Phóng to |
Thu hoạch cà phê ở Đắk Nông - Ảnh: Nguyễn Công Thành |
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị bàn về biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu cà phê do Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa) tổ chức ngày 24-9 tại TP.HCM. Và dù niên vụ mới còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu VN đã than năm nay sẽ cực kỳ khó khăn cho ngành cà phê VN. Hiện giá cà phê nội địa chỉ còn 36.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong ba năm qua.
Gian lận thuế VAT đang giết ngành cà phê!
Liên đoàn Cà phê châu Âu quan tâm đến tình trạng gian lận thuế Không chỉ doanh nghiệp trong nước lo lắng về tình trạng gian lận thuế VAT mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng bất an trước mùa vụ mới. Vicofa cho biết cuối tháng 7-2013, Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) đã có thư gửi các cơ quan chức năng VN yêu cầu điều tra tình trạng gian lận thuế trong mua bán cà phê để các thành viên của ECF biết đường lên kế hoạch mua bán cho niên vụ 2013-2014, giải quyết vấn đề thuế VAT trước niên vụ cà phê mới để họ yên tâm kinh doanh. |
Kể từ tháng 6-2013 đến nay, Công ty TNHH Minh Huy (Long Khánh, Đồng Nai) đã tạm ngưng xuất khẩu cà phê dù đối tác vẫn điện thoại đặt hàng. Ông Nguyễn Minh Bạn, giám đốc công ty, cho biết không phải thiếu hàng để giao nhưng mua bán hiện nay quá nhiều rủi ro do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp chuyên gian lận thuế với thủ đoạn tinh vi.
Theo giải thích của ông Bạn, thủ đoạn của các doanh nghiệp này là mua cà phê với giá cao hơn giá thị trường, sau đó bán ra giá thấp cho doanh nghiệp xuất khẩu để lấy hóa đơn VAT và kiếm lời từ hành vi chiếm đoạt khoản thuế. Chẳng hạn, giá cà phê trên thị trường hiện nay 36.000 đồng/kg, nhưng các doanh nghiệp này chào mua giá 37.000 đồng/kg để cạnh tranh gom với số lượng hàng rất lớn.
Sau đó những doanh nghiệp này đem hàng bán lại cho doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu với giá 36.000 đồng/kg, chịu lỗ 1.000 đồng/kg và nhận được khoản tiền hoàn thuế VAT 5%, tương đương 1.800 đồng/kg. Thay vì nộp khoản tiền thuế này lại cho Nhà nước, doanh nghiệp này bỏ trốn để hưởng lãi 800 đồng/kg (1.800 đồng thuế VAT - 1.000 đồng bán lỗ). “Với kiểu mua bán này, các công ty làm ăn đàng hoàng rất khó cạnh tranh với họ để có hàng đúng giá xuất khẩu. Nếu mua cao bằng họ thì thua lỗ” - ông Bạn bức xúc.
Cũng tại cuộc họp, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu và đại diện Vicofa đều lên tiếng kêu khổ vì tình trạng gian lận và khó khăn trong hoàn thuế VAT đã vượt mức chịu đựng của doanh nghiệp. Ông Vũ Văn Hải, giám đốc Công ty Haprosimex TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến giờ đơn vị này không còn xuất khẩu cà phê. “Gian lận thuế VAT đã phá vỡ môi trường kinh doanh tại VN, người làm ăn chân chính đang chịu rủi ro. Chúng tôi không thiếu tiền để kinh doanh nhưng môi trường kinh doanh đã bị phá vỡ hết rồi nên tôi nghỉ” - ông Hải nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, tổng giám đốc Công ty CP XNK gia công bao bì Packsimex (Bộ Công thương), tuyên bố thẳng nếu không giải quyết vấn đề gian lận cũng như hoàn thuế VAT thì công ty không dám kinh doanh cà phê nữa. “Chúng tôi phải cho một nửa nhân viên nghỉ việc vì không có gì làm” - bà Mai nói.
Cà phê Việt đang mất thị phần
Theo ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Vicofa, tất cả doanh nghiệp xuất khẩu cà phê VN đều đang ở tình trạng bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp vấn đề về thuế. Nếu tình trạng này tiếp tục thì không còn doanh nghiệp nào tại VN dám tham gia thị trường cà phê nữa. Ông Nguyễn Xuân Thái, giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Đắk Lắk), đề nghị nên bỏ thuế VAT trong ngành cà phê vì 95% cà phê là để xuất khẩu, chỉ có 5% tiêu thụ trong nước.
Cũng theo các doanh nghiệp, rủi ro do gian lận thuế VAT và khó khăn trong hoàn thuế chính là lý do khiến cà phê VN đang mất dần thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết tình hình kinh doanh mùa vụ mới càng gặp nhiều khó khăn hơn do sản lượng thế giới ngày càng tăng. Ông Nguyễn Quang Bình, giám đốc Công ty TNHH Chánh Tinh Anh (TP.HCM), cho biết thách thức với cà phê VN là sản lượng của thế giới ngày càng cao nên thị phần của VN ngày càng thấp.
Trong 2-3 tháng vừa qua xuất khẩu cà phê VN không nhiều, một phần do gian lận thuế VAT nhưng còn do thị phần mất vào nước ngoài. Trước đây VN xuất khẩu 110.000-120.000 tấn/tháng nay chỉ còn 80.000-90.000 tấn/tháng. “Lượng bán thấp hơn mà giá vẫn giảm chứ không tăng là do có nguồn cung khác thay thế. Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thuế VAT thì hàng sẽ không đi được và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác là Indonesia và Brazil chiếm thị phần. Trước mắt, 400.000 tấn cà phê robusta của Brazil và 100.000 tấn của Indonesia sẽ được đưa ra thị trường và VN còn có thể mất thêm thị phần trong thời gian tới” - ông Bình nhận định.
Theo ông Đỗ Hà Nam, hiện giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong ba năm qua, còn 36.000 đồng/kg. Trong khi đó giá cà phê arabica trên thế giới đang xuống thấp nên thị phần robusta sẽ giảm thêm. Không những vậy, các doanh nghiệp nước ngoài đang có tin đồn xấu về doanh nghiệp cà phê trong nước. “Mấy ngày nay chúng tôi liên tục làm việc với ngân hàng nước ngoài và các công ty nước ngoài đang có thông tin các doanh nghiệp cà phê VN sắp chết hết rồi vì lãi suất và gian lận thuế” - ông Nam nói.
Ngược lại, một số ngân hàng cho biết sẽ tạm ngưng cho doanh nghiệp cà phê vay tiền kinh doanh niên vụ mới như ngành điều cách đây hai năm. “Ngành cà phê VN đã có ba năm tươi đẹp khi giá trong nước ổn định ở mức 40.000-50.000 đồng/kg. Thành công đó lớn nhất thuộc về người nông dân khi đã điều tiết được lượng hàng bán ra. Tuy nhiên, tình hình mùa vụ mới rất khó khăn, do đó cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để tránh tình trạng sụp đổ về giá”, ông Nam nói.
Đẩy khó cho doanh nghiệp xuất khẩu Để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế VAT, giữa tháng 6-2013 Bộ Tài chính ban hành công văn yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự “kiểm tra các khâu trung gian” và sẽ kiểm tra trước khi hoàn thuế đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tuy nhiên, quy định này lại vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp vì Nhà nước đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó hơn. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng khi mua cà phê của đối tác thì chỉ biết họ có đủ hồ sơ giấy tờ là được, còn họ mua của những đơn vị nào trước đó làm sao doanh nghiệp kiểm tra được. “Vậy mà Bộ Tài chính giờ bắt tôi phải biết hết cả những khâu cung cấp hàng. Nhà nước cũng tạm thời ách thuế VAT mà tôi lẽ ra được hoàn lại để kiểm tra các khâu cung ứng hàng. Nếu một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng bỏ trốn thì tôi cũng không được hoàn thuế. Rủi ro như thế này thì sao doanh nghiệp dám kinh doanh” - giám đốc một doanh nghiệp nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận