiếu PC cũng thông tin tháng 7-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có tổng kết 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm.
"Qua các bước như từ mạng xã hội, cuộc gọi điện thoại, sau đó nạn nhân của lừa đảo qua mạng sẽ bị dẫn dụ vào Telegram. Khi đến bước này thì khả năng bị lừa đã là 95%", Hiếu chỉ ra chiêu lừa.
Nhắc những câu chuyện thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp bị lộ ra ngoài, Hiếu PC cho rằng Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.
"Chính nhân viên bán dữ liệu ra ngoài chứ không có hacker nào cả. Doanh nghiệp cần bảo toàn thông tin để không mất uy tín khách hàng, uy tín của chính doanh nghiệp, kể cả tránh những kiện tụng về sau…", hacker "mũ đen" một thời nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận