06/06/2017 08:43 GMT+7

Cả rừng thủ tục chưa lo được bữa ăn sạch

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - “Đừng để những hạn chế, yếu kém của chúng ta trong chuyện an toàn thực phẩm hôm nay trở thành gánh nặng và trách nhiệm phải giải quyết cho thế hệ đời sau”.

Quốc hội dành ngày làm việc 5-6 để bàn về ATVSTP trong 5 năm qua và giải pháp chấn chỉnh trong những năm tới. Trong ảnh: gà vịt bán tại chợ Rạch Ông, Q.8, TP.HCM - Ảnh: H.KHOA

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói như vậy khi phát biểu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011- 2016 tại Quốc hội ngày 5-6.

Không riêng đại biểu Nhân, nỗi lo về một gánh nặng ATTP sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước bao trùm khắp các ý kiến đại biểu phát biểu.

Một cọng bún ba bộ quản lý

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng báo cáo của Chính phủ nêu trách nhiệm về ATTP thuộc cả ba bộ: Y tế, NN&PTNT, Công thương nhưng nêu rất chung chung.

Không rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bộ đối với các hạn chế này đến đâu, yếu kém của bộ nào là chính. Sự bất cập này thể hiện ngay ở khâu đầu tiên là phát hiện và tố giác hành vi.

Ông cho rằng hiện nay nếu ai đó có phát hiện bất an trong thực phẩm thì họ cũng không biết phải báo ở đâu, có biết thì thủ tục cũng rất rườm rà, “mặc dù chúng ta đã có Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật an toàn thực phẩm, Luật tố tụng dân sự nhưng những thủ tục về khiếu nại, phản ảnh, khởi kiện và bồi thường vẫn còn phức tạp kéo dài và cơ chế giải quyết, bảo vệ còn kém hiệu quả”.

Cụ thể hơn, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu dẫn chứng: chỉ riêng quản lý chất lượng, một cọng bún đang có cả ba bộ chịu trách nhiệm.

Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công thương; sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM - nêu một thực trạng khác: doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực thực phẩm đang bị bủa vây bởi một rừng giấy chứng nhận.

Cụ thể, có 59 thủ tục để cấp các loại giấy từ các bộ, 47 loại thủ tục được ủy quyền cho địa phương. “Cả trăm cái thủ tục này phát sinh bao nhiêu là tiêu cực nhũng nhiễu.

Các loại giấy này chủ yếu phục vụ công tác thanh tra xem có được... cấp giấy hay không, nhưng lại xem nhẹ hậu kiểm” - bà nói.

*** Error ***
Người dân chọn mua rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phần chìm tảng băng ở đâu?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng con số mà Chính phủ nêu: giai đoạn 2011-2016 có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết chỉ là phần nổi của “tảng băng” ngộ độc thực phẩm.

“Hằng năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan tới thực phẩm và người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận.

Bên cạnh đó còn hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc hằng ngày thông qua thực phẩm không an toàn” - ông Mai nêu.

Đại biểu Mai đưa ra con số theo khảo sát riêng của Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.

Do vậy người dân tìm nhiều cách để đối phó với thực phẩm bẩn bằng cách tự trồng rau, nuôi gà, nuôi heo theo kiểu tự cung tự cấp.

Số đông còn lại thì phó mặc sức khỏe, tính mạng cho may rủi. Với thực trạng đó, “người dân bất an là điều đương nhiên” - đại biểu Nguyễn Hoàng Mai nói.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân tiếp tục đưa ra số liệu báo cáo tại Diễn đàn chính sách ATTP Việt Nam: hằng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 chủng loại khác nhau, 90% số đó được nhập từ Trung Quốc.

Nhưng đáng nói là Trung Quốc chỉ có 630 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành.

Như vậy, có hàng ngàn chủng loại thuốc bảo vệ thực vật không được lưu hành tại Trung Quốc nhưng lại được nhập vào Việt Nam. “Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình?” - ông đặt câu hỏi.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tồn tại nhiều hơn làm được

Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khi phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu: báo cáo của Chính phủ nêu 8 mặt làm được và 9 mặt còn tồn tại đã cho thấy điều này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá thành quả lớn nhất trong 5 năm thực hiện Luật ATTP là đã sản xuất một khối lượng nông sản, chế biến đáp ứng cho trên 92 triệu dân.

Xuất khẩu nếu cộng cả phi chính ngạch đạt trên 100 triệu tấn nông sản, giá trị là 140 tỉ USD và thặng dư xấp xỉ 43 tỉ USD.

Đồng thời chất lượng ATTP đã góp phần đưa tuổi thọ bình quân của nhân dân lên 74 tuổi. “Hai chỉ số này chứng minh trong 5 năm vừa qua và giai đoạn trước chúng ta đã có một bước cố gắng tích cực” - bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Phát biểu giải trình vào cuối ngày thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập sự bất cập trong thi hành pháp luật quản lý ATTP.

Ông khẳng định các tổ chức quốc tế đều đánh giá hệ thống pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực ATTP hàng đầu trong khu vực, “chỉ có vấn đề năng lực thực hiện thì chưa đủ, do thực hiện chưa tốt”.

Phó thủ tướng nói cho dù thành quả của việc bảo đảm ATTP đã đạt được khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ kỳ vọng.

Ông thể hiện quyết tâm: “Chính phủ sẽ kiên trì, không phải theo từng đợt mà xuyên suốt”. Phó thủ tướng cũng nhìn nhận: những gì còn khó khăn - kể cả chính sách, kinh phí, con người... - nếu quyết tâm, đặc biệt là người đứng đầu, thì chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt.

Sau khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu, có nhiều đại biểu chưa đồng ý với một số nhận định mà ông đưa ra:

Bộ trưởng nói về tuổi thọ trung bình đã tăng lên 74 tuổi nghe rất lạc quan. Nhưng vấn đề ở đây là tuổi thọ về sức khỏe chứ không phải tuổi thọ trung bình. Hiện nay tuổi thọ sức khỏe của dân mình là 56 tuổi, như vậy 18 năm còn lại sống trong bệnh tật”.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM)

“Thành tích trong nông nghiệp không phải chỉ đến khi chúng ta thực hiện chính sách ATTP mới có, mà đó là đà tăng trưởng chung của nền kinh tế”

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)

Mở rộng thí điểm ban quản lý an toàn thực phẩm

Đây là đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM.

“Tôi nghĩ rằng một mình TP.HCM thí điểm thôi chưa đủ mà Quốc hội cần có chỉ đạo để Chính phủ mở rộng thí điểm này ra để có điều kiện đánh giá.

Trên cơ sở đó, chúng ta cho ý kiến một cách thực chất nhất để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp và không rõ trách nhiệm về quản lý vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay” - bà Tâm nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên