Phóng to |
Quá khứ “hai bờ chiến tuyến” hiển hiện trong quán cà phê qua hàng trăm kỷ vật chiến tranh mà ông chủ Lê Tuấn Nghĩa sưu tập hơn mười năm qua. Quán như một bảo tàng mini với đầy đủ các kỷ vật lớn nhỏ liên quan đến người lính, chỉ trừ dao và súng.
Bên mảng tường “phía ta” là chiếc balô lính chiến vải bạt với một con búp bê nhựa, món quà “chia vui ngày hòa bình” của các anh bộ đội; đôi dép cao su sờn rách, chiếc la bàn, hộp đựng vật dụng cá nhân, tem phiếu mua xe đạp, các phong thư tình được gửi về người yêu từ chiến trận...
Ở phía kia là bộ đồ lính Mỹ, vỏ lựu đạn, vỏ bom bi, máy dò mìn, điện thoại, thẻ bài người lính, chiếc bật lửa trong văn phòng tổng thống Thiệu... Các kỷ vật được sắp đặt ngăn nắp, nhiều món trong số đó xa lạ và gây hiếu kỳ với những ai sinh ra ở thời bình: bếp biệt kích, bộ điện đàm, loa tâm lý chiến...
Chưa từng khoác áo lính, xa lạ với mùi bom đạn nhưng Lê Tuấn Nghĩa lại có đam mê với những kỷ vật của người lính. Điều này khiến anh lặn lội từ Bắc vào Nam để tìm kiếm chúng. Không gian quán cà phê được anh thiết kế có không khí thời chiến với lá ngụy trang, dù nhảy treo lơ lửng trên trần nhà và những chiếc tủ bảo quản các kỷ vật... “Những kỷ vật này như có linh hồn, chúng tiếp tục hiện diện trên cuộc đời này như để thay mặt những người chủ của chúng, và chúng... chẳng hỏng hóc bao giờ” - Nghĩa nói.
Từ ngày hoạt động đến giờ quán “Lính” thu hút cả những tốp thanh niên trẻ chưa biết chiến tranh là gì. Họ đến đây để nghe Nghĩa nói về ý nghĩa của từ người lính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận