Cà phê và khủng hoảng niềm tin

NGUYỄN HOÀNG MỸ PHƯƠNG 26/12/2013 05:12 GMT+7

TTCT - Vấn đề nghiêm trọng nhất trong ngành cà phê Việt Nam hiện nay là gì? Nếu như chỉ được phép chọn một vấn đề thì dường như không phải là giá cà phê đỏng đảnh đang tăng giảm thất thường mà đó chính là khủng hoảng niềm tin.

Phóng to

Sự kiện một “kho cà phê” mang đi thế chấp để vay tổng cộng 600 tỉ đồng tại bảy ngân hàng chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi.

Các ngân hàng đồng ý cung cấp tín dụng (credit) có nghĩa là họ, sau các nghiệp vụ thẩm định hồ sơ do khách hàng cung cấp, tin rằng khách hàng cung cấp đúng thông tin và sẽ hoàn trả cả vốn vay lẫn tiền lãi trong thời gian thỏa thuận. Credit là từ tiếng Anh, xuất phát từ tiếng Latin credo, có nghĩa là “tôi tin tưởng”, nếu như không có sự tin tưởng thì sẽ không có credit, hay không có sự chấp thuận cung cấp tín dụng nào ở đây cả.

Tạm gác lại nỗi ngán ngẩm về khủng hoảng lòng tin đang xảy ra không chỉ trong ngành cà phê mà còn vươn ra cả xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà lòng tin về sự tử tế giữa người với người đã xói mòn ít nhiều trước sự kiện “hôi bia” trắng trợn xảy ra ở TP Biên Hòa thời gian gần đây, mà mượn cánh cửa thần kỳ của chú mèo máy Doraemon quay ngược về quá khứ một chút để xem trong ngành cà phê, mọi người kinh doanh bằng vốn xã hội (social capital) niềm tin như thế nào.

Vào giữa những năm 1980, tất cả cà phê được thu gom bởi các công ty trồng cà phê để bán ra thị trường và hầu như không có khái niệm đại lý cà phê. Người trồng cà phê được cấp sổ để giao dịch với các công ty xuất khẩu, lúc đó gọi là ngoại thương. Qua sổ này người trồng cà phê bán trực tiếp cho công ty và được mua đối lưu một số mặt hàng thiết yếu.

Cũng như vậy, từ năm 1994 trở về trước, cụm từ “ký gửi cà phê” hầu như ít người biết đến. Do vào thời kỳ này, việc quyết định giá mua - bán cà phê nội địa hầu như thuộc độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đại lý chỉ là người mua gom cho các doanh nghiệp, còn nông dân trồng cà phê thì chỉ biết giá bán do các doanh nghiệp và đại lý thông báo.

Người dân và DNNN có cùng niềm tin đơn giản rằng sẽ không bên nào “xù” bên nào bởi cấu trúc chuỗi cà phê đặc thù bấy giờ.

Khi kinh doanh cà phê không còn là độc quyền của ngành ngoại thương và khi giá cà phê tăng cao đột biến vào những năm 1995-1996 thì hầu như ai ai cũng đổ xô vào mặt hàng này. Nay thì chỉ cần một cái điện thoại đơn giản, đăng ký nhận tin nhắn giá cà phê hằng tháng là ai cũng có thể ung dung cập nhật giá “nhấp nháy” trên thị trường thế giới. Các đại lý mọc lên như nấm sau mưa.

Tôi là nông dân trồng cà phê, đến mùa thu hoạch mà không có kho chứa và cũng chẳng muốn bán hết sản lượng cà phê của mình, còn anh là người trong xóm, hai gia đình quen biết nhau từ thời ông nội. Anh cho vay dưới dạng cung cấp đầu vào sản xuất như phân bón và nhận ký gửi cà phê cho rất nhiều hộ gia đình trong xóm lẫn các khu vực lân cận.

Tôi tin anh và ký gửi cà phê, khi nào cần tiền chi tiêu hoặc thấy giá tốt thì tôi chạy sang í ới chốt một ít hàng. Anh tin tôi nên cho tôi ứng tiền trước để đầu tư trồng trọt hay xoay xở việc đột xuất trong nhà. Lúc này, niềm tin được xây dựng nên giữa những người cùng chung sống trong cộng đồng tại địa phương dù với phần lớn trường hợp là thỏa thuận miệng hoặc bằng tờ giấy viết tay nguệch ngoạc ít có giá trị pháp lý.

Kinh doanh cà phê trước đây dựa vào niềm tin về thể chế (giữa nông dân và DNNN độc quyền kinh doanh cà phê) chuyển dần sang tin tưởng vào sự vận hành hiệu quả của những “hệ thống trừu tượng” (abstract systems, Giddens 2006) như hệ thống ngân hàng hay hệ thống đại lý cà phê.

Nhưng dù trong thế giới ngày càng “phẳng” hiện nay, cuộc sống của nông dân trồng cà phê vùng Tây nguyên hay nguồn thu ngân sách của bộ máy nhà nước hoàn toàn có thể chịu ảnh hưởng bởi những người sống cách xa hàng trăm dặm, thậm chí là không hề quen tên biết mặt thì niềm tin vẫn quan trọng hơn bao giờ hết.

Không phải giới kinh doanh cà phê hằng ngày đều theo dõi diễn biến giá của sở giao dịch hàng hóa tận nước Anh hoặc Mỹ xa xôi với cơ chế hoạt động và công thức tính giá mà chính họ là người hoạt động trong thị trường này cũng chưa chắc đã tinh thông, nhưng lại có thể tác động lớn đến giá cà phê trong nước hay sao?

Điều quan trọng hiện nay là Nhà nước cần tạo môi trường để lòng tin phát triển và ở lại với hệ thống luật pháp chặt chẽ, có biện pháp răn đe thích đáng đối với những kẻ lợi dụng sự tin tưởng để trục lợi, làm xói mòn thứ vốn quý giá của xã hội, bởi “một lần bất tín vạn lần bất tin” - mất lòng tin là mất tất cả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận