Hơn một tháng sau vụ cháy chung cư Carina, hàng nghìn cư dân ở đây vẫn chưa thể về nhà để ổn định cuộc sống, bởi điện nước chưa có, chỗ ở còn long đong, cuộc sống của nhiều cư dân Carina rơi vào bế tắc.
“Biết bao giờ lại được thấy cảnh gia đình quây quần bên nhau sau giờ đi làm về, biết bao giờ lại được nghe tiếng cười của người mẹ nô đùa cùng con nhỏ, những cụ ông cụ bà cùng nhau tập thể dục quanh khu vực của chung cư, tôi nhớ quá nhịp sống thường ngày khi còn ở chung cư!
Chị LƯU THỊ THÚY HẰNG
Dân chung cư khổ sở đi xách từng xô nước từ tầng trệt lên căn hộ để sinh hoạt - Ảnh: XUÂN ĐÀO
Mong ngày đoàn tụ
Không còn cảnh gia đình quây quần bên nhau trong những giờ cơm như trước đây, hơn một tháng nay nhiều cư dân Carina từng ngày lặn lội phiêu bạt nhiều nơi khi phải ở tạm hết chỗ này đến chỗ khác.
Sống trong cảnh tạm bợ, sinh hoạt thường ngày từ bữa cơm cho đến chỗ tắm rửa của nhiều cư dân Carina đều bị đảo lộn.
Cũng từ ngày tới nay, nhiều hộ gia đình phải chịu cảnh phân ly khi các thành viên đi ở nhờ mỗi người một nơi bởi không tìm được chỗ cho cả gia đình cùng chung sống.
Cư dân Carina khao khát ngày được trở về nhà của mình để vợ chồng, con cái cùng đoàn tụ.
Bà M.H. cho biết trước đây gia đình bà có bốn người cùng chung sống đầm ấm trong căn hộ ở chung cư. Sau khi vụ cháy xảy ra, gia đình bà không tìm được nơi đủ chỗ cho cả bốn người nên đành phân tán ra đi ở khắp nhà bà con.
Có lần nhớ cháu quá tôi chạy xe gần 10km để gặp cháu, gặp lại nhau bà cháu ôm chầm lấy nhau rồi khóc. Đã hơn 30 ngày từ lúc xảy ra cháy chung cư, chúng tôi phải sống tạm bên ngoài, gia đình chia cách nhau.
Tôi thực sự ngán ngẩm với cảnh sống tạm bợ như thế này lắm rồi, nhưng không biết bao giờ mới được trở về nhà để cả gia đình cùng đoàn tụ" - bà H. ngậm ngùi.
Cư dân Carina thắp đèn sinh hoạt trong căn hộ chưa có điện - Ảnh: XUÂN ĐÀO
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà H., chị Lưu Thị Thúy Hằng ở block C của chung cư cũng chịu cảnh ly tán khi cả gia đình bốn người của chị phải chia ra sống ở nhiều nơi.
Chị với con sống tạm qua ngày ở khách sạn, còn chồng thì ngày ngày bám trụ ở chung cư do đã rất mệt mỏi khi phải đi về từ nơi ở tạm tới chung cư mỗi ngày để trông nhà.
"Biết bao giờ lại được thấy cảnh gia đình quây quần bên nhau sau giờ đi làm về, biết bao giờ lại được nghe tiếng cười của người mẹ nô đùa cùng con nhỏ, những cụ ông cụ bà cùng nhau tập thể dục quanh khu vực của chung cư, tôi nhớ quá nhịp sống thường ngày khi còn ở chung cư!" - chị Hằng ướt nhòe đôi mắt, nghĩ xa xăm về những ngày sắp tới.
Cuộc sống tạm bợ ở bên ngoài không có không gian, không có đồ đạc để nấu nướng, nhiều người đành chấp nhận ăn cơm bụi qua ngày.
Chị Thảo, một cư dân tại block B chung cư Carina, cho biết hai đứa con của chị rất nhớ nhà và luôn đòi về nhà nên cứ chiều chiều chị lại đưa con về thăm, nhưng vì chưa có điện nước sinh hoạt và chung cư cũng chưa sửa chữa để đảm bảo an toàn nên chị chưa thể đưa gia đình về ở hẳn.
"Tôi và nhiều gia đình ở chung cư Carina rất khao khát sớm đến ngày về nhà ổn định cuộc sống để an cư lạc nghiệp, chứ cứ ở trong cảnh sống tạm thế này công việc của chúng tôi xáo trộn đủ thứ" - chị Thảo ngậm ngùi.
Cư dân Carina chấp nhận sống tạm ở chung cư với nhiều thiếu thốn, phải xách từng xô nước ở tầng trệt lên căn hộ để sinh hoạt - Ảnh: THUẬN KHÁNH
Sống leo lét với ngọn đèn dầu
Buổi tối chung cư Carina lác đác có những tia sáng leo lét phát ra ở một số căn hộ, nhiều hộ gia đình ở đây vì không tìm được nơi sống tạm bên ngoài, hoặc gia cảnh khó khăn không đủ để chi trả tiền thuê trọ nên đành chấp nhận về lại chung cư sống trong cảnh không điện, không nước sạch.
Nguồn nước duy nhất ở đây để cư dân sinh hoạt được lấy từ thùng nước bơm từ nước giếng, đặt dưới tầng trệt chung cư. Mỗi lần muốn tắm giặt hay vệ sinh cá nhân, người dân phải chịu cảnh vất vả xách nước từ tầng trệt lên căn hộ của mình.
Người dân Carina chấp nhận sống lay lắt trong những căn hộ ở chung cư chưa điện chưa nước - Ảnh: THUẬN KHÁNH
Ông Vũ Hồng Thọ (65 tuổi), hiện đang sống bám trụ ở tầng 9 block C chung cư Carina, cho biết mỗi ngày ông đều phải xuống tận tầng trệt hì hục mãi mới đem được một xô nước lên căn hộ để sinh hoạt.
Căn hộ của ông trước đây có bốn người cùng ở, hai vợ chồng ông tuổi đã lớn không chịu được cảnh sống tạm bên ngoài nay đây mai đó nên chấp nhận sống bám trụ ở chung cư mặc dù phải sống lay lắt trong cảnh không điện, không nước.
Trời quá nóng, vợ chồng ông ra bancông nhìn ánh đèn trên đường Võ Văn Kiệt hóng gió ngẫm nghĩ về cuộc đời.
"Tôi và vợ trước đây cùng chung sống với con và cháu trong căn hộ này, từ ngày xảy ra cháy chung cư gia đình không còn quây quần trong bữa cơm đầm ấm. Con và cháu tôi đang sống tạm ở ngoài, ở đây mỗi đêm vợ chồng tôi nhớ con, nhớ cháu lắm!" - ông Thọ hướng nhìn ra bancông nơi có gió trời và ánh đèn đường rồi ngậm ngùi.
Cũng vậy, ông Hoàng hiện đang sống bám trụ ở chung cư Carina phân trần: sống ở đây không có điện nước nhưng cũng đành phải chấp nhận cảnh sống như vậy để trông coi nhà cửa, do sống ở ngoài vừa khó khăn đủ thứ lại không yên tâm vì nhà để hoang.
"Biết bao giờ chung cư mới nhộn nhịp trở lại, người người gặp nhau với những tiếng cười rạng rỡ. Chúng tôi đang rất khổ sở vì phải sống bám trụ ở đây trong cảnh leo lét ánh đèn dầu, cũng không biết phải sống ở đâu ngoài nhà của mình nên đành chấp nhận ở lại chung cư.
Buổi tối ở đây ảm đạm đến rùng mình, không có điện để xem tin tức, để làm việc..." - ông Hoàng chia sẻ.
Ăn cơm trong cảnh không điện sáng ở chung cư Carina - Ảnh: THUẬN KHÁNH
Khát khao được về nhà
Một fanpage Facebook có tên "Hội cư dân Carina khát khao được về nhà" đã được các cư dân Carina lập nên với hàng trăm thành viên là cư dân chung cư tham gia, chia sẻ cho nhau những hình ảnh, clip mỗi dịp về thăm nhà, đồng thời thể hiện nỗi nhớ nhà da diết của mình lên fanpage:
"Khi nào tôi mới được về nhà, tôi khát khao được về nhà của mình để an cư lạc nghiệp, để cho bố mẹ cao tuổi và con nhỏ có nơi ăn ở, học hành tốt... Tôi nhớ nhà lắm" - một tài khoản Facebook chia sẻ trên fanpage.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận