22/09/2011 10:18 GMT+7

Ca sĩ Việt "gà mờ" hay thiếu bản lĩnh?

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TT - Gần đây, không ít khán giả bức xúc trước nhiều sản phẩm âm nhạc - cụ thể là album ca nhạc và các video clip trong nước khi cứ thấy thấp thoáng hình ảnh, giai điệu của những ca sĩ nước ngoài được “sao chép” lại.

Đây không còn là chuyện lạ lẫm với showbiz Việt, nhưng điều đáng lo ngại là ngày càng được thực hiện công khai, đôi khi là sự ăn cắp trắng trợn được thay thế bằng mỹ từ “học hỏi”.

tQIBMLIx.jpgPhóng to

Hai “hiện tượng” đáng kể gần đây tạo nên luồng dư luận khác nhau từ công chúng là sản phẩm của hai ca sĩ trẻ Cao Thái Sơn và Ưng Hoàng Phúc. Video clip Người ở lại của ca sĩ Cao Thái Sơn trong album Gió lạnh mới phát hành bị cho là giống video clip Come back to me2 của Se7en. Trước đó, Ưng Hoàng Phúc từng bị khán giả tố cáo là “đạo” video clip của nam ca sĩ người Đan Mạch Burhan G đến 90%.

Phải chăng nhiều ca sĩ “gà mờ” để sản phẩm của mình bị đạo đến nỗi không biết, hay chính họ cũng thỏa hiệp khi bản lĩnh sáng tạo còn kém?

Với khán giả, đôi khi họ không cần hiểu thế nào là “đạo” nhạc hay ý tưởng, khi phát hiện sản phẩm có những chi tiết giống nhau tức thì họ sẽ cho rằng ca sĩ trong nước đang copy hay ăn cắp. Phải chăng khán giả quá khắt khe với ca sĩ trong nước, hay bị những “ám thị” từ các ngôi sao ca nhạc quốc tế? Nhưng có thể thấy nhiều ca sĩ hôm nay thiếu năng lực sáng tạo, họ sẵn sàng vay mượn hình ảnh và sao chép phong cách âm nhạc, từ bắt chước cách ăn mặc (đặc biệt xu hướng Hàn Quốc hóa đậm nét) đến dòng nhạc theo đuổi và “vay mượn” luôn ý tưởng trong các video clip ca nhạc.

Trên nhiều sự kiện xảy ra gần đây, nhiều ca sĩ cho thấy ở họ thiếu sự tự tin, năng lực lựa chọn cũng như sáng tạo để có được phong cách riêng. Mà để có được sự sáng tạo - có khi là những “phá phách” dễ thương hay khó chịu - trước hết ca sĩ cần có những yếu tố cơ bản như giọng hát, kỹ thuật thanh nhạc và quan trọng là lòng tự trọng, sự nghiêm túc với nghề!

Khi hòa mình vào dòng chảy chung của âm nhạc thế giới, ca sĩ phải có bản lĩnh và năng lực thẩm mỹ để chọn lọc hay áp dụng vào các sản phẩm âm nhạc cụ thể. Đó còn là trách nhiệm của nhạc sĩ, đạo diễn, những người lên ý tưởng... bởi ca sĩ không chỉ là người duy nhất tạo nên một sản phẩm âm nhạc.

Khi bị khán giả cáo buộc, có ca sĩ cho rằng họ vô tội vì đặt hết lòng tin vào nhạc sĩ, đạo diễn và vô tình họ bị biến thành “gà mờ” trước sản phẩm của mình? Vậy trách nhiệm với chính đứa con tinh thần của mình hầu như không có? Khâu kiểm tra cũng gần như không có trong các sản phẩm bị cho là sao chép này.

Khán giả từng ngỡ ngàng, khi Ưng Hoàng Phúc đã tỏ ra bình thản trước sự cố video clip Chuyện đó đâu ai ngờ: “Chuyện tham khảo ý tưởng lẫn nhau trong âm nhạc là chuyện bình thường, không ít ca sĩ ở Việt Nam và trên thế giới thực hiện...” (trích bài trả lời của Ưng Hoàng Phúc trên VTC).

Ưng Hoàng Phúc nói: “Nghĩ thế nào mà nói là đạo, đạo như thế nào?”, còn ca sĩ Cao Thái Sơn phân bua: “Mỗi bài hát đều có tên nhạc sĩ sáng tác, mỗi clip cũng đều có đạo diễn và nhà làm phim chịu trách nhiệm nên mọi người phải hiểu phần nào ra phần đó. Đành rằng đúng sai thuộc về ai chưa bàn tới, nhưng báo chí khi thấy một sự cố gì thì liền chụp mũ người nổi tiếng là ca sĩ để quy tội và câu khách, nhưng dù thế cũng không nên vội vàng dùng những ngôn từ nặng nề như ăn cắp, chôm chỉa, không có lòng tự trọng...”.

Ranh giới giữa cái gọi là “đạo” hay không cũng không quá mong manh như ca sĩ nghĩ và cũng không rõ ràng đến mức dễ dàng nhận thấy như khán giả nghĩ. Trên thực tế, ca sĩ hay nhạc sĩ “giỏi” vẫn có “học hỏi” và sao chép một cách khéo léo khó lòng nhận thấy rõ ràng. Còn các hiện tượng sao chép gần như “mười mươi” có khi lại nằm trong mục đích quảng cáo của ca sĩ. Nếu như vậy, nhiều ca sĩ đang thiếu tự tin ở bản thân và đang sử dụng chiêu trò “câu” chú ý thay vì khẳng định năng lực.

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên